Ngành nông nghiệp gặt hái nhiều thành quả

07/01/2013 - 08:19
Thu hoạch vụ lúa Thu - Đông ở xã Tân Thanh. Ảnh: Hoàng VŨ

Năm 2012 vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Giồng Trôm gặt hái nhiều thành công, trong đó nổi bật là trồng trọt, chăn nuôi và công tác thủy lợi.

Theo ông Lê Văn Cảnh - Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa Thu - Đông, Đông -Xuân, Hè - Thu với tổng diện tích cả 3 vụ: 11.550ha, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng đạt gần 65.000 tấn/năm (đạt 103% kế hoạch). Vụ lúa Thu - Đông đã xuống giống đúng theo kế hoạch 3.850ha, lúa đang sinh trưởng tốt. Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phong Mỹ đạt kết quả khả quan. Đây là mô hình xuống giống và thu hoạch đồng loạt, góp phần hạn chế sự phá hại của sâu rầy, chim, chuột... từ đó tăng sản lượng lúa. Các tổ hợp tác nhân giống lúa của huyện ở các xã: Lương Quới, Phong Mỹ, Bình Thành, Tân Thanh, Thị trấn đã thực hiện nhân nhanh các giống lúa kháng rầy, kháng đạo ôn, với các giống: OM 8108, OM 8923, OM 10040, OM 7247, OM 8232, OM 6932M và Cần Thơ 2. Diện tích mía niên vụ 2012-2013 toàn huyện là 1.900ha đang giai đoạn vươn lóng, sinh trưởng tốt. Năng bình quân ước đạt 100 tấn/ha. Sản lượng ước đạt 190.000 tấn/năm. Toàn huyện hiện có 141.00ha dừa, sản lượng ước đạt 148,5 triệu trái/năm. Bên cạnh cây dừa, cây cacao phát triển tốt trong vườn dừa với diện tích 2.536ha, trong đó có 1.035ha cacao đang cho trái, năng suất từ 7 - 8 tấn trái tươi/ha. Cây ăn quả đang phát triển tốt (chủ yếu là bưởi da xanh, cam sành) với tổng diện tích 4.260ha, trong đó có 754ha bưởi da xanh. Sản lượng trái cây đạt gần 50.000 tấn/năm. Nhà vườn Giồng Trôm đang hướng đến canh tác các loại cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng phát triển mạnh. Tổng đàn bò của huyện là 17.500 con. Nông dân đang cải tạo đàn bò bằng giống bò Mỹ. Đàn heo tăng lên tới 85.000  con (đạt 103,40% kế hoạch), đang được phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, với quy trình khép kín theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh. Đàn dê toàn huyện có 11.000 con, giá dê không ổn định nên tổng đàn dê không tăng. Đàn gia cầm có 700.000 con. Nhìn chung, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc - gia cầm được quan tâm. Các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm không xảy ra dịch. Công tác tiêm phòng được người chăn nuôi hưởng ứng, tỷ lệ tiêm phòng gia cầm đạt 100%, tiêm phòng miễn phí lở mồm long móng trên gia súc được 2.280 liều, tiêm phòng định kỳ dịch tả và tụ huyết trùng trên heo được 113.520 liều (đạt gần 80%). Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, với 1.239ha (đạt 100,73% kế hoạch năm), trong đó tôm càng xanh có diện tích nuôi 480ha, tôm thẻ chân trắng nước ngọt nuôi được 0,9ha, cá nước ngọt các loại được 750ha. Cá nước ngọt được nuôi ven sông Hàm Luông ở các xã: Sơn Phú, Phước Long, Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ; ven sông Ba Lai ở các xã: Châu Bình, Phong Nẫm, Phong Mỹ. Tổng sản lượng tôm, cá nước ngọt năm qua có gần 62.000 tấn. Trong năm, huyện được Trung ương, tỉnh hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng, cùng với ngân sách huyện 782 triệu đồng đầu tư nạo vét gần 21.000m kênh nội đồng, với trên 71.000m3 đất đào.

Để phát triển vườn cây ăn trái, huyện đã phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề: kỹ thuật canh tác lúa, trồng dừa, cây có múi, cacao, nuôi ong ký sinh, IPM trên cây có múi theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện còn hỗ trợ 4 hộ dân bị sạt lở ở các xã: Mỹ Thạnh, Phong Nẫm và Thạnh Phú Đông (20 triệu đồng/hộ).

HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN