|
Phát triển làng nghề đan đát và sản xuất rượu ở Phú Lễ (Ba Tri). Ảnh: H.Hiệp |
Nhiều năm qua, các sản phẩm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh phát triển khá đa dạng và phong phú. Đời sống của người dân làng nghề không ngừng được nâng lên, đã huy động nguồn vốn trên 55 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động nông thôn.
Theo Sở Công Thương, từ năm 2006 đến nay, ngành đã tiến hành thẩm định công nhận 18 làng nghề. Trong đó, có các làng nghề tiêu biểu như: làng nghề dệt chiếu An Hiệp (Châu Thành), Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre); Thành Thới A (Mỏ Cày Nam); làng nghề tiểu thủ công nghiệp An Thạnh (Mỏ Cày Nam), Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc); làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm); Phú Ngãi (Ba Tri); làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Giồng Trôm), Phú Ngãi; làng nghề cá khô Bình Thắng (Bình Đại), An Thủy (Ba Tri); đan đát Phước Tuy, rượu Phú Lễ (Ba Tri); đúc lu Hòa Lợi (Thạnh Phú); kẹo dừa phường 7 (TP. Bến Tre), giỏ cọng dừa Phước Long, Hưng Phong (Giồng Trôm); bó chổi An Hòa, Mỹ An (Thạnh Phú). Làng nghề có 2.206 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 8.697 lao động, thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất kinh doanh của các cơ sở làng nghề tăng lên đáng kể qua từng năm. Năm 2005, doanh số chỉ đạt 187,7 tỷ thì năm 2012 đạt 472 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,18%, chiếm 9,94% giá trị sản xuất toàn ngành.
Theo đánh giá của ngành công thương, sự phát triển làng nghề đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Việc phát triển làng nghề cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần thương mại Trúc Giang, Công ty TNHH Sáu Nhu, Công ty TNHH Chí Công, HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ Phú Lộc, HTX Tiểu thủ công nghiệp Bến Tre… đã tự đầu tư vốn, thiết bị công nghệ để mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, tổ chức các vệ tinh, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Một số cơ sở đã có bước nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại nên một số sản phẩm của làng nghề tinh xảo hơn, hiện đại hơn, năng suất lao động từng bước được nâng lên. Đối với ngành nghề thủ công truyền thống thì công đoạn sản xuất chính vẫn làm bằng tay, nên sản phẩm vẫn giữ được nét độc đáo. Công tác quản lý Nhà nước về làng nghề cũng được quan tâm. Qua nhiều chương trình, dự án đã tập trung đầu tư trên 3 tỷ đồng hỗ trợ làng nghề phát triển sản xuất, các huyện, thành phố cũng đã đầu tư 300 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng đã hỗ trợ 2,18 tỷ đồng để các doanh nghiệp làng nghề đổi mới thiết bị, công nghệ. Tỉnh cũng đã đầu tư 4,6 tỷ đồng để gia cố, nâng cấp, làm mới đường giao thông các làng nghề.
Đối với các làng nghề truyền thống đã hình thành lâu đời, cần tập trung hỗ trợ vốn để duy trì, phát triển nguồn nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề. Các làng nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, hướng đến thị trường tiêu thụ có hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ làng nghề như: hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ, triển lãm; tham quan học hỏi kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị; đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng, xác lập quyền nhãn hiệu tập thể.