Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ

12/02/2012 - 17:17

Quá trình phát triển của cách mạng đã hình thành và ngày càng khẳng định qui luật khách quan: khi cách mạng chuyển giai đoạn thì đường lối, nhiệm vụ chính trị có những đổi mới. Cán bộ, đảng viên là người tiên phong tuyên truyền và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Do vậy, cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thì tất yếu phải đổi mới, kiện toàn đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) của Đảng nêu: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12 - gọi tắt là NQTW 4) đặt ra 3 nội dung cần giải quyết cấp bách đều liên quan đến công tác cán bộ. Đó là vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; công tác qui hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ còn hụt hẫng, bất cập và mối quan hệ giữa cá nhân cán bộ là người đứng đầu và tập thể lãnh đạo chưa rõ ràng về mặt cơ chế, do vậy có lúc, có nơi rơi vào hình thức, không phát huy hiệu quả.

Việc chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác cán bộ của Đảng nói riêng qua nội dung NQ TW4 được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, khắc phục những hạn chế yếu kém trong thời gian qua. Tinh thần quyết liệt đó khẳng định tính chiến đấu của Đảng, kịp thời đả phá những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời tạo môi trường chính trị rộng rãi để các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

Đảng ta đã xác định công tác cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến năng lực, bản lĩnh của người làm cán bộ, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Cán bộ, đảng viên muốn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì trước hết phải tu dưỡng, học tập để đủ cả đức và tài của người làm cách mạng. Những tiêu chuẩn mà bất kỳ cán bộ, đảng viên nào cũng phải phấn đấu suốt đời là vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với nhân dân.         

Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, việc rèn luyện của cán bộ, đảng viên tại một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên và chưa đi vào thực chất; công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc mang tính hình thức dẫn đến có cán bộ mắc khuyết điểm không được góp ý, phê bình, sửa chữa kịp thời để dẫn đến sai phạm kéo dài và bị kỷ luật. Việc vi phạm nguyên tắc tài chính, suy thoái về đạo đức lối sống có nguyên nhân từ cả năng lực chuyên môn, quản lý và sự tác động, “gặm nhấm” của chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Vấn nạn “chạy” vì quyền lợi cá nhân trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ được quan tâm vào diện “cơ cấu” chưa có chế tài xử lý nghiêm minh. Chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy bằng cấp, thậm chí chạy cả thành tích… và tạo nên một lối sống giả tạo, hình thức, làm thui chột động lực phấn đấu của nhiều cán bộ đi bằng con đường học thực chất, làm thực chất và dũng cảm bảo vệ cái đúng. Đó là chưa kể đến mối nguy hại của kiểu cán bộ có chức, có quyền nhưng năng lực, phẩm chất không tương xứng vì kèn cựa địa vị, quyền lợi, vì lợi ích cục bộ mà đè nén người ngay thẳng, dám đấu tranh. Vấn đề đặt ra là cán bộ đứng đầu không nêu gương, không trong sáng thì làm sao cấp dưới nể phục, toàn tâm toàn ý với công việc. Uy tín của cán bộ, cơ quan, đơn vị vì vậy mà giảm dần. Đáng lo ngại nhất là ở những nơi hiện tượng này kéo dài, trì trệ. Tại Bến Tre, trong cuộc gặp mặt đầu năm giữa lãnh đạo tỉnh và đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, có đại biểu đã nêu lên một vấn đề nhiều trí thức trăn trở: trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều gương điển hình tại địa phương được phản ánh trên báo, đài đa số là người lao động trực tiếp (nông dân sản xuất giỏi, kỹ sư có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, người cựu chiến binh vận động xây nhà tình nghĩa, gây quỹ khuyến học, khuyến tài…), ít có cán bộ lãnh đạo đương chức được nêu gương.

NQTW 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhấn mạnh: để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, trước hết cần phải thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đổi mới công tác cán bộ, thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, đổi mới tư duy, cách làm về công tác cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tinh thần đổi mới công tác cán bộ tại Bến Tre đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực địa phương đến năm 2020. Qui hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020 nêu những giải pháp quan trọng, quyết liệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể là: tất cả các sở, ngành cấp tỉnh phải có chuyên gia có khả năng hoạch định chính sách, 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã phải đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, từ trung cấp trở lên, đồng thời 100% phải được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và thái độ làm việc phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm.

Trong những ngày đầu xuân 2012, cán bộ, trí thức, giáo viên địa phương  đón chào Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về việc thông qua chính sách trợ cấp kinh phí đào tạo và thu hút người có trình độ, năng lực tốt về công tác ở địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, tiến sĩ các địa phương về tỉnh làm việc trong một số ngành nghề cần thu hút được hưởng trợ cấp một lần 300 triệu đồng; thạc sĩ được trợ cấp 100 triệu đồng.  Cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương được cử đi học tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa sẽ được hưởng mức trợ cấp tương ứng trình độ được đào tạo, khoảng từ 50 - 100 triệu đồng. Nhiều Đề án về đào tạo cán bộ tại địa phương đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện với tinh thần đổi mới thực chất công tác cán bộ, khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ thời gian vừa qua. Tinh thần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đang thể hiện sinh động trong quá trình đẩy mạnh việc triển khai đề án đào tạo 50 tiến sĩ, thạc sĩ giai đoạn 2009-2015; triển khai chương trình đào tạo 300 - 500 cán bộ làm công tác bí thư, chủ tịch xã, phường, thị trấn; tuyển chọn trí thức trẻ đưa về làm phó chủ tịch UBND một số xã nghèo… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy lãnh đạo, quản lý, nêu cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu. Đó là các giải pháp: tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phát huy tối đa vai trò phản biện xã hội của các thành viên Mặt trận Tổ quốc, khảo sát và đánh giá chỉ số hài lòng của nhân dân trong mối quan hệ với cơ quan, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Có như vậy, công tác cán bộ mới được đổi mới toàn diện, thực chất và phát huy hiệu quả trong thực tiễn theo tinh thần NQTW 4 của Đảng.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN