Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre và tấm gương Nguyễn Đình Chiểu

24/06/2012 - 15:36

Bên cạnh những lễ hội lớn của dân tộc, Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre tổ chức ngày 1-7 hàng năm là niềm tự hào riêng của người dân xứ Dừa. Năm nay, Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre tổ chức lần thứ 20 gắn liền với dịp kỷ niệm lần thứ 190 Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2012).

Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre là dịp người dân quê Dừa nhớ về cội nguồn, thêm tự hào về những giá trị văn hóa cha ông đã đúc kết. Mấy trăm năm trước, các vị tiền hiền đã chọn mảnh đất ba dải cù lao để khai hoang, lập ấp, dựng nhà, đắp đập. Con đường giao thông thủy và những con thuyền đi biển, đi sông là phương tiện chủ yếu tiến vào vùng rừng rậm, hoang sơ mà bây giờ là cù lao Bảo, Minh, An Hóa. Biết bao đình làng xưa còn đây cổ kính, trầm mặc, ghi dấu thuở cha ông đi “mở nước”. Đạo lý dân tộc tôn thờ người có công với dân, với nước thấm đẫm trên hoành phi, câu đối khắc ghi lời các bậc tiền nhân gửi gắm cho hậu thế:

Ơn liệt sĩ ngàn năm ghi tạc

Nghĩa anh hùng muôn thuở lưu danh

Các thế hệ con người Bến Tre sinh ra, lớn lên, đánh giặc, giữ đất, giữ làng, giữ biển rộng, sông dài và những giá trị tinh thần cha ông truyền lại. Bến Tre - quê hương của ba dải cù lao, quê hương xứ Dừa, quê hương Đồ Chiểu, quê hương Đồng Khởi, mỗi cái tên vang lên lại tỏa sáng một khía cạnh văn hóa, cốt cách của con người Bến Tre. Vì thế, địa phương vừa mang những nét chung của văn hóa miệt vườn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang nét đặc trưng riêng đậm đà, sâu lắng. Người dân Bến Tre yêu nước, hiếu học, tình nghĩa thủy chung hết mình, tranh đấu vì chính nghĩa đến cùng dẫu cho đầu rơi, máu đổ vẫn đau đáu một lời thề trung hiếu với nước non, với đạo lý làm người và triết lý sống “sự vong như sự tồn, sự tử như sự sinh”. Cho đến thế kỷ 21 này, cùng với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại vị trí trang trọng, thuận lợi cho người dân địa phương và du khách đến dâng hương, đời đời ghi công đức người có công vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì nền hòa bình cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre gắn với ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ tấm lòng người dân xứ Dừa luôn tôn vinh cái tâm, cái đức và sự hiếu thảo, thủy chung của Cụ Đồ Chiểu với dân, với nước, với ông, bà, cha, mẹ. Tấm gương Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế nhiều bài học. Đó là bài học tận tâm hiếu thảo với mẹ cha. Bài học về yêu nước thương dân. Nhiều tác phẩm của Cụ Đồ Chiểu đã trở thành sách gối đầu giường của bao chiến sĩ cách mạnh trên đường hành quân đánh đuổi thực dân, đế quốc trong thời đại Hồ Chí Minh. Truyện thơ Lục Vân Tiên răn dạy về đạo lý làm người, nghĩa khí chống lại điều xấu, cái ác. Đặc biệt, bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” viết năm 1861 là áng văn bi tráng ngợi ca những nghĩa binh quả cảm chiến đấu và ngã xuống ngay trong buổi đầu thực dân Pháp xâm lược, đồng thời hiệu triệu toàn dân, nghĩa sĩ cùng đứng lên đánh giặc, giành lại giang sơn. Bến Tre là nơi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu tị địa, suy ngẫm, đau đáu nỗi lo việc nước để “hòa máu thành văn” cho ra đời những tác phẩm bất hủ sáng ngời đạo lý và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre năm 2012 này gần trùng với ngày Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch). Người dân địa phương và khách thập phương về Bến Tre khá đông. Cây lành, trái ngọt, sông nước hiền hòa, con người thân thiện và bề dày văn hóa truyền thống địa phương là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên, đến ngày này nhiều nhà quản lý văn hóa địa phương vẫn còn nhiều suy tư. Vì sao một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hiện nay mới chỉ quan tâm đến những địa danh có cảnh đẹp, món ăn ngon mà có phần thờ ơ với các di tích văn hóa, lịch sử? Phải chăng vì lối sống thực dụng, sự hời hợt trong cách ứng xử của thanh niên với quá khứ làm cho họ thiếu sâu sắc về những giá trị truyền thống? Hoặc phải chăng, có một thời gian khá dài, những bài dạy về lịch sử, văn học, giáo dục công dân không được đổi mới về nội dung và cách dạy cho nên rơi vào khô cứng, thiếu sự hấp dẫn, sinh động. Chỉ cần quan sát trên báo chí vài tuần qua, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi khối ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính chiếm đa số; còn số thí sinh chọn ngành sư phạm hoặc khối ngành xã hội thật èo uột. Đó là dấu hiệu của xu hướng mất cân đối khi mà thanh niên chỉ tập trung vào kinh tế, không nhận thức đầy đủ giá trị của văn hóa. Nhiều trường đại học đang lo không tuyển đủ thí sinh khối ngành xã hội - nhân văn. Chủ trương của Nhà nước thực hiện phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế e rằng đang gặp khó khăn khi nhìn từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai gần.

Trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống bao nhiêu, con người trong xã hội hôm nay càng lo lắng trước hiện tượng một bộ phận thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, vô cảm trước sự vất vả một nắng hai sương của mẹ cha, thậm chí ngược đãi đấng sinh thành dưỡng dục. Bạo lực trong gia đình, làm ăn gian dối trong kinh doanh, vấn nạn “văn hóa phong bì” đã và đang làm xói mòn đạo lý tương thân tương ái trong văn hóa ứng xử truyền thống. Ngay cả một số cán bộ, đảng viên cũng rơi vào vòng xoáy vì sức cám dỗ của đồng tiền và danh lợi đến mức suy thoái về tư tưởng, đạo đức, xa rời nhân dân, muốn trở thành tầng lớp làm quan cách mạng. Điều này rất xa lạ với những giá trị văn hóa truyền thống.

Vào dịp tổ chức Ngày hội truyền thống văn hóa của quê hương, chúng ta càng nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nâng cao dân trí là mục tiêu của giáo dục các tầng lớp nhân dân, còn nâng cao đảng trí là mục tiêu của giáo dục đối với cán bộ, đảng viên. Người dặn dò: Cán bộ, đảng viên phải học tập văn hóa, học tập khoa học và kỹ thuật. Cán bộ quản lý, lãnh đạo không biết chuyên môn, kỹ thuật, nếu chỉ nói chính trị suông thì không lãnh đạo được, “ai lãnh đạo ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn ngành ấy”. Học tập, tu dưỡng suốt đời và cống hiến cho nước, cho dân cũng là nét văn hóa trong Đảng mà mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải phấn đấu, thực hiện góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN