Ngăn chặn không để dịch lây lan

08/07/2019 - 06:50

BDK - Tỉnh đã công bố và tiêu hủy trên 50 con heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Bước đầu dịch bệnh được khống chế nhưng mầm bệnh có thể dễ phát tán và lây lan, khả năng đe dọa sinh kế và đời sống của nhiều hộ chăn nuôi heo. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống DTHCP tỉnh xung quanh công tác phòng, chống và giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: P.  Hân

Phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: P.  Hân

* Thưa Phó chủ tịch UBND tỉnh, việc triển khai giải pháp ngăn chặn bệnh DTHCP trên địa bàn được thực hiện ra sao?

- Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập: Sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống DTHCP, tỉnh đã ban hành nhiều công văn triển khai kế hoạch ứng phó, các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch. Đặc biệt, từ đầu tháng 3-2019, tỉnh đã lập trên 34 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn trên trục lộ đầu vào các tuyến giao thông của 9 huyện, thành phố.

Từ khi thành lập đến nay, các chốt chặn hoạt động thường xuyên nhằm tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra vào địa bàn tỉnh. Các chốt chặn như: cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên, phà Đình Khao và 2 chốt trên địa bàn huyện cửa ngõ Châu Thành đã tăng cường quản lý và kiểm soát chặt. Tất cả lượng heo nhập về tỉnh để nuôi, giết mổ, quá cảnh trên địa bàn thì lực lượng đều thực hiện kiểm soát và tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, tỉnh quản lý rất chặt khi heo được giết mổ trên các địa bàn.

* Tỉnh đã kiểm soát dịch bệnh như thế nào?

- Khi dịch bệnh xảy tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (ngày 1-7-2019), tỉnh chỉ đạo quyết liệt, cơ quan chức năng đã nhanh chóng thực hiện các bước trong kịch bản phòng, chống DTHCP. Tỉnh chỉ đạo tiếp tục lập và tăng cường thêm 6 chốt chặn quanh khu vực xã Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); lực lượng tập trung kiểm soát phương tiện ra, vào và đảm bảo phun xịt, tiêu độc, khử trùng cũng như tăng cường quản lý chặt chẽ tại các bến đò giữa Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.

Hiện nay, ổ dịch tạm thời được kiểm soát, ngành chuyên môn đang xác định nguyên nhân. Qua tình hình dập dịch ở xã Thạnh Phú Đông, nhận thấy công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh của địa phương chưa kịp thời. Chính quyền cơ sở còn bị động trong việc xử lý ổ dịch.

* Giải pháp hạn chế mầm bệnh lây lan sang các địa phương trong tỉnh?

- Kinh nghiệm các nơi khác đã xảy ra DTHCP, tốc độ lan rộng dịch bệnh rất nhanh. Vì vậy, giai đoạn hiện nay các huyện phải nhanh chóng, khẩn trương, xác định nhiệm vụ để ngăn chặn, không để dịch từ xã Thạnh Phú Đông lây ra. Trước mắt, các địa phương khác trong tỉnh phải triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch; kiểm soát trong, ngoài thật nghiêm ngặt. Riêng xã Thạnh Phú Đông phải cảnh giác tình trạng tái phát dịch.

Tăng tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: Phan Hân

Tăng tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: Phan Hân

Các địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh DTHCP, kế hoạch phải phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương để hạn chế thiệt hại do dịch gây ra. Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển heo vào địa bàn trên cả đường bộ và đường thủy; thành lập các tổ kiểm tra lưu động và các chốt kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp hộ chăn nuôi tăng tần suất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ heo đảm bảo giết mổ heo có kết quả âm tính với DTHCP. Khi có heo bệnh phải tiêu hủy phải đảm bảo khu chôn, đốt được xử lý sát trùng toàn diện, đầy đủ các loại thuốc sát trùng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống DTHCP các xã nghiên cứu thành lập các đội tiêu hủy heo phải mang tính chuyên nghiệp hơn, triển khai nhanh và chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh, tiêu độc trong quá trình thao tác để tránh phát tán mầm bệnh. Đặc biệt, phân công cụ thể công việc cho từng cá nhân thực hiện khi xảy ra ổ dịch. Đồng thời thông báo rộng rãi, công khai, minh bạch, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy để góp phần thực hiện phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

* Chính sách hỗ trợ cho người dân có heo bị tiêu hủy thì sao thưa ông?

- Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính cũng như UBND các huyện, xã khi có xảy ra dịch thì nhanh chóng hỗ trợ hộ dân. Mức giá hỗ trợ được thực hiện đúng theo Quyết định số 793 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP.

Cụ thể, các cơ sở chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh DTHCP sẽ được hỗ trợ với mức: 25.000 đồng/kg heo hơi đối với heo con và heo thịt các loại; heo nái, heo đực giống đang khai thác có mức 30.000 đồng/kg heo hơi. Riêng doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức hỗ trợ 8.000 đồng/kg heo hơi đối với heo con, heo thịt các loại; 10.000 đồng/kg heo hơi đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

* Những điều cần khuyến cáo đối với hộ chăn nuôi và người dân?

- Vi-rút của bệnh DTHCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt heo như: xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1 ngàn ngày ở dạng thịt đông lạnh. Vi-rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56oC trong vòng 70 phút, 70oC trong 20 phút, 100oC trong 1 phút. Đặc biệt, có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch của ngành chức năng và chuyên môn, người dân phải phối hợp thực hiện theo quy trình ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, đảm bảo quy tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt xác heo chết ra môi trường.

Người tiêu dùng cũng nên sáng suốt, tránh bị tác động bởi những thông tin sai lệch về DTHCP, vì DTHCP không lây sang người. Do đó, không nên quay lưng với thịt heo sạch, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

* Xin cảm ơn Phó chủ tịch UBND tỉnh!

Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền xử phạt nghiêm các trường hợp vứt xác heo chết xuống sông, rạch. Các hộ dân khi phát hiện heo bệnh, chết nhanh chóng khai báo để phối hợp với chính quyền kiểm soát đàn heo trên hộ của mình. Tránh tình trạng giấu tự ý giết mổ và tiêu thụ. Trong quá trình chăn nuôi, người dân quan tâm vệ sinh chuồng trại, quản lý thức ăn cho đàn heo bằng cách không sử dụng thức ăn thừa của doanh nghiệp và hộ dân khác để cho heo ăn; thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo, ủng trước khi vào chuồng nuôi.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập)

Phan Hân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN