Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục đổi mới hoạt động thực hiện tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Năm 2011 vừa qua, Ngành kiểm sát các cấp đã tăng cường công tác thực hành quyền công tố, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng bộc lộ nhiều tồn tại như số người bị bắt, tạm giữ về hình sự sau phải xử lý hành chính hoặc phải trả tự do và số bị can phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm còn nhiều. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa còn hạn chế và vẫn còn trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ ngành kiểm sát nhân dân đã nhanh chóng đổi mới hoạt động theo yêu cầu cải cách tư pháp, hoan nghênh những ý kiến đề xuất thẳng thắn tại cuộc họp, để cùng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại trong hoạt động của ngành.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã được quy định rõ trong nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tố, chất lượng kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần nghiên cứu bổ sung, lập luận làm sao để thể hiện rõ ràng quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Hiến pháp và trong các bộ luật. Để từ đó khi Quốc hội ban hành luật phải bảo đảm là đúng và phù hợp với Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành kiểm sát cần củng cố lực lượng kiểm tra, chú trọng công tác bồi dưỡng phẩm chất, nâng cao trình độ kiểm sát viên, đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong đào tạo cán bộ, hoàn thiện tổ chức bộ máy và mô hình hoạt động, nâng cấp trang thiết bị cơ sở vật chất, tập trung xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp đủ mạnh và chuyên sâu đủ bản lĩnh, đi cùng với việc kiểm sát để thực thi hiệu quả quyền công tố. Đồng thời, triển khai quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng trong toàn Ngành kiểm sát đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng./.