|
Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) cần phải không ngừng nâng cao chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất như 5S, Kaizen, TPM, MFCA… là những giải pháp giúp DN cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.
Năm 2008, Công ty TNHH Thương
mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu BTCO bắt đầu xây dựng và áp dụng 5S và TPM theo
chương trình hỗ trợ DN của Sở Khoa học và Công nghệ. 5S (Seiri - Sàng
lọc, Seiton - Sắp xếp, Seiso - Sạch sẽ, Sheiketsu - Săn sóc, Shitsuke - Sẵn
sàng) là công cụ cải tiến năng suất và chất lượng nhằm tạo nên và duy trì một
môi trường làm việc thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả tại mọi vị trí
làm việc.
Việc áp dụng hai công cụ này
giúp Công ty tiết giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào do giảm được
các sản phẩm không phù hợp, giảm lượng nước, điện tiêu thụ trong quá
trình sản suất; duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm, tạo
uy tín cho DN, mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, giúp DN tiết
giảm được chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường, giá bán cạnh
tranh, mang lại hiệu quả cao. Tuy bước đầu tiếp cận với 5S, TPM, Công ty gặp
không ít những khó khăn do đa số nhân viên còn chịu ảnh hưởng của lề
lối làm việc cũ, dựa vào kinh nghiệm của bản thân từng người là
chính, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, giữa các
thành viên với nhau. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu tương đối cao. Vì vậy,
việc thay đổi lề lối làm việc, cách nghĩ, cách làm là điều không
dễ thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh rất
ít DN xây dựng và áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Trong khi đó, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, năng suất chất lượng trở
thành một công cụ cạnh tranh hiệu quả, đòi hỏi các DN phải đặt chất lượng sản
phẩm, hàng hóa lên hàng đầu. Đồng thời, việc tiếp cận các công cụ nâng cao năng
suất chất lượng là nền tảng để DN xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên
tiến trên thế giới (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của
các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
Nhìn chung, việc áp dụng công
cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các DN chưa được rộng rãi. Về nguyên nhân,
thứ nhất: do thiếu sự quan tâm của lãnh đạo. Trong một DN, lãnh đạo là người
rất quan trọng trong việc định hướng chiến lược cũng như kế hoạch hoạt động của
DN. Lãnh đạo nhận thức rõ vai trò của các công cụ đối với DN mình, quan tâm,
chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng và duy trì. Thường xuyên đào tạo,
tập huấn cho nhân viên nhằm nâng cao nhận thức, giúp họ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm
và quyền hạn, mọi thành viên đều phải áp dụng hiệu quả công cụ này. Từ đó, kiểm
soát tốt quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng
nhu cầu và sự thỏa mãn của khách hàng. Thứ hai, việc tuyên truyền về các công
cụ năng suất chất lượng chưa hiệu quả. Khái niệm về các công cụ cải tiến năng
suất chất lượng xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm, nhưng hầu hết DN trong tỉnh
xem đây là một khái niệm mới do việc tuyên truyền, phổ biến tới các DN chưa
hiệu quả. Thứ ba, thiếu sự hỗ trợ từ các chuyên gia năng suất chất lượng. Hiện
nay, số lượng chuyên gia về năng suất chất lượng tại tỉnh chưa có nên việc đưa
ra các chương trình đào tạo và tư vấn phù hợp, kịp thời cho DN chưa thể thực
hiện được.
Thời gian tới, Sở Khoa học và
Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp
vừa và nhỏ (SMEDEC 2) tổ chức các lớp đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng,
lựa chọn DN để làm mô hình điểm xây dựng và áp dụng các công cụ nâng cao năng
suất chất lượng.