Nâng cao ý thức tự giác ứng phó với triều cường

31/10/2018 - 22:08

BDK.VN - Đợt triều cường rằm tháng 9 mới đây (từ ngày 24 đến 29-10-2018), mực đỉnh triều trên các sông dự báo ở mức rất cao, đỉnh triều cao nhất xuất hiện từ ngày 26 đến 28-10-2018. Nhờ sự chủ động của chính quyền và người dân nên hầu hết các địa phương không thiệt hại trong đợt triều cường vừa qua.

Người dân chủ động đắp bờ tôn đê ứng phó triều cường. Ảnh: Phan Hân

Người dân chủ động đắp bờ tôn đê ứng phó triều cường. Ảnh: Phan Hân

Sống chung với triều cường

Ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành là nơi chịu nhiều tác động của đợt triều cường kéo dài liên tục vào đầu tháng 10-2018. Sau những diện tích sầu riêng của một số hộ dân trong ấp bị thiệt hại, người dân có ý thức tích cực hơn trong việc ứng phó với triều cường.

 Ông Nguyễn Văn Lai, một người dân ấp Tân Bắc cho hay, thay vì lúng túng, lo sợ triều cường thì các hộ dân đã tập hợp đoàn kết đề ra giải pháp phòng, chống triều cường. Theo ông Nguyễn Văn Lai, khi nhận được thông báo của UBND xã về diễn biến của triều cường, người dân chuyền tai nhau, từ đó chủ động ngay từ đầu. Nhiều đoạn đê cục bộ của từng hộ đến đoạn đê lớn trên địa bàn được người dân kiểm tra, theo dõi và khắc phục trước ngày dự báo đỉnh triều. Các thành viên trong Tổ phòng chống cát tặc của ấp Tân Bắc chia nhau rà soát lại các tuyến đê tràn trước đó và những đoạn có nguy cơ tràn, sau đó thông báo người dân khẩn trương đẩy đất đắp bờ.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trần Hoàng Liêm, sau đợt triều cường đầu tháng 10, người dân đã tôn đê tương đối đảm bảo an toàn so với mực đỉnh triều được dự báo. Huyện, xã cũng trang bị phương tiện cơ giới phục vụ việc khắc phục khi có sự cố tràn, vỡ đê. Xã thường xuyên cập nhật thông tin về triều cường để thông báo trên loa phát thanh, kêu gọi người dân chủ động ngay từ đầu nên đa phần người dân chưa có thiệt hại đối với sản xuất trong đợt triều cường mới đây.

Không riêng Tân Phú, hầu hết địa phương dần thích nghi và biết cách sống chung với triều cường. Tại địa bàn ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, trước khi có thông báo đỉnh triều, ông Nguyễn Văn Quận - Trưởng ấp đã tôn đê và thuê xáng cạp “trực chiến” tại đoạn đê có khả năng bị tràn.

 Có thể thấy rằng, trong công tác tác phòng, chống biến đổi khí hậu nói chung và triều cường nói riêng, ý thức của người dân cũng như tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, hơn bao giờ hết, việc chủ động ứng phó được xem là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Theo ông Nguyễn Quang Thương - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, người dân cần chấp nhận triều cường là hiện tượng tự nhiên và thích ứng, sống chung với nó. Để sống “hòa thuận” với triều cường, người dân cần theo dõi thông tin về diễn biến của triều cường để chủ động ứng phó. Có thể bố trí những dụng cụ sinh hoạt gia đình ở vị trí cao, khó thấm nước. Đồng thời, trang bị ghe xuồng để thuận tiện di chuyển mỗi khi triều cường xuất hiện.

Theo một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Phú, để thích ứng với triều cường, người dân phải hợp tác bằng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất. Nhiều người đã nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời điểm triều cường hàng năm.

Chủ động ứng phó

Sau 2 đợt triều cường trong tháng 10-2018, tỉnh là một trong số địa phương trong khu vực ghi nhận ít trường hợp ngập, vỡ các đoạn đường giao thông. Cụ thể, chỉ vài đoạn đường thuộc quốc lộ 60 ngập tràn (đoạn đường gần cầu Cổ Chiên thuộc huyện Mỏ Cày Nam), một số đường tỉnh như 883, đường huyện vẫn bị nước ngập. Một số nơi khác giao thông vẫn đảm bảo những ngày đỉnh triều.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Từ Anh Nguyên - Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ, Sở Giao thông vận tải cho hay, địa bàn tỉnh là vùng đất cù lao, gần hạ lưu nên nước thoát nhanh ra biển theo thủy triều. Cũng theo ông Nguyên, nhiều năm trước, các tuyến đường ở tỉnh được xây dựng lấy cao độ là 1.9 hay 2.1 (mực nước thường xuyên là 1.6) nhưng những năm gần đây do mực nước thường xuyên lên đến 1.8 nên các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh lấy cao độ 2.3. Do đó, các tuyến đường làm sau hoặc được nâng cấp mở rộng thì cao độ mặt đường cũng được nâng cao nên không bị ngập.

Đối tuyến giao thông bị ngập, ông Nguyên lý giải, do đoạn làm trước, đoạn làm sau nên cao độ khác nhau. Mặt khác, khu vực được đê bao tốt nên không bị ngập, những nơi ngược lại nước dễ dàng lan sâu vào ngập đường.

Để triển khai các biện pháp ứng phó với triều cường, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng chủ động thực hiện các nội dung như: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triều cường, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, nhất là trẻ em, học sinh, không được chủ quan trước tình hình ngập, sạt lở, nhất là tại các điểm xung yếu... Tại hội nghị sơ kết công tác 9 tháng của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm đã lưu ý các địa phương cần chủ động hơn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường kiểm tra hệ thống bờ bao và các công trình dân sinh để hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, tràn đê, ngập ở vùng trũng.  

Theo bản tin dự báo thủy văn 7 ngày (từ ngày 29-10 đến 4-11), trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh, mực nước đỉnh triều sẽ bắt đầu lên dần từ ngày 1-11, đợt triều cường tiếp theo có khả năng xuất hiện từ ngày 6 đến 10-11-2018, cũng được dự báo sẽ là một trong các đợt triều cường rất cao. Từ thời điểm này đến tháng 1-2019, dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng từ 4 - 5 đợt triều cường cao.

Ph. Hân - T.Thảo - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN