Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: PH. Hân
Sản xuất và kinh doanh
Một trong những điều kiện để đảm bảo vệ sinh ATTP là phải thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đảm bảo vệ sinh ATTP ở khâu sản xuất, chế biến là quan trọng nhất. Chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại có nhiều năm gắn bó với nghề cá khô ý thức được tầm quan trọng của ATTP đã thuê thêm xưởng tách nơi sản xuất xa với khu dân cư, để đảm bảo môi trường.
Ngoài ra, các mặt hàng như: tôm cá, mực chị lấy trực tiếp từ các ghe tàu đánh bắt ngoài biển có ghi chép nhật ký đánh bắt nên đảm bảo nguồn gốc. Hiện tại, chị liên kết các điểm bán lẻ trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh để làm đầu mối tiêu thụ. Cùng nhận thức, chị Nguyễn Diễm Phúc, chủ cơ sở sản xuất tôm khô ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại đã quan tâm vấn đề ATTP ngay khâu sản xuất. Chị Diễm Phúc cho hay, nguồn gốc nguyên liệu là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất. Trước đó, do mua qua nhiều trung gian chị không biết được nguồn gốc của tôm nguyên liệu, thời gian gần đây, khi được cán bộ ATTP địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, chị đã có sự chủ động hơn về vấn đề này.
Trước đây, mặt hàng tôm khô của gia đình chỉ bán sỉ cho các đầu mối tự phân phối. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch hiện tại, gia đình chị Diễm Phúc đăng ký nhãn hiệu để đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường. Bên cạnh đó, chị Diễm Phúc liên kết trực tiếp các điểm bán lẻ để tiêu thụ, vừa mang lại giá trị cao vừa quảng bá được thương hiệu đặc sản của địa phương. Đặc biệt là chất lượng đảm bảo vệ sinh ATTP.
Huyện Bình Đại là một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất cá khô của tỉnh. Càng cận Tết, không khí ở làng nghề cá khô xã Bình Thắng càng rộn ràng, nhộn nhịp hơn. Với hơn 20 hộ tự chế biến, sản xuất và kinh doanh để cung cấp cho thị trường các mặt hàng cá khô như: cá dứa, cá khoai, cá mặn, đuối, mực các loại... Những sản phẩm khô ở đây đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Để giữ uy tín trên thị trường, hầu hết các hộ tại đây luôn chú ý đảm bảo ATTP trong các công đoạn, từ việc chế biến đến phơi khô nhằm cung cấp cho thị trường những mặt hàng khô chất lượng.
Không chỉ các hộ, cơ sở sản xuất mà người kinh doanh đang dần ý thức hơn tầm quan trọng của thực phẩm an toàn. “Khi thu các hàng nông sản của thương lái, tôi luôn quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, nếu không rõ nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ, bản thân mạnh dạn từ chối”, chị Thúy - một tiểu thương tại chợ đầu mối Phường 8, TP. Bến Tre cho biết.
Tăng cường quản lý
Mặc dù có sự chuyển biến tích cực của người sản xuất và kinh doanh nhưng quan sát thực tế có thể thấy, một số nơi, một số cơ sở, công tác vệ sinh ATTP vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Để đảm bảo chất lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng ATTP. Qua đó, tuyên truyền, nhắc nhở dần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Quyền Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cao Thanh Diễm Thúy cho biết, điều tiên quyết vẫn là đề cao lương tâm, trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP. Với mục tiêu không để các loại thực phẩm kém chất lượng ảnh hưởng tới người dân, hiện tại, các địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định, nội dung của Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Y tế về ATTP. Gần đây nhất, Nghị định số 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã được tuyên truyền tích cực đến với mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Sắp tới, mỗi huyện, thành phố sẽ triển khai xây dựng thí điểm 1 phường, 1 xã đảm bảo ATTP giúp cho người tiêu dùng có những địa chỉ an toàn để lựa chọn thực phẩm.
Theo bà Cao Thanh Diễm Thúy, để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến phường, xã trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời phát huy quyền phát hiện, tố giác những đơn vị, cá nhân không tuân thủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua đó, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất vệ sinh ATTP, xây dựng thương hiệu các sản phẩm, thực phẩm sạch, nâng tầm nhận thức tiêu dùng thông minh, an toàn của người dân trên địa bàn.
Phúc Hậu - Phan Hân