Nghề chiếu ở họ đạo An Hiệp

24/12/2014 - 07:33
Dệt chiếu đã trở thành nghề truyền thống. Ảnh: H. Vũ

Do không có dịp nên phải sau một thời gian khá dài, tôi mới trở lại xóm đạo An Hiệp (Châu Thành). Khác với hơn 20 năm trước, lúc còn lặn lội áo cơm ở chợ Bến Tre, tôi vẫn thường hay lên đây, khi thì giao hàng, khi thì đi thu tiền, cũng không ít khi làm công việc tiếp thị cho chính mình bằng những mặt hàng cơ khí mới xuất hiện trên thị trường với anh em thợ máy hoặc các chủ nhà máy xay lúa, máy cày, máy xới…

Ấn tượng để lại trong tôi lúc bấy giờ về xóm đạo An Hiệp là một khung cảnh quê mùa, tuy nghèo nhưng chân phương, mộc mạc. Nó mang đến cho mình cảm giác thư thái, nhẹ nhõm, thanh bình, no ấm và an tâm. Do đâu vậy? Đôi khi tôi tự hỏi và không mấy khó khăn để đưa ra lời giải đáp cho chính mình. Thôi đúng rồi… Đó chính là sự kỷ cương, trật tự hiếm thấy nơi một xóm làng cùng với nghề chiếu ở An Hiệp này đây!

Chiếu ở Bến Tre chưa bao giờ là thế mạnh truyền thống trong số nhiều nghề thủ công. Người dân Bến Tre vẫn luôn phải lệ thuộc và chờ đợi… “ghe chiếu Cà Mau đượm màu tươi thắm” để có cái mà dùng. Xưa đã vậy và nay thì vẫn vậy. Cho nên trừ làng nghề ở An Hiệp ra, sự danh tiếng của nghề chiếu đối với Bến Tre có thể nói là “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”. Bởi, Bến Tre không có vùng nguyên liệu đủ rộng khả dĩ làm nền tảng vững chắc cho nghề chiếu, nhất là khi xưa, việc giao thương còn nhiều khó khăn trắc trở. Không như bây giờ, đã có nhiều địa phương với mặt hàng nổi tiếng nhưng mang trên mình đầy những nghịch lý chỉ vì nhờ ở sự giao thông thuận lợi như muối Tây Ninh, bánh gai Hố Nai… Nói như vậy để ta thấy rõ hơn sự nổi tiếng của chiếu An Hiệp từ những năm 1960 quả là kỳ công của những người đã làm ra nó. Ở Bến Tre, xứ đạo An Hiệp không làm chiếu nữa thì coi như sự danh tiếng của manh chiếu quê nhà… chấm hết! Thật vậy, xưa nay những làng chiếu khác trong tỉnh như ở Thành Thới, Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày), Quới Sơn (Châu Thành) hay Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre)… chưa đủ sức mang lại danh giá lẫy lừng cho mặt hàng thủ công này.

Hình như nói tới nghề là nói tới sự vất vả; nói tới sự thành công của nghề là nói tới sự chăm chỉ, tảo tần. Nhưng một khi nói tới nghề thủ công thì sự đòi hỏi từ những đức tính chịu thương chịu khó, sắc sảo, tinh tế, cần cù, nhẫn nại còn lớn hơn rất nhiều. Chính vì lẽ đó nên hầu như sức mang vác của người phụ nữ trong gia đình sống bằng nghề thủ công cũng trở nên nặng nề hơn. Ở xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) quê tôi, có hai nghề thủ công truyền thống là nghề làm bánh phồng mì và bó chổi. Quan sát việc làm của bà con, đôi lúc tôi không khỏi thán phục đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ sớm hôm của những người phụ nữ.

Chỉ với củ mì, tàu cau hay cọng dừa nhỏ nhoi vậy thôi nên thật là nhiêu khê với biết bao mồ hôi và công đoạn nữa chúng mới nên trọn vẹn hình hài, ra tấm ra miếng. Nghề chiếu cũng không phải là ngoại lệ. Thế nên nói khi xưa có đến 90% gia đình ở họ đạo An Hiệp làm chiếu để góp thêm thu nhập cho gia đình thì ta cũng hiểu cho rằng cũng là có chừng ấy phụ nữ ở đây phải tảo tần hôm sớm, vất vả với cuộc mưu sinh như thế nào. Tất cả đều phải phụ thuộc, trừ chính sức lao động của người thợ! Đúng là “… công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu”. Nhưng mà để bán lấy tiền đong gạo, cho con em tới trường, tới lớp học hành, để manh chiếu thấm đượm mồ hôi người thợ kia được bay cao bay xa, có khi chu du sang tận Đài Loan, Pháp quốc… chớ đâu rỗi hơi như anh chàng mơ mộng lãng du nào đó dệt xong tấm chiếu hết mang đi rồi lại mang về để… “gối đầu mỗi đêm”!

Không hiểu sao khi thấy những người phụ nữ lam lũ với nghề thủ công để mưu sinh, tôi bỗng rung cảm đến nghẹn đắng lòng. Nhưng tôi trân quý và rất yêu thương họ. Trước những công việc tẳn mẳn ấy, tôi thấy các bà các cô bỗng đẹp hơn lên. Nghề thủ công, bất luận là nghề gì thì ngoài việc mưu sinh, hình như nó còn thêm một chức năng cao quý khác là rèn giũa và nâng cao phẩm giá con người. Qua nó, trong khi cắm cúi một mình với công việc, con người tự vấn và tự phản tỉnh mình về nhiều điều, để từ đó góp phần cải tạo bản thân, yêu thương con người và cuộc sống hơn, đồng thời biết trân trọng giá trị lao động của mình và của người khác.

Tôi vốn là người cũng từng có những thời khắc lỗi lầm, lêu lổng, tiêu pha ăn hoang xài phí. Nhưng liền ngay sau đó, về nhà, thấy vợ chong đèn bên chiếc máy may thâu đêm để rồi nhận của những người khách không phải giàu có gì những đồng tiền mồ hôi còi cọc từ cả hai phía, tôi giật mình! Hóa ra nghề thủ công còn góp phần giáo dục nhân cách con người ta nữa.

…Từ nơi nhà kho chứa đủ thứ bà rằn và cũng là nhà nguyện tạm bợ khi đoàn giáo dân mới về An Hiệp, tạm bợ đến nỗi không có lấy được cái chỗ tươm tất để ngồi tham dự Thánh lễ, Cha Nha gợi ý nhờ các bà, các cô làm cho một ít chiếu… Một ngọn đuốc quả là cần, nhưng nếu không có nó thì trong đêm đen cũng chưa hẳn đã làm cho người ta bế tắc. Chỉ một ánh chớp giữa trời lúc ấy thôi nhưng giá trị biết chừng nào! Chừng đó cũng quá đủ cho người lầm lạc định ra phương hướng mà quay về… Giáo dân xúm nhau bàn tán. Nghề thì đã sẵn trong tay nhưng khung đâu? Go đâu? Nguyên liệu đâu? Thì làm ra, thì đi tìm, đi mua về…

An Hiệp không phải là vùng đất trồng lác nhưng ở đây có cây u vu mọc hoang thấy ra có thể dệt chiếu được. Vậy là người ta mạnh dạn làm thử. Và… trời ơi, nó còn đẹp và bền chắc hơn bất cứ thứ gì dùng để làm chiếu nữa kia! Nhưng muốn có chiếu để bán không thể ngồi chờ “ăn đong” vào loại cây trời cho này được. Nó sẽ đảm nhận vai trò khác ở mai sau. Còn bây giờ…

Nhắc tới nghề chiếu ở họ đạo An Hiệp, ai cũng nhớ tới những tên tuổi nay đã quá tầm đại thọ như bà Năm Bắc, bà Bảy Đức... Người ta nhớ tới các bà cũng là hồi tưởng lại một thời vàng son của nghề; người ta nhớ tới các bà còn là dịp kể lại cho nhau nghe về những chuyến đò dọc xa xôi đầy bất trắc để mang đay, mang lác từ Sóc Trăng, Sa Đéc, Đồng Tháp về cho hàng trăm gia đình đang nôn nao chờ đợi nơi bến vắng quê nhà. Và, những manh chiếu cứ từ đó mà ra đi. Nó đã từng dọc dài đất nước đầy màu sắc rồi sang tận trời Tây. Nó đi dự triển lãm ở Sài Gòn, đi về với rộn ràng chợ búa, về tới những miền heo hút chân quê, đi vào cuộc hôn phối của đời sống lứa đôi, theo cả những người vào “nước Chúa”...

Chủ trương hợp tác hóa nhiều ngành nghề của Nhà nước ra đời, là cơ hội không gì tốt hơn để những người thợ tập hợp lại tổ chức sản xuất bài bản, khoa học và quy củ hơn: Hợp tác xã Thanh Bình hình thành. Từ đây, manh chiếu An Hiệp có được một chỗ dựa vững chắc, chiếm thế thượng phong trên bước đường khôi phục mạnh mẽ nghề truyền thống của mình. Lá chiếu An Hiệp mang thương hiệu Hợp tác xã Thanh Bình còn bay cao bay xa hơn bất kỳ thời đoạn nào trước đó. Về Hợp tác xã Thanh Bình, ta sẽ có dịp trở lại vào một dịp khác.

Đất nước mở cửa hội nhập và phát triển từ gần 30 năm qua. Rất tiếc trong sự giàu có của nhiều thị dân, lối sống sinh hoạt của họ đã vô tình khuyến dụ và ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở các vùng nông thôn - nơi mà lẽ ra người ta được thừa hưởng từ ông cha và nên tiếp tục duy trì nếp sống dân dã, gần gũi, thân thiện với môi trường thiên nhiên nhưng hết sức khoa học ấy. Càng ngày, thay vì “mở cửa”, người ta đã không ngần ngại quẳng manh chiếu đi thay bằng những thứ khác để rồi thi nhau… mở quạt điện, mở máy lạnh! Miền Nam, nơi quanh năm chịu ảnh hưởng rõ rệt của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, liệu lối sinh hoạt như vậy có thực sự phù hợp hay chỉ là sự nông nổi thời thượng? Nhưng thôi, ta không nên lạm bàn làm gì, bởi đó hoàn toàn là do sở thích cá nhân. Sự giải thích uyên bác hơn từ những nhà khoa học chắc hẳn sẽ dễ thuyết phục người ta hơn nhiều. Chỉ thấy một điều nhãn tiền là từ khi “ghẻ lạnh” với manh chiếu thì dường như những chứng bệnh tim mạch, xương khớp của người dân cứ tăng ngày một nhiều hơn lên…

Trở lại An Hiệp lần này, tôi thấy đường sá, nhà cửa khang trang hơn; lối ngõ sạch đẹp hơn với những hàng hoa sứ trắng tinh điểm xuyết trên tàn lá xanh ngút ngát. Nghề chiếu ở An Hiệp hôm nay bỗng lẻ loi, đơn độc như đứa trẻ mồ côi mồ cút ngồi khóc thút thít ở xó nhà vì thương nhớ mẹ cha. Nó như trang cổ thư bị người đời bỏ quên trong tàng kinh các… Nhưng không, tôi đã lầm! Dù chỉ còn lại khoảng trên dưới 15 hộ làm chiếu chuyên nghiệp nhưng những người thợ thì vẫn như tự hôm nào, cần mẫn và vui sống.

Dù đang bận rộn trải những bó lác ra phơi ở trước sân nhà, nhưng bà Vĩ vẫn vừa làm, vừa niềm nở chuyện trò với tôi. “Cũng tạm sống được, chú ạ. Mỗi tuần được khoảng hơn chục chiếc, trừ đi các thứ chi phí, thu nhập còn lại chừng độ vài ba trăm ngàn, cũng đủ cho gia đình cơm rau, dưa muối và ít nhu cầu khác. Nhưng đôi lúc cũng chạnh buồn chú ạ. Bọn trẻ bây giờ chả đứa nào chịu làm, chỉ bọn già sắp xuống lỗ như chúng tôi phải cạy cục thế này thôi”.

Sự hơn kém nhau trong nghề dệt chiếu thủ công chỉ là ở chi tiết cực kỳ nhỏ bé. Thay vì từng cọng lác cứ tuần tự đưa vào khung theo kiểu trái trả, gốc ngọn rồi lại gốc ngọn. Đằng này để cho bền chắc hơn, chiếu An Hiệp không dệt như vậy mà phải tuân thủ quy trình ngọn-gốc-hai ngọn-hai gốc… ở phần thân chiếu. Nó chỉ được dệt theo cách đơn giản trên kia ở hai phần đầu chiếu vốn là nơi ít được người dùng tiếp xúc hơn. Ở An Hiệp, trừ ông Phạm Hữu Mạnh là hộ duy nhất trang bị cho gia đình mình máy dệt, đến hôm nay bà Quyền, bà Vĩ và mươi người thợ còn sót lại vẫn trung thành với công việc dệt chiếu thủ công truyền thống, với công thức có phần tỉ mỉ, rườm rà ấy để gìn giữ tiếng tăm cho tấm chiếu.

Mương máng phân chia các lô nhà ở An Hiệp khi xưa bây giờ nhỏ hẹp đi rất nhiều do bị các hộ hai bên bờ lấn dần ra. Những con mương còn có thêm nhiệm vụ điều hòa không khí và dẫn nước phục vụ sinh hoạt cho giáo dân hôm nào nay đã mất vai trò. Nó như một tương phản với sự phồn vinh và thịnh vượng của xóm đạo An Hiệp hôm nay. Do không còn được dùng để ngâm đay, ngâm lác làm chiếu nữa, mà thật ra cũng chẳng còn được mấy người làm nên chẳng thấy ai bận tâm.

Không như mùa chướng, nước thường hay vượt mực đến tràn bờ, lần này tôi trở lại xóm đạo An Hiệp vào đúng mùa nam nước kiệt, nên dù ảnh hưởng chế độ bán nhật triều nhưng những con mương nay vốn đã nhỏ càng trở nên nhiêu khê, trễ tràng và uể oải đến tội nghiệp. Tôi la cà ở xóm đạo An Hiệp chơi suốt cả ngày nhưng tịnh không thấy chút  nước ra vô. Và rõ ràng sự tù đọng lưu cữu của nó nay đã nhuốm màu đen đúa…

Cái Cối, 25-11-2014

Ghi chép của Từ Phạm Hồng Hiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN