Nghề thầy

20/11/2020 - 07:10

BDK - Từ xưa đến nay, nghề giáo là công việc cao quý, được xã hội xem trọng. Vai trò của người thầy có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Là một nhà giáo dục, nhà biên khảo, nhà hoạt động văn hóa - xã hội nổi tiếng ở Việt Nam, cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) đã dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm “Nghề thầy”, lần đầu xuất bản năm 1944, chia sẻ những vấn đề về giáo dục.

Sách “Nghề thầy”.

Sách “Nghề thầy”.

Sau hơn 80 năm, đến nay, cũng trong những ngày tháng 11-2020, kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, ấn phẩm “Nghề thầy” lại một lần nữa đến với công chúng, sống lại những tâm tư, chia sẻ về nghề giáo của một nhà giáo, chưa bao giờ là lỗi thời.

Nhà giáo dục Hoàng Đạo Thúy sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông học Trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung. Sau đó, ông dạy học và tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ; là thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Sau năm 1945, ông gia nhập quân đội và lần lượt đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền đương thời cho đến khi về hưu.

Cụ Hoàng Đạo Thúy từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực nào, ông cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Ông đã viết nhiều tác phẩm về giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, những tác phẩm nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.

“Nghề thầy” do cụ Hoàng Đạo Thúy viết được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1944, chia sẻ về chuyện nghề, những điều tâm huyết với nghề giáo của chính tác giả. Với góc độ là người viết lời giới thiệu mới cho tác phẩm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nhận định: “... chong đèn lên và đọc nó trong tâm thế không rời bỏ những ngổn ngang của hiện thực và kìm nén suy tư, ta sẽ thấy những gì cụ viết trong cuốn sách, những lời tâm sự mà cụ giãi bày trong cuốn sách mỏng này vẫn còn nóng hổi”. Sơ lược cuốn sách bao gồm các vấn đề về: mục đích, mục tiêu của giáo dục, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh, các khía cạnh giáo dục toàn diện, các phương pháp, kinh nghiệm giáo dục.

Đối với mục đích của giáo dục, cụ Hoàng Đạo Thúy viết: “Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất. Trong một độ khá lâu, người ta đã chỉ trọng có mỗi một việc học, nói rằng: “đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng”. Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản thì nguy lắm”.

Ông cũng nhấn mạnh về mục tiêu giáo dục toàn diện với năm phần: Đức - đạo đức, Chí - ý chí, Thể - thể dục, sức khỏe, Trí và Công. Trong lời giới thiệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương có nhận định: trong khi tiến hành giáo dục toàn diện, cụ Hoàng Đạo Thúy đặc biệt coi trọng “Chí”. Ông viết: “Rất nhiều gia đình, nhà trường đã thất bại trong nuôi dạy trẻ thành người tử tế, rất nhiều cá nhân dù sinh ra khỏe mạnh, có tài năng nhưng trong suốt cuộc đời mình đã sống mòn, thậm chí là gây hại cho quốc gia - xã hội, gia đình vì không có chí. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có chí”.

Trong tác phẩm có phần viết dành riêng cho cha mẹ, lưu ý những điều về giáo dục con cái, tập trung vào sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với thầy giáo ở trường để giáo dưỡng đứa trẻ nên người. Cụ viết về những điều tỉ mỉ trong việc giáo dục học trò. Theo đó, chú trọng tìm kiếm, nâng niu, bồi dưỡng cho những tính tốt, ưu điểm của trò, giúp trò phát huy, phát triển. Đối với lỗi sai quấy, khuyết điểm, hạn chế thì giúp trò tự sửa chữa lấy. Ông viết: “Không một đứa bé nào tất nhiên là tốt. Không một đứa bé nào đáng bỏ đi cả… Tìm xem đứa bé có những mầm gì, mầm xấu và mầm tốt. Mầm xấu thì làm bạc tước nó đi đã đành, nhưng cách ấy chưa tốt bằng bồi bổ mầm tốt, giúp cho trẻ nó bồi bổ lấy. Vì vẫn thế, giúp cho làm lấy hơn là làm hộ”. Nhất là cần lưu ý: “Phải làm sao cho trẻ nó dự một phần hoạt động vào việc dạy giũa nó. Phải làm cách nào cho nó cảm thấy rằng cần sửa đổi và nó có thể tốt được”. Ông nêu ra những vấn đề mà người thầy cần quan tâm trong tự bồi dưỡng mình chính là: có niềm tin, có trách nhiệm, có sáng kiến và làm gương.

“Ở từng việc, cụ Hoàng Đạo Thúy đều chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp quý giá đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình. Hãy đọc những gì cụ viết, chia sẻ về những việc rất nhỏ mà ngay cả ở thế kỷ XXI này nhiều gia đình, trường học vẫn chưa làm được…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương giới thiệu.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN