Ngày hè, luyện nét chữ - rèn tính người!

24/08/2011 - 08:19

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin được coi là bùng nổ và tác động đến đời sống nhiều mặt của con người, chuyện luyện chữ viết tay dường như không còn mấy người quan tâm. Tất cả mọi công việc liên quan đến giấy tờ đều thực hiện trên máy. Tuy nhiên, người xưa có câu: “Nét chữ - nết người” vẫn luôn đúng. Chúng tôi đã đến và chứng kiến các lớp luyện chữ trong hè cho các em nhỏ và phần nào lý giải được câu hỏi: “Tại sao vẫn có những lớp luyện chữ đẹp?”.

Em Nguyễn Bích Ngân, Phạm Quế An Phú (từ trái sang phải) lớp 2/3.

 

Dịp hè, ngoài những giờ đi chơi, tham quan, giải trí cùng bạn bè, người thân, nhiều bạn nhỏ còn được ba mẹ đăng ký cho tham gia những buổi rèn chữ viết. Đây là hình thức kết hợp hài hòa, bổ ích giữa “học mà chơi - chơi mà học”. Đối tượng tham gia rèn chữ là học sinh tiểu học, trong đó lớp 1 và 2 chiếm đa số. Cô Nguyễn Thị Thường, giáo viên trẻ của Trường Tiểu học Định Thủy (Định Thủy, Mỏ Cày Nam), là một trong những giáo viên tâm huyết, rèn những học sinh viết chữ đẹp trong dịp hè từ nhiều năm nay. Cô Thường chia sẻ: “Ban đầu chỉ có ba em học sinh là hàng xóm gần nhà tham gia rèn chữ. Đến ngày nhập học, thầy cô và bạn bè thấy các em viết chữ đẹp nên sau đó gửi con, cháu cho mình kèm”.

Quan niệm, muốn viết chữ đúng, chữ đẹp thì trước hết phải có tư thế ngồi, cách để vở, cầm bút đúng nên các em đến luyện chữ cũng được cô hướng dẫn kỹ vấn đề này. Khi đã có tư thế đúng, các em sẽ được dạy viết từng chữ cái, từng con số, đến lúc thành thạo, đẹp mới chuyển qua ráp vần. Có em chỉ hơn hai tuần luyện tập là có thể viết một bài thơ với nét chữ rất đẹp, đôi khi lại tự sáng tạo ra những nét chữ lạ. Nhưng có bạn phải rèn mấy tháng mới có thể viết đúng và tương đối đẹp. Cô cho biết, nếu yêu cầu viết đẹp và sáng tạo thì phụ thuộc nhiều vào năng khiếu nhưng nếu chỉ cần viết đúng, rõ thì hầu như, ai sau quá trình rèn luyện cũng đều đạt được. Em Dương Đặng Như Thủy, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học An Thới (An Thới, Mỏ Cày Nam), sau 3 tuần rèn chữ em đã “sở hữu” khả năng viết chữ với nét thanh nét đậm đúng quy cách mà lại uyển chuyển, mềm mại. Hay em Phạm Thị Phương Mai, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Định Thủy, một trong ba em đầu tiên được cô Thường luyện chữ, trước khi đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp quốc gia, ba mẹ tưởng đâu em không thể viết chữ đẹp được. Nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của em và sự hướng dẫn tận tình cô Thường, chữ em ngày càng đẹp.

Hỏi các em thấy việc gò chữ có khó không, có muốn đi chơi thay vì ngồi luyện chữ không, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: rất thích thú khi viết được chữ đẹp. Chứng kiến cảnh hơn 20 em, chăm chú, cặm cụi nắn nót từng chữ, từng dòng mới cảm nhận được niềm say mê ấy. Bài thơ Việt Nam thân yêu của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, qua nét bút tròn đều của cậu học trò Lê Minh Bảo (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học An Thủy) càng trở nên mượt mà. Lần giở từng trang tập của các em, chúng tôi cứ muốn nhìn hoài những chữ viết ấy.

Khi con, em viết chữ đẹp, nhiều phụ huynh cũng bắt đầu rèn lại nét chữ của mình. Do nhiều em ở xa đến luyện chữ, để thuận tiện, phụ huynh thường ở lại để đợi rước con. Quan sát con tập, nhiều người cũng cùng tập với con. Chị Đặng Xuân Lan, mẹ em Như Thủy, kể, mỗi tối, khi con ngồi luyện chữ, chị cũng tập theo con mà nay từ chữ viết “cua bò” như chị gọi đùa, chữ chị giờ không thua gì nét chữ chuẩn trong sách giáo khoa. Chị Bùi Thị Mai, mẹ em Minh Bảo khoe, nhờ cho con đi rèn chữ những ngày hè mà chữ viết của Minh Bảo đều đặn, gãy gọn hơn cả chữ của anh mình. Chị cứ tiếc là không biết sớm để cho con trai lớn của chị cũng được rèn chữ từ nhỏ. Nhiều người có quan niệm, việc gò chữ sẽ làm chậm tốc độ viết nhưng cô Thường lý giải, những em có tư thế viết đúng, viết chữ đẹp, tốc độ viết chữ rất nhanh. Qua theo dõi của cô Thường, những em yêu thích việc luyện chữ thường đạt kết quả học tập ở trường rất tốt, tính tình trầm tĩnh, ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời. Tinh thần cầu thị, quý trọng chữ của nhiều phụ huynh còn được thể hiện sinh động ở những buổi luyện chữ ban đêm, mỗi phụ huynh đem theo đèn để phụ với cô giáo chiếu sáng. Thật là một hình ảnh đẹp.

Người xưa đã nói “Nét chữ - nết người”. Qua chữ viết, con người vừa thể hiện nội dung thông tin vừa thể hiện đặc điểm, bản ngã của mình và tạo được tình cảm đối với người tiếp nhận. Trên hết, rèn chữ còn là rèn tính kiên trì, cẩn thận, kỷ luật, rèn tâm tính. Thật đúng là “Rèn nét chữ, luyện tính người”. Một năm học mới sắp bắt đầu, những nét bút thanh thoát, đều tăm tắp sẽ theo các em vào lớp học, in trên những trang vở trắng, ghi lời giảng của thầy cô, để không còn những hình ảnh buồn, không đẹp mắt từ những bài văn thi đại học với chữ ngã nghiêng, sai lỗi chính tả, ngữ pháp mà báo chí hay đăng tải thời gian gần đây.

 

Bài, ảnh: Lê nam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN