Một trong những vấn đề được Đại biểu Bến Tre quan tâm là việc tái cấu trúc nền kinh tế đất nước phải hướng tới 3 yêu cầu: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Nội dung phát biểu tâm huyết nêu trên vừa mang tính lý luận vừa quan tâm đến các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất của cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.
Trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng, Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ: đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Đó là tư tưởng chỉ đạo gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh.
Nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay, Liên Hiệp Quốc phát động phong trào bảo vệ môi trường với chủ đề “Kinh tế xanh: có vai trò của bạn!”. Ngày Môi trường thế giới được tổ chức hàng năm, năm 2012 là lần tổ chức lần thứ 40. Nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới được tổ chức trọng thể. Mục đích của Ngày Môi trường thế giới là tập trung sự chú ý của toàn nhân loại vào tầm quan trọng của môi trường, quan tâm thực thi hành động bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường và cuộc sống của con người là hoạt động xã hội mang tính nhân văn, trong đó tất cả các quốc gia, dân tộc và mọi người đều có thể trở thành chủ thể tích cực của quá trình phát triển kinh tế bền vững và tương lai an toàn, tươi sáng cho hôm nay và mai sau.
Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là những khái niệm tuy còn mới mẻ đối với một bộ phận dân cư, nhất là ở địa bàn nông thôn. Song, từ nhiều năm nay, các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tại địa phương đã tích cực tham gia góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xanh tại tỉnh nhà thực hiện chủ trương bảo vệ môi trường của Nhà nước. Từng khía cạnh của phát triển kinh tế xanh đã được hiện thực hóa. Đó là các chương trình nước sạch nông thôn, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải y tế và sinh hoạt, khai thác tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả, tích cực nghiên cứu và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, trong thực tế thời gian gần đây, tại địa phương tái diễn một số hiện tượng, hành vi không tôn trọng Luật Bảo vệ môi trường, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm dư luận bất bình. Vừa qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá tình hình khi hơn 800ha nuôi tôm biển bị thiệt hại do dịch bệnh tập trung tại địa bàn 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Ngoài nguyên nhân từ thời tiết bất thường còn xuất phát từ sự thiếu ý thức trách nhiệm của một số người nuôi tôm bị bệnh đã lén xả thải trực tiếp nguồn nước ra bên ngoài làm cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. Cũng trong tuần cuối tháng 5 vừa qua, ngành chức năng huyện Bình Đại đã bắt, xử phạt một vụ thương lái ngoài tỉnh vận chuyển trái phép hàng chục ngàn tôm thẻ chân trắng giống chưa qua kiểm dịch vào địa phương. Số tôm giống nhập lậu này đã bị tiêu hủy. Gần đây, dư luận lại xôn xao việc một số cơ sở sản xuất thạch dừa tại xã Mỹ Thạnh An, Bình Phú (TP. Bến Tre) làm ăn gian dối, sử dụng hóa chất độc hại trong qui trình lên men nước dừa, sử dụng nước sông không qua xử lý để chế biến thạch dừa. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các cơ sở chế biến sản phẩm từ dừa nói chung. Qua ý kiến người dân, vẫn còn không ít hiện tượng xả thải nước ô nhiễm ra sông của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen trong các địa bàn dân cư.
Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương phải luôn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh. Từ yêu cầu của cuộc sống và xu thế phát triển bền vững trong thế kỷ XXI đã và đang đặt ra những vấn đề phải giải quyết đồng bộ giữa bảo vệ môi trường và qui hoạch không gian sống, không gian sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải nông thôn…
Để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh, trước hết công tác tuyên truyền đi trước một bước lồng ghép trong hoạt động cộng đồng, trường học, trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Các doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia vào quá trình áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị theo mô hình sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường. Căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường và các qui định cụ thể, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những hiện tượng gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường sản xuất của người dân. Luật Bảo vệ môi trường của nước ta đã qui định nguyên tắc: Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước; bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Cùng hành động thực hiện chủ đề “Kinh tế xanh: có vai trò của bạn” nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2012 này rất cần thiết, bởi đó là sự thể hiện cam kết, trách nhiệm của cả cộng đồng vì Một Việt Nam Xanh. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định nhiệm vụ “Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”...