Ngày ấy khó quên

20/01/2022 - 11:04

BDK - Thấm thoát mà đã 50 năm kể từ ngày Mỹ và quân đội Sài Gòn lần đầu tiên ném bom 7 tấn xuống chiến trường Bến Tre, thuộc khu căn cứ Rạch Vọp (huyện Ba Tri). Hôm đó là ngày 4-10-1971 (nhằm ngày 16 tháng 8 năm Tân Hợi).

Đồng chí Nguyễn Quang Trị (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp tuyên huấn huyện Ba Tri, tại căn cứ Rạch Vọp, năm 1973. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Nguyễn Quang Trị (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp tuyên huấn huyện Ba Tri, tại căn cứ Rạch Vọp, năm 1973. (Ảnh tư liệu)

Đây là thời kỳ cả tỉnh Bến Tre chìm ngập trong khó khăn, căng thẳng vì chiến lược “bình định” lấn chiếm của địch. Ở Ba Tri, có thể nói, đây là giai đoạn lực lượng cách mạng và nhân dân bước vào thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất từ sau Đồng khởi 1960. Hầu hết đất đai trong huyện bị địch lấn chiếm, bộ đội địa phương, dân quân du kích, lực lượng dân chính đều bị đánh dạt ra khỏi địa bàn, lực lượng không lộ bên trong bị khủng bố, đàn áp khốc liệt… Song song với việc đóng đồn nhét kẽ, lấn ra các lõm ven căn cứ (tổng số 148 đồn, tua), địch tăng cường hỏa lực đánh phá, chà xát, kết hợp với hành quân càn quét vùng căn cứ, liên tục gây tiêu hao và bất ổn cho cách mạng.

Trong gian khổ và ác liệt của chiến tranh, vài người đang công tác trong hàng ngũ kháng chiến đã đầu hàng giặc. Thường trực Huyện ủy Ba Tri chỉ đạo tất cả các cơ quan trực thuộc Huyện ủy phải cảnh giác đề phòng, vì biết chắc chắn thế nào địch cũng đánh, nhưng đánh kiểu nào thì chưa dự đoán được.

Đối với Ban Tuyên huấn Huyện ủy, lãnh đạo ban chủ động cho chuyển đại bộ phận vào khu vực rừng lá và chà là gần Trường Chính trị. Lãnh đạo ban phân công anh Chín Thuấn là cán bộ phụ trách Thông tấn - Báo chí và tôi (Tám Trị - Trưởng Văn phòng ban) ở lại điểm Tuyên huấn cũ, gần đám lá ông Hai Khòm đã từng bị địch càn vào một lần rồi và bị “đổ máu” tại Văn phòng ban, làm chết và bị thương 3 tên do anh Ba Xuân - Phó trưởng ban gài trái nổ dưới thạp cá kèo, địch “tham ăn” nên bị vướng trái. Sở dĩ chúng tôi ở lại điểm này vì Thường trực Huyện ủy và nút “Giao bưu” cũng ở cách chúng tôi không xa, để tiện quan hệ làm việc với Văn phòng Huyện ủy và tiếp nhận kịp thời thư từ, công văn chỉ đạo của cấp trên và cấp dưới gửi về.

Hôm xảy ra sự việc “bom 7 tấn”, lại có thêm chị Hai Tri Phương - cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh được phân công đi công tác điểm ở Ba Tri. Chị Hai muốn ở cùng với chúng tôi để nắm tình hình cho tiện, kịp thời báo cáo về ban tỉnh.

Sáng sớm hôm đó, sau khi ăn sáng xong, tôi thấy xuất hiện máy bay “đầm già” và tiếp theo là “đầu láng” đến quần đảo khu vực cơ quan đang ở, nên cùng với chị Hai Tri Phương ra “công sự” phòng động. Còn anh Chín Thuấn thì đi xuống “điểm dưới” - điểm hậu cứ của Ban Tuyên huấn do yêu cầu công tác. Tôi đang trèo lên ngọn cây duối quan sát phía cánh đồng giáp rừng, xem có hiện tượng gì không, bỗng nghe tiếng máy bay C.130 từ hướng Bình Đại bay qua. Tôi nhìn kỹ, thấy có mấy vệt tòn teng như chiếc dù dưới lườn máy bay, kèm theo âm thanh lạ khè khè như bét đèn đang cháy. Một tiếng nổ kinh hồn phát ra cùng với đất, cây, cành, lá bay loạn xạ và hất tôi văng xuống nắp “công sự”.

Vừa dứt tiếng bom thì hai cặp “cá lẹp” lao xuống phóng pháo và xả liên thanh. Sau đó là một đàn trực thăng chở quân xuất hiện.

Tôi nói với chị Hai: “Chắc là tụi nó đổ quân xuống rồi”. Điểm đổ quân cách chúng tôi trên 200m đường chim bay. Từ “công sự” chui lên, chị Hai hỏi tôi: “Cậu nhớ coi còn cái hầm bí mật nào ở gần để chị em mình xuống?”. Tôi bảo: “Có nhưng hầm bí mật nằm ở mé rừng, phải trở ngược ra, nó dọn bãi kiểu này sợ nó giẫm nát hết”. Tôi liền dẫn chị Hai long mương chạy về hướng đơn vị đặc công và nói với chị: “Sống chết gì chị em mình cũng phải bám anh em đặc công”.

Khi gặp đặc công thì anh em cũng đang phòng ngự ở một công sự không có nắp, nước đầy đến cổ, lại chứa đến 5 người rồi. Ý của chị Hai Tri Phương muốn cùng tôi và anh em ở chung công sự, nhưng tôi thấy bất tiện nên nhờ anh em hướng dẫn cho chị Hai đến ở một công sự có nắp để an toàn hơn. Còn tôi thì ở chung công sự không có nắp cùng với anh em, tổng số là 6 người.

Vừa ổn định xong thì bù nóc bay tới. Chúng sà thấp và xoáy mạnh cụm dây leo đang ràng rịt nhiều lớp trên nóc công sự của chúng tôi.

Cùng ở chung công sự với tôi có Thìn (y tá của đơn vị Đặc công huyện, quê An Bình Tây), Gắt (cán bộ Ban Binh vận huyện, quê Mỹ Nhơn), Nghĩa (nhân viên Ban Chính trị khởi nghĩa, quê Mỹ Thạnh), Em (con trai đồng chí Ba Lập - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, quê An Bình Tây, mới được đưa ra căn cứ, chưa phân công nhiệm vụ) và Thạch, tân binh của đơn vị Đặc côn huyện).

Lúc này, bộ binh địch đã đến sát nhưng chúng tôi vẫn không biết vì rừng rậm và máy bay gầm rú nên không thấy, không nghe được. Đang lúc chúng tôi trao đổi qua lại, nhận định tình hình. Người nói “Bù nóc xoáy thì quân chưa tới”. Người nói “Nếu thế thì địch vào tới mình rồi”. Có lẽ âm thanh chúng tôi vọng ra, nên địch biết chắc hướng của chúng tôi đang ở. Bất thình lình, từ bụi rậm toàn là dây rau muôi và dây mây xen lẫn, cái nón sắt và chiếc khăn đỏ ở cổ tên lính xuất hiện. Nó đưa khẩu M16 về phía chúng tôi và siết cò.

Theo phản xạ, tôi cút ngay xuống nước, tay đưa chiếc bòng (ba lô) lên đầu, nghĩ là sẽ kết thúc cuộc đời hôm nay! Từ dưới mặt nước, tôi nghe rõ từng tiếng “hự” của anh em mình bị trúng đạn… Không nín thở được nữa, tôi thoắt vọt lên, cũng vừa lúc tên lính thay băng đạn mới. Thìn và Gắt cũng vọt lên cùng lúc với tôi, mỗi người bò một hướng. Băng đạn thứ hai xé dây, lá rừng rớt trên lưng khi tôi vừa vọt khỏi công sự chừng 3 - 4 mét, nhờ bụi rậm nên địch không còn nhìn thấy và đuổi theo được.

Tôi vén dây rừng bò thêm một đỗi nữa, biết đây là đất của đặc công, lựu đạn gài rất nhiều nên tôi trụ lại nằm nghỉ, nghe ngóng. Đạn địch bắn xối xả. Đạn từ máy bay cá lẹp bắn xuống, lựu đạn từ bù nóc ném ra, pháo từ quận Ba Tri, Giồng Trôm bắn tới… Khoảng hơn 5 phút sau, nghe liên tiếp 3 loạt đạn dài tại hướng công sự. Sau đó mới biết, khi lôi xác ba chiến sĩ lên, chúng bắn thẳng vào đầu mỗi người một loạt...

Lúc địch vừa rút, các anh em đặc công bám về, thấy xác Nghĩa hơi giống tôi, có người la: “Tụi bây ơi! Vào đây phụ. Tám Trị chết rồi!”

Nghe biết anh em mình, tôi liền lên tiếng: “Tao còn đây!”. Vậy là Nghĩa, Em, Thạch đã hy sinh tại công sự không nắp!

Rốt cuộc, trận càn kết hợp với “bom 7 tấn” dọn bãi kỳ này xem như địch đã đánh gần trúng điểm. Cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh trên 10 đồng chí, kể cả quân sự và dân chính. Lỗ bom 7 tấn không lớn, không sâu bằng bom B.57, nhưng có tác dụng “phát quang” một khu rừng rộng trên dưới 3 héc-ta, tạo bãi cho trực thăng có thể đổ hàng trăm quân xuống cùng một lúc ở giữa rừng.

May mắn, tôi và chị Hai Tri Phương an toàn. Chị Hai tâm sự: “Nếu không nghe lời cậu thì trận này, chị em mình cũng đã chết tại hầm bí mật hoặc tại lỗ công sự không nắp đó”. Riêng chỗ hầm bí mật mà chị Hai hỏi lúc ban đầu, sau khi tàn cuộc, ra xem tôi thấy tan nát hết vì pháo dập ngay. Nhìn thấy, chị Hai hú hồn hú vía!

Kiểm tra lại cái bòng của mình: quần áo, mùng, võng… đều bị đạn xuyên qua. Chỉ tiếc chiếc radio S-tăn-đa của anh Chín Thuấn cho tôi mượn chép tin đọc chậm và theo dõi đài hàng ngày, do cầm tay, khi cút xuống công sự có nước, lúc bất thần nó đã rời khỏi tay nên bị địch thu làm “chiến lợi phẩm”.

Xuân về, nhắc lại kỷ niệm khó quên của một thời chinh chiến, là để tự nhủ lòng mình hãy sống sao cho xứng đáng với đồng chí, đồng đội, đồng bào đã vì sự nghiệp cách mạng, mãi mãi ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi thanh xuân của cuộc đời, để cho chúng ta có được cuộc sống đẹp như ngày hôm nay.

Nguyễn Quang Trị

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN