Ngân sách không phải miếng bánh để "chia"

23/10/2007 - 22:04
Các đại biểu Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: VA

"Chính phủ cần xác định những lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với năng lực và sự phát triển của nền kinh tế để đầu tư, tránh lãng phí, dàn trải. Phải xem lại phương pháp phân bổ ngân sách, chứ như hiện nay vẫn là công thức: Ngân sách năm nay bằng năm trước nhân với một tỷ lệ. Như thế là chia ngân sách chứ không phải là phân bổ". Ý kiến của Đại biểu QH tại phiên thảo luận tổ ngày 23/10.

Nên xử lý người đứng đầu nếu bố trí chi ngân sách không đúng mục đích

Thảo luận sôi nổi cả ngày về báo cáo của Chính phủ về tình hình KT - XH năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 cũng như kế hoạch chi tiêu ngân sách, các đại biểu tổ Hà Nội nêu nhiều đề nghị với Chính phủ. 

"Kinh tế đúng là tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả, chất lượng chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm" là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường. 

Là doanh nhân, bà Hường trăn trở nhiều nhất đến hiệu quả, chất lượng của nền công nghiệp phụ trợ còn manh mún, xuất khẩu " dựa chủ yếu vào sản phẩm thô, giá trị thấp", cơ chế bảo hộ trong nước chưa có, giải ngân vốn XDCB chậm, gây lãng phí rất lớn và làm tăng số chi chuyển nguồn cho năm sau. 

Bà Hường cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao, cần phải có biện pháp để kiềm chế. "Chính phủ cần nêu rõ chỉ số giá tiêu dùng là một tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển kinh tế", bà Hường nói.

Bà cũng đặt câu hỏi: "Chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2008, có 25,7 giường bệnh/vạn dân so với 25,3 giường hiện nay có quá thấp không?". Bà cũng cho rằng, chỉ tiêu về giáo dục đào tạo rất mất cân đối.

Theo bà Nguyệt Hường, cần xem lại việc chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ. " Vừa rồi Bộ KHCN trả lại hơn 100 tỷ đồng, như vậy có thể thấy nhiều khi chi ngân sách không đúng mục đích, nên có thái độ cương quyết nếu năm trước đã chi sai thì nên cắt giảm năm sau và xử lý người đứng đầu trong việc bố trí chi".

Cũng là doanh nhân, đại biểu Phạm Thị Loan đề nghị chính phủ đưa ra những chính sách để xác định ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, "chứ không phải thấy nước ngoài làm gì, ta cũng làm cái đó. Xác định được rồi, sẽ cần tập trung ngân sách đầu tư cho những ngành ấy". 

Bà Loan cũng cho rằng, Chính phủ cần xem lại việc chi 20% ngân sách cho y tế và giáo dục " hiệu quả đến đâu". Theo bà, cần tăng cường xã hội hóa, có cơ chế duy trì trường công, đồng thời mở cửa cho đầu tư tư nhân và nước ngoài vào 2 lĩnh vực này.

"Theo tôi, phải xem lại phương pháp phân bổ ngân sách, chứ như hiện nay vẫn là công thức: ngân sách năm nay bằng năm trước nhân với một tỷ lệ. Như thế là chia ngân sách chứ không phải là phân bổ. Xác định được ngành mũi nhọn thì tăng ngân sách cho nó. Đặc biệt cần tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn".

a

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN