Năm 2013 là năm đầu tiên trong nhiều năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp được ghi nhận vượt chỉ tiêu kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ước thực hiện trong năm đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 20,06% so với năm trước (tương đương tăng 1.094 tỷ đồng) và vượt 4,97% kế hoạch năm.
Trong đó, doanh nghiệp trong nước là 3.830 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.720 tỷ đồng. Kết quả đạt được cao hơn nghị quyết đề ra và tăng nhanh hơn 2,6 lần tốc độ tăng trưởng GDP, cho thấy ngành công nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tỷ trọng giá trị tăng thêm công nghiệp trong GDP tăng từ 12,71% (năm 2010) lên gần 16% năm 2013 và chiếm 79,09% giá trị tăng thêm khu vực II.
So với năm trước, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu giữ được thị trường tiêu thụ, có thêm doanh nghiệp mới vào hoạt động nên giá trị sản lượng tăng khá như: sữa dừa tăng trên 58%; than hoạt tính tăng trên 46%; thủy sản đông lạnh tăng gần 50%; bột cá tăng trên 46%; bộ dây điện xe ô tô tăng trên 23%; may mặc tăng trên 24%; thức ăn gia súc tăng trên 59%...
Đó là kết quả của việc phát triển cơ sở sản xuất CN-TTCN trong năm được giữ vững và có bước phát triển. Trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2013 có 38 doanh nghiệp, 224 cơ sở sản xuất CN-TTCN đăng ký phát triển mới, với tổng vốn đầu tư trên 1.931 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.735 lao động. Nâng tổng số đơn vị sản xuất CN trên địa bàn tỉnh là 323 doanh nghiệp và 11.562 cơ sở, giải quyết việc làm cho khoảng 71.250 lao động. Ngoài ra, trong năm đã phát triển mới 2 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp là HTX mây tre lá Ân Đạt, HTX rượu Phú Lễ. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về sản lượng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Công nghiệp có bước phát triển tốt, đúng hướng đã đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm vượt qua ngưỡng 500 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng CN-TTCN đạt 407 triệu USD, chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế mà ngành CN tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận. Đó là năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Năng lực quản trị, tiếp cận thị trường còn rất hạn chế. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh còn chậm do thiếu vốn. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến công nghiệp không ổn định và có sự cạnh tranh gay gắt với thương nhân nước ngoài... Để tiếp tục giữ vững và phát triển CN của tỉnh, ngành công thương đã đề ra một số giải pháp cơ bản cho năm 2014 là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án mới để nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh.