Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 xã, phường, thị trấn thuộc TP. Bến Tre, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc đã xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa đưa vào khai thác trên địa bàn quản lý.
Trong đó, phương án quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa đưa vào khai thác. UBND các huyện cũng chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn ven sông có nguồn tài nguyên khoáng sản chưa đưa vào khai thác phải xây dựng các phương án và kế hoạch bảo vệ.
Đối với mỏ cát được cấp phép khai thác còn hiệu lực ở huyện Châu Thành, Chợ Lách và Giồng Trôm, UBND huyện đã thông báo đến người dân và lãnh đạo địa phương về nội dung giấy phép để tiến hành giám sát các hoạt động khai thác. Một số mô hình: đội bảo vệ khoáng sản trên sông Cổ Chiên, tổ kiểm tra phòng chống hoạt động khai thác khoáng sản liên ấp được thành lập ở Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc đều có sự tham gia của người dân để kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động khai thác cát, tăng cường việc phối hợp cung cấp thông tin của người dân.
Khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép (Tân Phú, Tiên Long, Phú Đức, huyện Châu Thành), chính quyền chủ động thành lập các tổ kiểm tra, xử lý quyết liệt các đối tượng; người dân cũng thành lập tổ phòng chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép với sự tham gia đông đảo của người dân sống trong khu vực.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Đáo, bên cạnh các biện pháp của ngành chức năng, sự tham gia của người dân là quan trọng, giúp lực lượng kịp thời nắm thông tin, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thiên Di