Tiền ảo trên mạng xã hội.
Không được pháp luật công nhận
Tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số không được phát hành, kiểm soát bởi Chính phủ mà do các nhà phát triển tạo ra và quản lý, được chấp nhận, sử dụng giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng không phải là tiền tệ hiện hành và cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, khi thiệt hại phát sinh như tiền ảo biến mất, sập sàn giao dịch... thì khoản đầu tư vào tiền ảo của người chơi sẽ không được bồi thường. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán bằng điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm về pháp lý khi giao dịch.
Các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo chủ yếu thực hiện trên mạng Internet, không qua quản lý của hệ thống tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm mất dần vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chưa kể đến việc các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo có nguy cơ bị lừa đảo nếu không có những am hiểu về lĩnh vực này.
Hơn nữa, biến động về giá của đồng tiền ảo quá lớn. Giá trị của đồng tiền ảo có thể biến động đáng kể qua thời gian do sự tác động của quy luật cung - cầu hay các động cơ đầu tư. Giá của đồng tiền ảo cũng như sự biến động giá của đồng tiền này không liên quan đến các yếu tố kinh tế hoặc tài chính, điều này làm cho sự biến động giá của đồng tiền ảo trở nên khó lường, khó dự báo và phòng ngừa.
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bản chất các dự án tiền ảo này là lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. Để duy trì được hệ thống hoạt động ổn định và lâu dài, các dự án này cần phải có lượng người đầu tư mới tham gia để có lãi và trả cho những người đầu tư trước đó. Khi lượng người tham gia giảm đi hoặc không có người tham gia nữa thì các dự án này sẽ bị sập, gây thiệt hại cho những người tham gia.
Tiền ảo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là khả năng trở thành phương tiện cho các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do giao dịch bằng tiền ảo có tính ẩn danh cao, có thể trở thành công cụ để các loại tội phạm che giấu hành vi phạm tội; các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trốn thuế…
Hiện nay, Việt Nam đã có một số quy định pháp lý về tiền ảo, như: Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ, quy định mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác); đồng thời, hành vi nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo rất phức tạp. Để tránh rủi ro, thiệt hại về tiền, tài sản cũng như ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, mọi người cần nêu cao cảnh giác, không tham gia các hoạt động đầu tư, giao dịch, thanh toán, sử dụng tiền ảo. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý.
Minh Thắm