Ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu

23/05/2012 - 08:41

Theo một công bố mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính gây cháy xe trong thời gian qua là xăng pha methanol theo tỉ lệ không đúng qui định hoặc các tạp chất khác.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý các đối tượng đầu nậu chuyên cung cấp cột bơm xăng và bán xăng không rõ nguồn gốc. Về phía người dân, cần lưu ý thường xuyên đến kim xăng xe để đến đổ xăng tại các đại lý, cửa hàng được Nhà nước cho phép kinh doanh, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

(Ông La Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh).

 

Đó là chưa kể các nguy cơ khác có thể xảy ra cho những người tích trữ xăng và kinh doanh xăng trái phép, như hỏa hoạn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của con người.  Tại Bến Tre, thời gian qua, đã xuất hiện một số trường hợp các cửa hàng, đại lý được phép kinh doanh có hành vi gian lận về đo lường, chất lượng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã lập biên bản vi phạm 68/88 vụ kiểm tra, trong đó có 4 vụ vi phạm về chất lượng.

Đặc biệt, các trường hợp kinh doanh xăng dầu bằng các cột bơm mini, chai, lọ, can cũng đã xuất hiện ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh, nhất là trên các tuyến lộ mới, lộ xã. Hoạt động kinh doanh này là lén lút. Nếu bị phát hiện, Chi cục QLTT sẽ xử phạt 1 triệu đồng và tịch thu phương tiện bán. Qua kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT trong toàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng đã thu giữ 57 cột bơm xăng mini. Trong đó, nhiều nhất là tại các địa bàn: thành phố Bến Tre 11 cột, huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú 17 cột, Châu Thành và Bình Đại 16 cột. Hiện đã có quyết định xử phạt 31 trường hợp.

Theo chân Đội QLTT số 3 về việc kiểm tra và xử lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép trên địa bàn huyện Châu Thành, chúng tôi thấy hiện tượng kinh doanh xăng dầu bằng cột bơm mini hoặc đong bằng chai, can đã giảm đáng kể. Song, vẫn còn một số hộ dân ngang nhiên hoạt động trong tầm kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường.

Dọc theo tuyến đường huyện 175 về trung tâm các xã An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, xe chúng tôi dừng lại khi phát hiện trường hợp kinh doanh xăng 92 bằng cột bơm mini của chị Trần Thị H, ấp 2, xã Phú Túc. Qua lời khai của nhiều người quanh khu vực, chị H đã đi vắng và gửi họ bán dùm. Trung bình mỗi ngày, họ bán được khoảng từ 5-6 lít, với giá 24.000 đồng/lít. Điều tra về động cơ kinh doanh và nguồn gốc của xăng đang được bơm để bán cho hành khách, kết quả mà chúng tôi ghi nhận được là… mối lo. Thực tế, những cột bơm xăng mini này là do một vài cá nhân không rõ nguồn gốc, lai lịch tự tìm đến và cho các hộ dân ven đường như chị H mượn. Được biết, giá mỗi cột bơm trên thị trường từ khoảng 700.000 đến 1.000.0000 đồng. Đồng thời, những hộ dân này phải lấy xăng của các cá nhân này để bán lại cho khách hàng kiếm lời. Mỗi lần đến giao thêm xăng, người này cùng chở xăng bằng xe gắn máy để giao cho các trạm bơm mini khác trên cùng tuyến đường. Người bán cho biết, không cần phải đầu tư gì nhưng có thể kiếm lời thêm để tăng thu nhập. Mặt khác, đây là đoạn đường cách xa cửa hàng xăng dầu nên thuận lợi để bán lẻ cho nhiều người dân trong khu vực và các hành khách lỡ đường hết xăng.

Rẽ vào một con lộ nhỏ, Đội kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ một cột bơm xăng mini của chị Nguyễn Thị H, ấp Song Phú, xã Phú Đức. Chị nói, biết là trước đó đã có nhiều cột bơm như thế trên đường 175 bị lực lượng QLTT thu giữ. Nhưng chị không ngờ là sẽ có lực lượng QLTT vào tận con lộ nhỏ trong vườn để kiểm tra. Cũng tương tự như trường hợp trước, chị Nguyễn Thị H cho biết, trạm bơm này là của một thanh niên tên Trung không biết ở đâu đến cho mượn và là người cung cấp xăng để chị bán lẻ.

Theo ông Phạm Vũ Hòa - Đội trưởng Đội QLTT số 3, hiện nay, trên địa bàn có một toán thanh niên chuyên thực hiện hoạt động này. Họ không phải là người dân địa phương, đến đây ở trọ và hàng ngày đi giao xăng. Như vậy, ai có thể đảm bảo đây là xăng nguyên chất? Trong khi giá xăng mà các đối tượng này bán chỉ cao hơn vài trăm đồng hoặc bằng, có khi là thấp hơn giá bán tại các đại lý, cửa hàng xăng dầu. Rõ ràng, đằng sau hoạt động này là thủ đoạn gian lận trong kinh doanh để trục lợi?!

Theo kết quả kiểm tra, xăng được kinh doanh trong những trường hợp trên là không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, giá bán cao hơn tại các công ty xăng dầu. Về mặt số lượng, hầu hết các cột bơm này đều có chênh lệch thiếu từ 15-20%, tức là khách hàng mua 10 lít sẽ bị đong thiếu từ 1,5 đến 2 lít.

Ông La Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh nhấn mạnh: Những trường hợp kinh doanh xăng dầu như trên là trái phép và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nên cần phải được xử lý một cách triệt để. Để thực hiện được điều này, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ từ cấp cơ sở đến các ban ngành, đoàn thể tỉnh. Chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp kinh doanh xăng dầu trái phép để báo cáo với ngành chức năng. Đồng thời, địa phương có thể vận động, ngăn chặn hành vi trên nhằm góp phần đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân địa phương.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN