Ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

04/10/2021 - 06:13

BDK - 9 tháng năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh xung quanh nội dung trên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh

* Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021?

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh: 9 tháng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, xâm nhập mặn xảy ra nhưng do chủ động triển khai các giải pháp ứng phó nên không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 7,29%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020 và so với trung bình nhiều năm.

Về trồng trọt: tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa thu hoạch tăng so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích trồng cây ăn trái giảm so với cùng kỳ, nhưng sản lượng thu hoạch tăng do người dân chăm sóc hiệu quả. Riêng đối với cây dừa tương đối ổn định, so với cùng kỳ có tăng nhẹ về diện tích và sản lượng với tỷ lệ 2,87% và 1,01%. Mặc dù tình hình sâu bệnh hại dừa diễn biến khá phức tạp, toàn tỉnh có 4.682ha nhiễm bọ cánh cứng, tăng 25ha so với cùng kỳ; 627ha nhiễm sâu đầu đen, nhưng do tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý, nhất là dập dịch sâu đầu đen. Trong 9 tháng đã thực hiện phòng trừ sâu đầu đen với diện tích 339,9ha.

Chăm sóc hoa kiểng ở Chợ Lách. Ảnh: H. Vũ (Tư liệu)

Chăm sóc hoa kiểng ở Chợ Lách. Ảnh: H. Vũ (Tư liệu)

Tình hình sản xuất, tiêu thụ cây giống, hoa kiểng tương đối tốt ở những tháng đầu năm. Trong dịp Tết Nguyên đán đã cung ứng cho thị trường khoảng 12,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Quy mô sản xuất cây giống được mở rộng với khoảng 1.650, sản lượng trên 40 triệu cây, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu Công nghệ sinh học Cái Mơn. Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng để Chợ Lách trở thành trung tâm sản xuất mang tầm quốc gia.

Về chăn nuôi: chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến so với cùng kỳ, tổng đàn bò ước tăng 4%, tổng đàn gia cầm tăng 1,87%, tổng đàn heo tăng 22,1%.

Về thủy sản: tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống tăng 4,62%, tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 94,75% so với cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định. Tính đến cuối tháng 9-2021, tổng diện tích đạt khoảng 1.950ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tình hình nuôi sò huyết, hàu phát triển bình thường, giá bán luôn ổn định mức cao, người nuôi có lãi khá.

Khai thác thủy sản tương đối ổn định, sản lượng đạt 99,81% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 3.882 tàu cá, công suất bình quân là 253KW/chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.146 tàu, công suất bình quân là 430KW.

Lâm nghiệp: công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô được tập trung thực hiện. Trong 9 tháng, ngành chức năng đã tổ chức 240 lượt tuần tra, kiểm tra rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời phát hiện và đang xử lý 4 vụ vi phạm.

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, chuỗi dừa đã kết nối 12.036ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; chuỗi bưởi da xanh đã thực hiện liên kết với diện tích ước khoảng 330ha; các chuỗi con heo, con bò và tôm biển cũng đạt kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia.

Hiện nay, có 15.182,4ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ đã tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường (dừa 6.533ha; chôm chôm 113,2ha; bưởi da xanh 95,9ha; thủy sản 8.440,4ha). Ngoài ra, tỉnh đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP); có 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

* Tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã có tác động như thế nào đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân, thưa ông?

- Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá bán một số nông sản giảm mạnh, tiêu thụ chậm tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ của người dân trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Lĩnh vực trồng trọt: trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội, một số nông sản bị ùn ứ, tiêu thụ chậm; kéo dài thời gian thu hoạch trên cây dẫn đến chất lượng giảm và ảnh hưởng sức khỏe cây trồng. Giá cả nông sản thấp so với cùng kỳ năm trước do khó khăn trong tiêu thụ, cụ thể: giá bưởi da xanh từ 13 - 15 ngàn đồng/kg (trên 20 ngàn đồng/kg); chôm chôm Java giá chỉ từ 5 - 7 ngàn đồng/kg (14 - 15 ngàn đồng/kg); nhãn xuồng giá từ 7 - 15 ngàn đồng/kg (25 - 35 ngàn đồng/kg). Giá các loại rau màu giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập người dân.

Nông dân chăm sóc vườn bưởi da xanh tại Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Cẩm Trúc

Nông dân chăm sóc vườn bưởi da xanh tại Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Cẩm Trúc

Đối với sản phẩm dừa uống nước và dừa công nghiệp, một số cơ sở thu mua tại địa phương chưa đảm bảo được phương án phòng bệnh “3 tại chỗ” và nguyên tắc “5K” nên việc tiêu thụ dừa công nghiệp của người dân hạn chế. Gần 90% cây giống, hoa kiểng các loại không tiêu thụ được vì chưa có văn bản hướng dẫn việc cho phép vận chuyển tiêu thụ sản phẩm này. Việc đi lại chăm sóc vườn cây, thuê mướn nhân công chăm sóc vườn gặp nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và kiểm soát sâu bệnh cây trồng, năng suất và sản lượng nông sản có thể giảm trong thời gian tới. Cụ thể, các vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen bị gián đoạn công tác phun thuốc bảo vệ thực vật, phóng thích ong ký sinh. Việc vận chuyển vật tư nông nghiệp gặp khó khăn do giãn cách xã hội nên người dân thiếu vật tư cung cấp cây trồng. Giá vật tư tăng cao làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất của người nông dân.

Lĩnh vực chăn nuôi: hoạt động chăn nuôi chủ yếu duy trì mức thấp do giá heo hơi, gia cầm hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, không có chiều hướng giảm nên đe dọa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi heo, gia cầm. Một số cơ sở giết mổ chưa đảm bảo được phương án phòng chống dịch bệnh “3 tại chỗ” và nguyên tắc “5K” nên ngừng hoạt động đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp các sản phẩm thịt cho thị trường.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại thị trường TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh, tiêu thụ hạn chế tại một số tỉnh miền Tây và tiêu thụ trong tỉnh, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chăn nuôi trong tỉnh. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến người chăn nuôi lo lắng, hạn chế đầu tư, phát triển đàn, cũng như mở rộng hoạt động chăn nuôi. Người chăn nuôi có phần hoang mang, thiếu tập trung trong hoạt động sản xuất, thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh không đầy đủ, thời tiết bất lợi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao.

Đối với lĩnh vực thủy sản: các đại lý thu mua thủy sản với tâm lý ngại lây lan dịch bệnh nên tạm nghỉ không thu mua thủy sản nguyên liệu. Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh khoảng 30 ngàn đồng/kg (lúc chưa xảy ra dịch bệnh, tôm thẻ chân trắng 100 con/kg giá bán 90 ngàn đồng/kg, khi xảy ra dịch giá bán 60 ngàn đồng/kg); giá thức ăn, thuốc hóa chất tăng khoảng 10% làm tăng giá thành sản xuất.

Công nhân lao động trong cơ sở thu mua, kéo lưới khan hiếm do ngại nhiễm bệnh, giá thuê lao động giai đoạn này tăng gấp đôi. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh, việc đi lại (phương tiện vận chuyển, người) thu mua tôm nguyên liệu giữa các xã trên cùng 1 huyện hoặc giữa các huyện rất khó khăn.

* Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp phục hồi kinh tế nông nghiệp trong 3 tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022?

- Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao; đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại. Hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; tập trung phát triển chuỗi tôm, bò, cây giống - hoa kiểng, thí điểm thành lập vùng sản xuất tập trung.

Thi công đê bao ở Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: H. Hiệp

Thi công đê bao ở Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: H. Hiệp

Kịp thời thông tin về tình hình thời tiết, khí hậu, mưa bão, xâm nhập mặn cho nông dân để chủ động ứng phó bảo vệ thành quả sản xuất; triển khai phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với phương châm “4 tại chỗ”.

Tập trung theo dõi, giám sát tình hình chăn nuôi và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng trên bò và dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên bò để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản thực hiện tốt lịch thời vụ và xử lý tốt dịch bệnh, thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh. Thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường vùng nuôi tôm biển. Phối hợp hướng dẫn củng cố hoạt động các ban quản lý vùng nuôi.

 Triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh theo tiêu chuẩn (GAP, hữu cơ, các tiêu chuẩn bền vững...); tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tăng cường công tác quản lý, giám sát theo yêu cầu các nước nhập khẩu.

Thành lập các tổ, đội hỗ trợ nông dân thu hoạch, thu gom, vận chuyển và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản có sản lượng lớn đang hoặc sắp đến vụ thu hoạch; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.

 Tiếp tục tiếp nhận và thẩm định đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cho các xã đủ điều kiện; kiểm tra tiến độ các xã, khảo sát danh mục công trình đối với các xã đủ điều kiện đăng ký năm 2021, 2022, khảo sát danh mục cho các huyện xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao.

Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ người dân các xã kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN