 |
Chị em phụ nữ đang thực hành thêu tay. |
Nghề thêu tay phù hợp với sự cần cù, tỉ mỉ, khéo tay của đa số phụ nữ. Thời gian qua, nhiều chị em ở xã Phú Đức (Châu Thành) tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nông nhàn nhận thêu tay để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Chị Nguyễn Hồng Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức cho biết, cuối năm 2013, Hội liên hệ với Trung tâm Dạy nghề huyện mở 1 lớp dạy nghề thêu tay cho 30 phụ nữ trên địa bàn xã. Sau khi học nghề xong, khoảng tháng 7-2014, tổ thêu tay được thành lập với sự hướng dẫn của chị Trần Thị Thu Dung, sinh năm 1955, ở ấp Phú Lễ.
Với sở thích được thêu thùa may vá từ nhỏ, sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh, chị Dung đăng ký học thêu tay. Khi đã thành thạo, chị lên tận công ty may ở TP. Hồ Chí Minh nhận hàng gia công và rủ một vài chị em học chung cùng tham gia. Hiện tại, có trên 20 phụ nữ ở các xã Phú Đức, Phú Túc, Tân Phú, Quới Thành thường xuyên đến nhà chị Dung nhận hàng về nhà thêu gia công. Theo một số chị em, nghề thêu tay gia công cũng khá đơn giản, chỉ cần biết qua những mũi thêu cơ bản, có chút ít hoa tay, thực hiện chính xác theo mẫu, giao hàng đúng hẹn là có thể kiếm từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Là người rất có tâm huyết với nghề thêu tay, chị Dung cho biết: “Nghề này càng làm, tay nghề càng cao. Trước đây, có một số chị thêu chậm và hay mắc lỗi, nhưng giờ đã quen nên thêu nhanh và chính xác. Mỗi sản phẩm chị em được công ty trả từ 5 - 10 ngàn đồng. Công việc không đòi hỏi sức lao động nặng và cũng không bị thúc ép về thời gian làm việc, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Sản phẩm gia công được công ty thu gom hết, tiền công được thanh toán đều đặn hàng tháng”.
“Từ hiệu quả thiết thực của mô hình tổ thêu tay, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng, đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội hợp đồng gia công sản phẩm với những đơn vị khác nhằm tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ trong xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, chị Nguyễn Hồng Nhung cho hay.