Nga, Iran hối thúc các nước châu Âu hoàn tất nghĩa vụ theo JCPOA

08/05/2019 - 21:58

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Java Zarif (trái) tại cuộc họp báo chung ở Moskva. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Java Zarif (trái) tại cuộc họp báo chung ở Moskva. Ảnh: Reuters

Ngày 8-5-2019, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông đã có cuộc thảo luận quan trọng với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif về một loạt vấn đề quốc tế, đồng thời khẳng định hai bên có chung cách tiếp cận đối với những vấn đề này.

Phát biểu sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi đã có cuộc thảo luận quan trọng với Ngoại trưởng Iran. Chúng tôi đã xem xét tình trạng của mối quan hệ song phương. Hiện hai bên vẫn duy trì tiếp xúc định kỳ ở cấp chính trị, trong đó có cấp cao nhất. Vào thời điểm này, công tác chuẩn bị cho hội nghị ba bên Nga-Iran-Azerbaijan nằm trong chương trình nghị sự, có khả năng diễn ra ở Nga". 

Ông Lavrov nhấn mạnh Nga hy vọng các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ văn kiện này. Theo ông Lavrov, tình hình hiện nay xung quanh thỏa thuận hạt nhân khiến Tehran khó lòng thực thi nghĩa vụ của mình. Ông Lavrov còn cho biết Moskva và Tehran sẽ tìm kiếm cách thức hợp tác để tránh những hạn chế bất hợp pháp và không thể chấp nhận mà Mỹ đặt ra.

Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif tin rằng Nga và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt với Iran sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), trong khi các bên còn lại không tuân thủ nghĩa vụ của họ. Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Nga, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran còn nhấn mạnh Tehran có thể đảm bảo sự tồn tại lâu dài của JCPOA nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hoàn tất nghĩa vụ của mình. Ông Zarif đồng thời tuyên bố Iran vẫn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, bất chấp việc nước này trước đó quyết định không thực hiện một số cam kết của JCPOA.

Cùng ngày, Đức bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Iran ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ JCPOA, đồng thời kêu gọi Tehran không tiến hành bất kỳ bước đi gây hấn nào. 

Phát biểu họp báo chính phủ định kỳ, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Đức muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, khẳng định Berlin sẽ tuân thủ hoàn toàn các cam kết của mình chừng nào Iran có động thái tương tự. Ông Seibert còn cảnh báo công tác thiết lập cơ chế mục đích đặc biệt (SPV) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh với Iran sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh Mark Field  đánh giá việc Tehran ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là "bước đi không được hoan nghênh" và sẽ dẫn tới các biện pháp trừng phạt mới của các nước phương Tây. Ông Field kêu gọi Iran không tiến hành thêm những bước đi làm leo thang căng thẳng, đồng thời tuân thủ những cam kết của mình. Tuy nhiên, ông tuyên bố công tác ngoại giao nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân vẫn đang được tiếp tục, và bày tỏ hy vọng sẽ sớm có chuyến thăm tới Iran.

Trước đó, cùng ngày 8-5-2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ông cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước CH Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

TTXVN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa NgaIranJCPOA

BÌNH LUẬN