Ngành dừa, nhiều công đoạn chế biến thủ công được thay thế

06/05/2011 - 07:50
Máy gọt dừa trái uống nước, một sáng kiến của Bùi Mai Phương Linh. Ảnh: C.Tr

Từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật có giá trị thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục… Trong đó, thiết kế chế tạo máy lột vỏ trái dừa khô, máy tướt chỉ xơ dừa suôn, sản xuất than viên trên máy công nghiệp… là những giải pháp công nghiệp nổi bật của tỉnh, đã được nhiều nơi trong nước đến tham quan và áp dụng.

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa cao nhất nước, với trên 52.000ha, sản lượng thu hoạch khoảng 400 triệu trái/năm. Hơn 10 năm trở lại đây, Bến Tre không chỉ xuất khẩu dừa trái mà ngày càng đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa. Năm qua, ngành công nghiệp chế biến dừa chiếm tỷ trọng cao thứ nhì trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Do vậy, việc cơ giới hóa ở một số công đoạn để thay cho thao tác thủ công là hết sức cần thiết trong sản xuất các sản phẩm từ dừa.

Lột vỏ dừa bằng máy

Theo nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy lột vỏ trái dừa khô” do ông Nguyễn Thanh Phương (Sở Công thương) làm chủ nhiệm, hiện nay, để đáp ứng nguồn nguyên liệu dừa cho trên 1.400 cơ sở chế biến dừa, toàn tỉnh phải có hàng triệu trái dừa khô cần được lột vỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, với hình thức lột vỏ thủ công, bằng sức người là chính thì mỗi ngày tỉnh cần đến hơn 1.000 lao động lột vỏ dừa có tay nghề dẫn đến tình trạng không chỉ thiếu nhân công, mà còn gây rủi ro cao cho người lao động.   Chiếc máy lột dừa do nhóm thực hiện sẽ góp phần đảm bảo tính an toàn trong lao động, công suất lột vỏ đạt 360 trái/giờ, chi phí lột vỏ chỉ khoảng 31 đồng/trái (cách làm thủ công: 75 đồng/trái).

Cũng với ý tưởng cần khắc phục những hạn chế ở cách làm thủ công, đồng thời tăng năng suất và giảm công lao động, giải pháp “Máy lột dừa” còn được nghiên cứu bởi các kỹ sư trẻ có tâm huyết như: Lê Hoàng Việt, Nguyễn Minh Ngọc (huyện Ba Tri). Giải pháp này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền.      

Bùi Mai Phương Linh với nhiều ý tưởng sáng tạo

Kỹ sư cơ khí Bùi Mai Phương Linh (thành phố Bến Tre) luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo. Thành công gần đây nhất của anh là các giải pháp sản xuất chỉ xơ dừa suôn trên máy công nghiệp, sản xuất than viên trên máy công nghiệp.

Đối với hoạt động tướt chỉ xơ dừa theo phương pháp sản xuất truyền thống, một người làm giỏi chỉ tướt được 5 đến 7kg chỉ thành phẩm/ngày. Quá trình thao tác có thể gây nguy hiểm cho người lao động nếu không cẩn thận và không thể thực hiện được với các vỏ dừa ngắn, nhỏ. Từ năm 2008, phương pháp sản xuất chỉ xơ dừa suôn trên máy công nghiệp của kỹ sư Phương Linh được áp dụng có thể tạo ra 150kg chỉ thành phẩm/ngày, trong khi điện năng tiêu tốn ở mức thấp (5 kWh/100kg) và thực hiện được trên các vỏ dừa có kích thước khác nhau. Theo phương pháp này, vỏ được xử lý bằng cách cán thô và kết hợp quá trình vận chuyển vỏ bằng thủy lực (thay thế cho việc xử lý truyền thống là cho vỏ qua máy đập), giúp tỷ lệ thu hồi chỉ thành phẩm cao. Các hộ sản xuất áp dụng phương pháp này vừa có thể tăng lợi nhuận, vừa đảm bảo an toàn trong lao động.

Bến Tre còn một sản phẩm xuất khẩu có giá trị khác, được chế biến từ dừa là than viên. Than viên được sản xuất từ bột than gáo dừa. Nhờ chất kết dính và lực ép, than viên được tạo ra theo kích thước nhất định. Theo cách cũ, nguyên liệu được ép bán thủ công trên máy ép thủy lực điều khiển tay. Việc nạp liệu, chuyển khuôn, điều khiển… đều bằng thủ công, nên năng suất thấp (500-700kg/8 giờ), tốn nhiều công lao động. Mặt khác, do cách ép cùng lúc nhiều viên nên độ chính xác, thẩm mỹ, độ đồng nhất sản phẩm chưa cao. Theo cách làm mới, nguyên liệu sẽ được nạp cho máy ép thông qua vít tải. Máy sẽ tự động nhập liệu vào khuôn, ép viên, đẩy thành phẩm ra ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là máy ép liên tục (khác với phương pháp truyền thống là luôn bị gián đoạn), giúp tăng năng suất (với năng suất trung bình là 1.200kg/8 giờ) trong khi điện năng tiêu thụ chỉ bằng một nửa so với cách cũ và giảm gấp 2 lần công lao động (chỉ cần 2 người vận hành/máy), giảm chi phí sản xuất, không phụ thuộc vào thời tiết...

Các giải pháp, sáng tạo trên đã góp phần đáng kể vào việc đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa phục vụ xuất khẩu.

Các giải pháp sáng tạo của những kỹ sư đầy tâm huyết: Nguyễn Thanh Phương, Bùi Mai Phương Linh, Lê Hoàng Việt… chỉ là kết quả ban đầu. Hy vọng rằng sẽ còn nhiều hơn nữa những sáng kiến, giải pháp tích cực hơn để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre.

Năm 2010, tỉnh đã xuất khẩu 18.000 tấn than gáo dừa (trong đó có than viên), 62.000 tấn chỉ xơ dừa, 8.000 tấn lưới chỉ xơ dừa. Theo báo cáo của Sở Công thương, quý I, năm 2011, giá trị xuất khẩu những mặt hàng này tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN