Tham gia chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tinh thần tự học của học sinh rất cao.
Chuẩn hóa đội ngũ
Theo Ban giám đốc Sở GD&ĐT, hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được củng cố, bồi dưỡng và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới. Ngành GD&ĐT đã từng bước sắp xếp, bố trí hợp lý, đảm bảo chỉ tiêu biên chế quy định. Đến cuối tháng 12-2018, Sở GD&ĐT đã phê duyệt kết quả tuyển dụng cho các đơn vị trực thuộc 27 viên chức, giải quyết 82 trường hợp thuyên chuyển viên chức, điều động 21 viên chức, 15 hồ sơ thuyên chuyển ra khỏi tỉnh, 2 trường hợp giải quyết rời khỏi ngành, tiếp nhận 26 trường hợp ngoài ngành, ngoài tỉnh.
Tại cuộc họp giao ban lần 2 năm học 2018-2019, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn tăng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Có 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn; trong đó, có 90% giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên, 66% giáo viên tiểu học và 88,2% giáo viên THCS có trình độ đại học trở lên, 16,4% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ.
Bên cạnh đó, quy mô và mạng lưới trường, lớp phát triển đều khắp và được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt cho việc dạy và học. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả thiết thực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Cụ thể, trong học kỳ 1 năm học 2018-2019, các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường lớp, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách giáo khoa cho các em thuộc gia đình chính sách, giúp đỡ học phẩm, học cụ cho học sinh vùng khó khăn ước đạt trên 43 tỷ đồng.
Thách thức từ chương trình đến xã hội
Theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 18.778 trẻ vào lớp 1 với tổng số 537 lớp, 805 giáo viên tham gia. So với yêu cầu, ngành GD&ĐT sẽ đáp ứng được về cơ sở vật chất, nhân sự kể cả giáo viên phụ trách môn mới (Tin học và Công nghệ, Tiếng Anh lớp 1). |
Mặc dù đội ngũ ngày càng chuẩn hóa nhưng với những đổi mới rất căn bản của chương trình GDPT mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với đội ngũ thực hiện chương trình. Trước hết là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thực hiện chương trình với yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh; dạy học tích hợp, phân hóa; thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Tất cả điều này phụ thuộc vào động lực đổi mới của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; động cơ và phương pháp học tập của học sinh.
Theo phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT, bản chất của thách thức là do nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa kiến thức với kỹ năng, hay nói rộng hơn là giữa cấu trúc đầu vào với cấu trúc đầu ra của năng lực. Khả năng tích hợp nội - liên - xuyên môn, tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học, tích hợp giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng; một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học không phải giáo viên nào cũng đảm bảo thực hiện tốt. Thực tế học sinh có thông minh, hiếu học nhưng nhược điểm chung là chưa xác định rõ mục tiêu học tập, do đó chạy theo điểm số và đối phó trong học tập và thi cử…
Ngành GD&ĐT xác định cán bộ quản lý và giáo viên là đội ngũ quyết định sự thành bại trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Do vậy, cấp thiết đội ngũ này phải chấn chỉnh, phải nhận định được tinh thần đổi mới và bản thân họ cũng phải có ý thức đổi mới. Theo đó, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực thực tiễn của cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp và tiến đến đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng đảm bảo chuẩn của cán bộ quản lý, đảm bảo trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên theo hướng đủ về số lượng đạt chuẩn, đồng bộ về cơ cấu.
Để triển khai có hiệu quả chương trình GDPT mới, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của người học; đổi mới công tác quản lý, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, coi trọng quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; chất lượng hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Bài, ảnh: Phan Hân