Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ đội ngũ cán bộ gần dân, bài 2:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

04/06/2018 - 07:03

BDK - Khi cán bộ, đảng viên được phân công theo dõi, hỗ trợ (TDHT) tại tổ nhân dân tự quản (NDTQ), liên gia và từng hộ gia đình đã góp phần đưa cán bộ gần dân, cùng giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên.

Gia đình ông Bé Em (áo đen, ngụ xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) được hỗ trợ dê giống để phát triển chăn nuôi, thoát nghèo.

Gia đình ông Bé Em (áo đen, ngụ xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) được hỗ trợ dê giống để phát triển chăn nuôi, thoát nghèo.

Cùng giải quyết vướng mắc

Đến nay, đảng ủy xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phân công 6.038 cán bộ xã TDHT 14.676 tổ NDTQ. Những đảng viên được phân công về tổ NDTQ không chỉ giúp củng cố sinh hoạt tổ mà còn là cầu nối để truyền tải thông tin đến với người dân nhanh nhất. Năm 2016, Chi ủy Chi bộ ấp Bình Lợi (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) phân công đồng chí Lê Văn Thành, đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp Bình Lợi phụ trách TDHT tổ NDTQ số 7. Đồng chí Thành cho biết: “Khi được phân công, tôi thường xuyên gần gũi từng hộ gia đình trong tổ để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con. Hàng tháng đều vận động bà con tham gia họp đầy đủ để cùng góp ý, bàn bạc những vấn đề vướng mắc ở địa phương”. Nhờ bám sát từng hộ gia đình, năm 2017, tại tổ NDTQ số 7 phát sinh việc một hộ gia đình chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường được phản ánh trực tiếp lên đảng viên phụ trách tổ. Sau đó, sự việc được nhanh chóng báo cáo đến cơ quan chức năng để xử lý và có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường kịp thời.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành Đào Văn Hội cho biết: “Đảng ủy xã đã phân công 129 đảng viên của địa phương TDHT 129 tổ NDTQ trên địa bàn xã. Đồng thời, phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các chi bộ ấp. Nhờ có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của nhân dân nên việc xây dựng NTM của địa phương đạt kết quả rất cao. Hiện tại, tất cả các đảng viên được phân công TDHT ấp đã tiếp thu những phản ánh, bức xúc của người dân để kịp thời giải quyết”.

Năm 2016, Đảng ủy xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú) đã phân công 42 cán bộ, công chức xã TDHT 51 tổ NDTQ trên địa bàn. Đồng chí Phạm Thành Long - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Nhơn cho biết: “Cán bộ được phân công TDHT các tổ NDTQ bước đầu đã củng cố và duy trì hoạt động của tổ. Nội dung họp tổ cũng được đổi mới phù hợp với tình hình địa phương nên tỷ lệ nhân dân tham gia họp đạt từ 80 đến 90%, cao hơn rất nhiều so với trước đây”.

Tại một số chi bộ không chỉ phân công đảng viên phụ trách tổ NDTQ mà còn chia nhỏ thành từng nhóm gia đình để nắm sát dân hơn. Tại khu phố Bình Khởi (Phường 6, TP. Bến Tre), Chi ủy chi bộ khu phố đã phân công từng đảng viên phụ trách các liên gia (mỗi tổ NDTQ được chia từ 3 - 4 liên gia). Đồng chí Phạm Văn Khâm - Bí thư Chi bộ khu phố Bình Khởi cho biết: “Khu phố có 20 tổ NDTQ được chia ra 99 liên gia, chi ủy chi bộ đã phân công 67 đảng viên TDHT tất cả các liên gia. Việc chia nhỏ như vậy giúp đảng viên gần dân hơn, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Giúp dân thoát nghèo

Những đảng viên gần dân, không chỉ giải quyết những vướng mắc, bức xúc tại tổ NDTQ mà còn giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Hiện tại, Đảng ủy xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú) phân công 38 đảng viên, cán bộ TDHT 38 hộ gia đình nghèo để định hướng, giúp đỡ họ thoát nghèo bằng cách hỗ trợ bò, dê giống. Đảng viên Bùi Văn Phanh, sinh hoạt tại Chi bộ ấp An Định được phân công TDHT tại tổ NDTQ số 9 cho biết: “Khi được phân công, từng đảng viên cùng với cán bộ xã TDHT tổ NDTQ có kế hoạch giúp từng hộ nghèo vay vốn, hỗ trợ con giống, việc làm... để vươn lên thoát nghèo”. Năm 2016, hộ ông Lê Văn Bé Em được hỗ trợ 1 con dê giống. Sau gần 2 năm, đàn dê đã phát triển lên 5 con, gia đình bán 1 con để trang trải cuộc sống. Ông Bé Em cho biết: “Tôi bệnh khớp không làm được việc nặng, gia đình lại không đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2016, nhờ cán bộ địa phương đề nghị lên cấp trên xem xét nên gia đình được hỗ trợ 1 con dê giống đem về nuôi. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ 35 triệu đồng để gia đình cất căn nhà kiên cố. Kinh tế gia đình đã đỡ hơn trước. Cuối năm 2017, gia đình tôi được thoát nghèo và đang cố gắng vươn lên nhờ vào sự giúp đỡ của địa phương”.

 Hiện tại, Chi bộ Ấp 6 (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) có 24 đảng viên đều được phân công xuống từng tổ NDTQ để nắm sát tình hình, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thành lập quỹ tương trợ để cho mượn vốn xoay vòng, cho mượn con giống để giúp bà con thoát nghèo. Đồng chí Nguyễn Văn Thành (sinh hoạt tại Chi bộ ấp 6) cho biết: “Hiện tại, tôi đang cho 2 hộ nghèo ở địa phương là ông Võ Văn Ngài và Phan Hoàng Anh mượn 2 con dê giống để giúp họ chăn nuôi với mong muốn thoát nghèo. Khi dê đẻ lứa đầu tiên, tôi sẽ lấy lại con giống để tiếp tục cho hộ gia đình nghèo khác trong ấp mượn”. Hiện tại, trong ấp còn 21 hộ nghèo, chi bộ đã phân công 1 đồng chí đảng viên theo dõi, giúp đỡ 1 hộ nghèo tại địa phương. Phấn đấu hàng năm sẽ giảm từ 7 - 10 hộ nghèo với những kế hoạch cụ thể.

Việc phân công cán bộ từ tỉnh, huyện, xã bám sát cơ sở, gần dân giúp mang thông tin, chính sách từ tỉnh xuống cơ sở nhanh hơn. Khi đó, các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện, nhất là các phong trào do Tỉnh ủy phát động như: thi đua Đồng khởi mới; trữ nước mưa, nước ngọt, đề án sinh kế thoát nghèo... Cán bộ được phân công trực tiếp tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề của địa phương và nắm tình hình về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, đảng viên; thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng tại cơ sở. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét về  thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, việc triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN