Ngành giáo dục sẵn sàng nguồn nhân lực cho thời đại số

19/07/2021 - 06:25

BDK - Trong Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong thực hiện CĐS. Tại tỉnh, trong Đề án CĐS xác định GD&ĐT là một trong các ngành ưu tiên CĐS.

Giao diện Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo. Ảnh: T. Đồng

Giao diện Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo. Ảnh: T. Đồng

Nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục

Triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, chương trình CĐS trong lĩnh vực giáo dục (GD) của tỉnh xác định các mục tiêu và nhiệm vụ chính.

Trước tiên, thống nhất nhận thức về CĐS trong đội ngũ giáo viên, học sinh và nâng cao nhận thức về CĐS GD tới người dân. Xây dựng hạ tầng CNTT cho ngành GD tỉnh theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học được kết nối đường truyền băng thông rộng; 100% học sinh, sinh viên các cấp tại tỉnh được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số); 100% cơ sở GD triển khai công tác dạy và học từ xa. Trong đó, thử nghiệm chương trình ĐT cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện), kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng GD mới. Đến năm 2025, 100% trường học, cơ sở GD có trang thông tin điện tử, cung cấp những thông tin về cơ sở vật chất, chương trình học, đội ngũ giáo viên, giảng viên. Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý GD qua các khóa huấn luyện, tập huấn thường xuyên và học tập từ các thí điểm thành công.

Triển khai hệ thống thông tin quản lý GD tỉnh, gồm: cơ sở dữ liệu ngành GD kết nối, liên thông với hệ thống thông tin của các trường trong tỉnh và triển khai hệ thống họp, hội thảo, tập huấn qua mạng. Đến năm 2025, 100% trường học, cơ sở GD ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị nhà trường từ quản lý học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ đến quá trình học tập, thời khóa biểu. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, phối hợp, triển khai đồng bộ với Bộ GD&ĐT.

Những vấn đề cần lưu ý

Khi nói đến CĐS trong lĩnh vực GD&ĐT, các chuyên gia cho rằng, có 2 vấn đề cần khẳng định: GD phải nhắm đến đào tạo cho những con người sẽ sống và làm việc trên môi trường số; GD cần tận dụng các cơ hội số để đạt được mục tiêu của mình.

Thực tế cho thấy, kiến thức và kỹ năng, cũng như công việc của con người sẽ thay đổi rất nhiều trong thời đại số. Từ đó, giao tiếp, văn hóa và cách sống của con người cũng thay đổi theo. Như vậy, GD cần chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực để người học tự làm chủ được bản thân trong môi trường số. Đây là mấu chốt của  CĐS GD. Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ hiện nay là công cụ hữu hiệu để thực hiện việc dạy và học, với những hình thức và công cụ mới trên môi trường số. Có thể thấy, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ số đã giúp cho việc học trực tuyến trở nên phổ biến hơn, ngày càng quen thuộc với mọi người.

Theo tài liệu hỏi đáp về CĐS, tài liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hai hướng chính của CĐS ngành GD&ĐT là nội dung và cách thực hiện của GD&ĐT trong kỷ nguyên số sẽ như thế nào.

Về nội dung GD&ĐT, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát xem những nội dung nào, những kỹ năng nào cần thiết và không cần thiết cho người học để thay đổi và cập nhật cho phù hợp. Mục tiêu của nội dung GD&ĐT theo “4 trụ cột GD” của UNESCO là “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống và thừa nhận mọi thứ đang thay đổi rất nhiều quanh ta”.

Về cách thực hiện nội dung GD&ĐT trong môi trường số, cần nắm rõ rằng, CĐS GD không phải chỉ là việc học online. Công nghệ số là công cụ hiệu quả để thay đổi cách dạy và học, với các hình thức như dạy từ xa, tài liệu số, đánh giá dạy và học, cá nhân hóa học tập… Nhưng căn bản trong CĐS GD là cần xây dựng một hệ thống quốc gia về học liệu số với chất lượng cao cho môn học, mọi ngành học. Hệ thống học liệu này cần được xem như có vai trò của một cơ sở dữ liệu quốc gia thiết yếu.

Yếu tố cốt lõi

Con người, thể chế và công nghệ là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu trong thực hiện CĐS GD&ĐT. Con người trong GD&ĐT về cơ bản, gồm 3 nhóm: thầy cô giáo, những người quản lý và phục vụ, học sinh và sinh viên. Yếu tố con người cũng chủ yếu liên quan đến nhận thức và năng lực. Nhận thức ở đây trước hết là nhận thức của người lãnh đạo và quản lý GD và nhận thức của giáo viên.

Tại tọa đàm về việc học trong thời đại công nghệ số tổ chức nhân chuỗi sự kiện “Đường sách xứ Dừa năm 2021”, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Công ty Anbooks và Wemaster chia sẻ: Tư duy tự học phải là điều xuất phát từ ý thức của chính mỗi người. Mấu chốt của thực hiện CĐS bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy và thói quen để đề ra lộ trình, với quyết tâm và mục tiêu rõ ràng và ứng dụng CNTT chỉ là bước đầu của CĐS. Năng lực ở đây là năng lực nắm được và vận dụng các công nghệ số để diễn đạt kiến thức của bài giảng, sáng tạo ra những cách dạy hấp dẫn và hiệu quả. Nhận thức và năng lực của những người trong ngành GD chỉ có được qua tìm hiểu và huấn luyện.

Nói về CĐS trong lĩnh vực GD, ông Đinh Hoàng Triều - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Giáo dục IGC cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả trong thực hiện thì cần chọn ra được nhóm tinh anh, có niềm tin vào đổi mới, được tiếp cận kiến thức và phương pháp mới để giữ nhiệm vụ lan tỏa.

Thể chế trong GD&ĐT là những quy định của pháp luật về ngành GD cần làm theo. Pháp luật thường không theo kịp những bước tiến rất nhanh của công nghệ trên môi trường số. Riêng với ngành GD, quyền công dân số với đạo đức và hành xử đúng mực trên môi trường số là nội dung đặc biệt quan trọng.

Công nghệ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn trong CĐS GD. Sau bước đầu sử dụng các công cụ truyền thống của CNTT như: máy chiếu, tương tác đồ họa, học liệu điện tử… là bước tiếp theo với các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo AI, của các công nghệ hiển thị, tương tác 3 chiều, dạy và học thông minh. Đây cũng là vấn đề mà các đơn vị trong ngành GD&ĐT quan tâm khi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các sản phẩm công nghệ của các đơn vị còn hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị có thể thực hiện từng bước, lựa chọn những sản phẩm công nghệ phù hợp điều kiện hiện tại và thực hiện trước để tạo tiền đề.

“Ngành giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục và đào tạo; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN