Tổ chức tốt mô hình quản lý cộng đồng, khai thác bền vững nguồn lợi nhuyễn thể là điều kiện để được chứng nhận tiêu chuẩn MSC. Sau năm 1990, chủ trương của UBND tỉnh Bến Tre tổ chức mô hình hợp tác xã, tập đoàn quản lý, khai thác nghêu nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Năm 1997, HTX Rạng Động được củng cố thành lập mới. Cơ chế đồng quản lý được thực hiện, đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ.
Về thu hoạch, phương pháp thu hoạch thủ công, theo đó chọn lọc nghêu lớn bổ sung nghêu bố mẹ, giữ lại nghêu giống trên bãi. Hình thức phân bố lao động HTX dựa trên sản lượng ước tính và giá trị hợp đồng để xác định qui mô diện tích thu hoạch. Căn cứ định mức công điểm để huy động số lượng lao động. Còn về nguyên tắc bảo tồn, xã viên sử dụng công cụ phù hợp với kích cỡ nghêu thu hoạch, đảm bảo duy trì tỷ lệ 20% tổng sản lượng nghêu được giữ lại trên bãi.
Về tiêu thụ, năm 1997 Bến Tre có 4 HTX đi đầu trong việc áp dụng chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ do NAFIQACEN (NAFIQAD) phối hợp với Sở Thủy sản thực hiện là điều kiện để con nghêu Bến Tre được phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu và từ đó nghề nuôi nghêu của Bến Tre thật sự phát triển trở thành một trong những ngành chủ lực được ngành thủy sản tỉnh đưa vào chương trình quản lý đồng thời với chương trình phát triển cộng đồng.

Nghêu thương phẩm Bến Tre. Ảnh: PLHH
* Các vùng nuôi nghêu tại Bến Tre đang là đối tượng để Hội đồng bảo tồn Biển Quốc tế (Marine Stewardship Council) cấp chứng nhận thương hiệu MSC. Nguyên tắc chứng nhận MSC ra sao thưa phó giám đốc?
- Công ty tư vấn Moody Marine đã đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản:
1. Không gây ra tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt cho quần thể đối tượng khai thác, và với quần thể bị cạn kiệt, nghề cá phải được tiến hành theo cách thức hướng tới sự khôi phục của quần thể đó.
2. Khai thác phải đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và sự đa dạng hóa của hệ sinh thái.
3. Nghề cá phải được đặt trong một hệ thống quản lý hiệu quả, tôn trọng pháp luật và tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia và quốc tế, có một khuôn khổ về thể chế và hoạt động chặt chẽ đòi hỏi phải sử dụng nguồn lợi một cách có trách nhiệm và bền vững.
Hiện nay, việc xét cấp chứng nhận thương hiệu MSC cho các vùng nuôi nghêu tại Bến Tre đang ở vào giai đoạn cuối (phản biện).
* Những bài học kinh nghiệm cần rút ra, thưa bà?
- Cần phải có quá trình và sự nỗ lực phối hợp tập trung của Đảng bộ, nhà nước, ngành thủy sản, các ngành chức năng và cộng đồng ngư dân để thực hiện chương trình phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bến Tre. Trên cơ sở phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên cần có chính sách tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng kiểu mới theo cơ chế đồng quản lý có sự đồng thuận của người dân và phù hợp với luật pháp của nhà nước. Áp dụng chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ nhằm đảm bảo tiêu chí an toàn về vệ sinh chất lượng sản phẩm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển.
Về bảo vệ nguồn lợi con nghêu, phải khai thác đúng qui mô, địa điểm, mùa vụ, kích cỡ và tỷ lệ cho phép để duy trì và phát triển sản lượng đàn nghêu bố mẹ và nghêu giống. Đầu tư quan trắc môi trường và kiểm soát dịch bệnh để dự báo và cảnh báo thời điểm thu hoạch, san thưa, di dời nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại cho đàn nghêu. Vận động phát triển hệ sinh cảnh và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo vệ môi trường sống của giống loài và các đối tượng thủy sinh khác. Giáo dục và phát triển văn hóa cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục văn hóa truyền thống, văn hóa du lịch, xây dựng nếp sống văn minh cộng đồng và đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn…tạo tiền đề để thu hút đầu tư phát triển mọi mặt của địa phương.
* Theo bà, cần có thêm giải pháp nào khả dĩ giúp các vùng nuôi nghêu phát triển bền vững?
- Hình thành liên minh HTX nuôi nghêu của tỉnh để các HTX trong tỉnh có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển (giống, vốn, nguồn nhân lực,…) phối hợp bảo vệ an ninh vùng nuôi và vùng biển trong khu vực HTX quản lý.
Nhà nước đã có chính sách giao thêm đất có thời hạn sử dụng lâu dài và không thu thuế cho các HTX nuôi nghêu theo mô hình đồng quản lý…
Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, bảo tồn để phát triển nguồn nghêu giống và nghêu bố mẹ.
Cần củng cố phát triển và nhân rộng mô hình quản lý của HTX Rạng Đông (Thới Thuận, Bình Đại) cho các HTX hoạt động còn yếu trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng mô hình thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ để các HTX có thể hỗ trợ giải quyết chuyển nghề cho các hộ ngư dân đang hoạt động khai thác ven biển, khu vực cửa sông bằng ngư cụ bị cấm sử dụng (mang tính chất hủy diệt nguồn lợi).
Đẩy mạnh việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào các lĩnh vực sinh sản nghêu giống, công nghệ làm sạch nghêu, quan trắc môi trường, chăm sóc phòng trừ bệnh nghêu, công nghệ nuôi kết hợp với các đối tượng kinh tế.
Xây dựng chương trình quản lý và quảng bá chứng nhận MSC cho nghêu dựa trên cơ sở tổ chức đồng quản lý đã được hình thành tại các HTX nuôi nghêu tại Bến Tre. Mô hình này sẽ được đúc kết và nhân rộng ra cho tất cả các cộng đồng quản lý, khai thác thủy sản trong tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận nhằm đảm bảo phát triển bền vững...
* Sở NN&PTNT, Bà có kiến nghị gì thưa bà?
- Chính phủ cần có cơ chế chính sách giao đất cho cộng đồng khai thác quản lý nuôi nghêu theo mô hình HTX. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn cho các vùng nuôi nghêu. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện cho lao động chuyển nghề khai thác thủy sản bị cấm sang nuôi nghêu. Hiệp hội thủy sản cần có chính sách hỗ trợ hoạt động gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên Liên hiệp HTX. Vận động các tổ chức quốc tế kiểm tra chứng nhận thương hiệu cho các vùng nuôi bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm khuyến khích và bảo vệ quyền lợi cho người nuôi. Hỗ trợ thiết lập hệ thống thông tin quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh. Thông tin về kinh tế thị trường và các tiêu chuẩn môi trường và chất lượng sản phẩm. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các ban quản lý các HTX và nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua các chương trình mục tiêu phát triển bền vững.