Sáng 24-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn tại Quốc hội. Hầu hết chất vấn của các đại biểu (ĐB) đều tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là giáo dục đại học (GDĐH) - với 39 ĐB chất vấn. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã nhận được 25 lượt chất vấn của ĐBQH. Riêng phần của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, còn tiếp tục trong sáng 25-11, để trả lời tiếp các chất vấn mà 16 ĐBQH đã nêu ra.
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đặt vấn đề, nhiều trường khó tuyển sinh, trong khi đó, học sinh đổ xô đi học nước ngoài. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nêu thực trạng tuyệt đại học sinh tốt nghiệp THPT đều học ĐH, không chính quy thì dân lập, ĐH từ xa. Số sinh viên ra trường khá giỏi chiếm tỷ lệ rất cao nhưng thực tế chất lượng sinh viên ngày càng thấp, nhiều ĐH cung cấp hàng giả, hàng nhái cho xã hội? Giải pháp nào để cải thiện ngay trong năm học tới?
|
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết chưa có trường ĐH nào được mở mà nằm ngoài quy hoạch. Nếu theo quy hoạch, vẫn chưa đủ trường. Nhưng ông thừa nhận “thừa trường yếu, thiếu trường ngon”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng lý giải về việc nhiều trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu, nguyên nhân do một số ngành học tuy nhu cầu của xã hội có nhưng đầu ra khó khăn; điều kiện của nhiều trường mới thành lập quá kém nên học sinh cũng không vào. “Khi không tuyển đủ, các trường đề nghị bộ hạ điểm sàn nhưng bộ kiên quyết không hạ để bảo đảm chất lượng tối thiểu đầu vào”, bộ trưởng cho biết. Còn việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, điều kiện của người dân ngày càng cao, cũng như nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học.
Về các giải pháp nâng cao chất lượng ĐH trong nước, Bộ trưởng cho hay, hiện đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các trường ĐH mới thành lập, trước mắt là các trường mới thành lập 10 năm trở lại đây, từ đó củng cố, nâng cao chất lượng của các trường. “Năm rồi kiểm tra 5 trường thì cũng có rất nhiều bất cập, từ nay đến hết năm 2011 kiểm tra 20 trường nữa. Sẽ không có tăng nóng chỉ tiêu tuyển sinh như trước, đồng thời bảo đảm điều kiện đào tạo của các trường để nâng cao chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh phi chính quy”, Bộ trưởng hứa.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: Bộ nói kiểm tra nhiều trường không bảo đảm chất lượng, tại sao vẫn cho đào tạo, trách nhiệm của ai? Bộ trưởng trả lời: “Hiện chưa phát hiện cơ quan quản lý nào sai phạm nên chưa có xử lý. Nhưng đúng, có những sai sót trong kiểm tra. Đoàn kiểm tra xuống thì trường dẫn đến một cơ sở khác. Sẽ kiểm tra lại và xin rút kinh nghiệm trong quá trình thanh tra sau này”. ĐB Nguyễn Thành Tâm truy tiếp: “Vì sao đoàn thanh tra lại ngây thơ đến mức như vậy. Bộ xử lý đoàn thanh tra như thế nào?”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp), ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đều chất vấn về chất lượng GDĐH ngoài công lập, dẫn đến sự phân biệt đối xử như vừa qua ở một số địa phương. Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD-ĐT không có sự phân biệt giữa các loại hình đào tạo ĐH. Nhưng việc một số địa phương không công nhận là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với ngành.
“Hệ tại chức bản thân nó không có lỗi. Nhiều lãnh đạo, giáo sư cũng trưởng thành từ tự học. Lỗi do công tác quản lý còn yếu kém, tâm lý chạy theo bằng cấp. Bộ sẽ chấn chỉnh các lệch lạc, yếu kém” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
|
ĐB Trần Du Lịch chất vấn các bộ trưởng tại hội trường. |
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) và một số ĐB hỏi mặt bằng giáo dục ĐH của Việt Nam thấp so với nhiều nước, Bộ trưởng có ý tưởng gì để đột phá? Tới đây tái cấu trúc giáo dục theo hướng nào? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải, tới đây sẽ tái cấu trúc GD-ĐT theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT cả về đội ngũ, chương trình, nhưng chưa nhận được sự ủng hộ của các ĐBQH.
Bên cạnh vấn đề GDĐH, một số ĐB bày tỏ sự nghi ngờ chất lượng giáo dục phổ thông khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng trong nhiều qua, hàng trăm trường tốt nghiệp 100%, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên đỗ 100%, trong khi môn Sử thì kết quả quá thấp với hàng ngàn điểm 0. Trả lời, bộ trưởng cho biết bản thân ngành GD cũng nhận thấy kết quả tốt nghiệp THPT quá cao là có vấn đề.
“Tuy nhiên qua kiểm tra các địa phương thì kết quả năm 2011 về cơ bản là phù hợp với tính chất đề thi, với tinh thần thi đua dạy và học tốt”. Không hài lòng với câu trả lời, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phản bác, “Thật khó chấp nhận kết quả này. Học sinh học Sử không đến nỗi, học sinh giỏi quốc gia môn Sử không ít. Nhưng có nhiều HS học Sử giỏi nhưng thi ĐH vẫn điểm kém, phải chăng do đề thi - đáp án môn Sử có vấn đề, xa rời thực tiễn?”.
Về giáo dục mầm non, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng bậc học này hiện còn nhiều khó khăn, nhất là thu nhập của giáo viên rất thấp, rất thiếu công bằng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Chúng tôi có thiếu sót là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của bậc học này, nên giờ mới tiến hành phổ cập mầm non 5 tuổi”.
Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá buổi chất vấn phong phú, thẳng thắn, sôi nổi. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khá dài, vòng vo, chủ yếu nêu thực trạng, nguyên nhân mà không đưa ra giải pháp cụ thể. “Bộ trưởng phải khẳng định thì mới tìm ra nguyên nhân được, từ đó mới tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc.
Các ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Ngô Văn Minh, cho rằng tại sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu lỗ và kiến nghị cần phải tăng giá nhưng vẫn đầu tư ngoài ngành? Nguyên nhân lỗ có phải do đầu tư ra bên ngoài? Lộ trình về giá điện? Mức lương 7,3 triệu đồng/tháng là không hợp lý nếu so với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang lỗ? Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết về nguyên tắc, quản lý điều hành giá điện, xăng dầu, dịch vụ công kiên trì theo thị trường có sự quản lý của nhà nước, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp với chi phí hợp lý, đảm bảo mức lãi phù hợp.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Quốc hội về khoản lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Theo kết quả kiểm toán năm 2010, EVN lỗ 8.040 tỷ đồng do mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán và 15.463 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá nâng tổng số lỗ lên 23.503 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ 8.040 tỷ đồng không liên quan đến đầu tư ra ngoài ngành của EVN. Do đó, không có chuyện phân bổ lỗ do đầu tư ra ngoài ngành của EVN vào trong cơ cấu giá điện.
|
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ |
Về mức lương 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ, nhân viên EVN, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích: EVN là doanh nghiệp nhà nước nên phải tuân theo quy định đơn giá tiền lương, quỹ lương của Bộ LĐTB-XH hướng dẫn hàng năm. Mặt khác, muốn nói mức lương đó cao hay không phải dựa vào mức thu nhập bình quân lao động cả nước; so cùng loại hình sản xuất, kinh doanh; so sánh cùng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng nói: “Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, cần xem xét mức lương của EVN có đúng quy định Nhà nước hay không, mức độ hợp lý ra sao”.
Các ĐB Đặng Thế Vinh (Long An), Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cùng chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ xung quanh các vấn đề: tại sao giá xăng, dầu trong nước biến động theo giá thế giới nhưng khi giảm lại có độ trễ, không tạo sự công bằng với người tiêu dùng? Đoàn kiểm tra xăng, dầu của Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, vậy thực tế lỗ, lãi ra sao, giá bán hiện nay có đúng không và tại sao chưa công bố? Tại sao khi cần tăng giá, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kêu lỗ nhưng khi thuyết trình để bán cổ phần lại nói lãi?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, trước năm 2008, chúng ta chỉ bù lỗ cho dầu để đảm bảo sản xuất, xăng vẫn kinh doanh bình thường. Đến năm 2008, chúng ta bỏ cơ chế bù lỗ và giá xăng, dầu vận hành bình thường. Khi bắt đầu tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng, theo kết quả kiểm toán của Công ty Kiểm toán Deloitte thì năm 2008 Petrolimex tổng lãi 913,7 tỷ đồng, trong đó xăng, dầu lãi 642 tỷ đồng; năm 2009 lần lượt là lãi 3.217 tỷ đồng và 2.660 tỷ đồng; năm 2010 tổng lãi 314 tỷ đồng nhưng kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng. Nếu năm 2011 không có đột biến tỷ giá vào đầu năm và nếu các đầu mối nhập khẩu xăng dầu thực hiện đúng định mức về bán hàng thì không có chuyện lỗ. Riêng lãi, lỗ của Petrolimex sẽ có báo cáo kết quả cụ thể sau.
Khi được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nói lại số liệu lỗ lãi của Petrolimex vì có sự vênh với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định tính đến tháng 6-2011, Petrolimex báo cáo lỗ 1.800 tỷ đồng, trong đó riêng chênh lệch tỷ giá là 1.430 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố tỷ giá, trong 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex sử dụng các chi phí kinh doanh cao hơn định mức 520 tỷ đồng như chiết khấu cho đại lý (dù mức chi đã thấp nhất trong các đầu mối) nên chắc chắn là lỗ.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét, quy định lại mức chiết khấu cho các đại lý và phải siết chặt, thiết lập kỷ cương trong chi hoa hồng cho đại lý và các anh có trao đổi với tôi nếu nằm trong phạm vi 600 đồng thì chắc chắn là có lãi”. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, vì hiện nay chưa có quy định cụ thể nên có sự cạnh tranh nhau về đại lý nên mức chi có những nơi được hưởng 800-1.000 đồng/lít trong khi các chi phí kinh doanh chỉ 600 đồng/lít thì “lỗ là cái chắc”.
|
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Tái cấu trúc ngân hàng là việc làm bình thường
Thành viên Chính phủ khép lại phiên chất vấn chiều 24-11 là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ông được yêu cầu giải trình về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; điều hành lãi suất; các biện pháp quản lý thị trường vàng, ngoại hối.
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi rất cụ thể: Hiện tại, có bao nhiêu ngân hàng bị xếp loại yếu kém và phương án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước cụ thể như thế nào? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, có thể chia ra làm nhiều loại: ngân hàng rất lành mạnh, ngân hàng trung bình, ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động tốt, ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa được lành mạnh. Nhóm cuối cùng là nhóm đáng lo ngại: chỉ có 8 ngân hàng, chiếm khoảng 5%. “Đề án tái cấu trúc đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, nhưng đây là vấn đề khá nhạy cảm nên chưa thể công bố rộng rãi và cụ thể”, vị Tư lệnh ngành ngân hàng cho biết. Thống đốc thông báo thêm, dự kiến trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực; 10-15 ngân hàng đủ sức làm trụ cột cho nền kinh tế.
Vừa qua, việc Vietcombank phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế với giá cao (và Vietinbank cũng đang được nhiều đối tác quốc tế chào mua) được người đứng đầu ngành ngân hàng coi là tín hiệu cho thấy mức độ tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. “Nên nhìn nhận việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là việc làm bình thường và việc làm này sẽ được tiến hành thận trọng, đánh chuột nhưng không làm vỡ bình - Thống đốc Nguyễn Văn Bình “chốt” lại.
Cho rằng mức trần lãi suất tiền gửi 14%/năm là bất hợp lý vì thấp hơn so với lạm phát, thiệt thòi cho người gửi tiền, các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Lê Văn Lai (Quảng Nam)… yêu cầu Thống đốc làm rõ những căn cứ cho quyết định này. Ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận, trong những tháng đầu năm nay, khi lạm phát tăng cao, việc giữ nguyên trần lãi suất này là kém linh hoạt, phần nào khiến cho người gửi tiền bị thiệt.
“Tuy nhiên, trần lãi suất được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng về lạm phát, mà lúc đó chúng ta dự kiến lạm phát chỉ ở mức 7%/năm mà thôi. Từ tháng 8 trở lại đây, lạm phát đã giảm, dự kiến trong năm tới dưới 10% - như chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Cho nên trong tình hình hiện tại thì trần lãi suất tiền gửi 14%/năm là đúng và tích cực”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích. Ông nói thêm, nếu tháng 11 lạm phát dưới 1% (thực tế là 0,39% - PV) thì tới đây có thể giảm tiếp lãi suất huy động và cả bộ lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, tránh để nền kinh tế rơi vào suy thoái, trì trệ.
Theo kế hoạch trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời trực tiếp chất vấn của các ĐBQH. | |
|
|
Tôi thích cách trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ: nắm rất rõ vấn đề, quan điểm dứt khoát. Còn một điểm mà Bộ trưởng Vương Đình Huệ cần làm rõ thêm, đó là việc EVN dùng vốn để đầu tư ngoài ngành. Lẽ ra toàn bộ lợi nhuận sau thuế của DNNN, chủ sở hữu nên để lại cho họ, không lấy gì hết. Lợi nhuận đó nếu dùng để đầu tư vào ngành điện thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương về mức lương của EVN là chưa đủ thuyết phục. Giá điện hiện nay chưa theo thị trường vì vẫn còn độc quyền. Cần thay đổi mô hình tổ chức quản lý, không thể nào một doanh nghiệp độc quyền nhà nước mà lại trở thành một tập đoàn kinh doanh được.
Tôi hiểu rất rõ là không thể buộc bộ trưởng hứa ngay một điều gì cả, vì ông chỉ là tư lệnh của một ngành; mà muốn xoay chuyển tình thế thì không chỉ một ngành mà làm được. Ở đây còn là việc của cả bộ máy. Vấn đề là ông ấy sẽ chọn khâu nào, vấn đề nào, giải pháp đột phá nào.
Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trước mắt tôi sẽ tập trung vào giáo dục đại học, bởi bậc học này sẽ cho ra lò những chiếc máy cái. Nếu máy cái bị lỗi thì sẽ tạo ra hàng loạt sản phẩm hỏng. Nếu tôi là bộ trưởng, một việc tôi sẽ làm ngay là không khuyến khích các cán bộ quản lý đi làm luận án tiến sĩ nữa, để tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đại học.
|