Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI - NQTW 4) của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ngay từ khi ra đời đã mang đến cho đời sống chính trị của đất nước, trong Đảng và trong xã hội nguồn sinh khí mới, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn để toàn Đảng, toàn dân cùng đóng góp xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Điều này có ý nghĩa sâu sắc, có lợi cho Đảng, cho nước, cho dân, nhất là trong thời kỳ cả nước một lòng quyết tâm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Đảng ta là Đảng của dân tộc và nhân dân, đảng viên là những quần chúng ưu tú được Đảng bồi dưỡng và kết nạp. Qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta ngày càng mạnh, đất nước chuyển mình đi lên, gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Đất nước đạt được thế và lực như trên trước hết bắt nguồn từ sức mạnh ý Đảng, lòng dân hòa hợp. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tồn tại dai dẳng nhiều năm hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không nêu gương trước quần chúng, vì bị chủ nghĩa cá nhân chi phối là đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Người đã dặn dò “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sách chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng… Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”.
Quần chúng nhân dân đã từng nuôi giấu cán bộ, đảng viên xuyên suốt hai cuộc kháng chiến vệ quốc, chống lại những thế lực thực dân, đế quốc có tiềm lực quân sự lớn nhất, nhì thế giới. Nhờ thế trận lòng dân, nhờ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân mà Đảng vượt qua bao thác ghềnh, lãnh đạo toàn dân tộc hợp lực, phát huy sức mạnh đoàn kết để chiến thắng kẻ thù mạnh nhưng phi nghĩa, để khẳng định tính chất Đảng ta là Đảng chân chính, đại diện cho nước, cho dân trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, vững vàng đi lên xây dựng đất nước trong thế trận mới, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, vận động đi lên của cả đất nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên vì hạn chế nhận thức về bản chất giai cấp, về mối quan hệ giữa Đảng và dân đã lơ là việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng. Có người vì chạy theo lối sống thực dụng, kèn cựa địa vị mà xa dân. Có người lạm dụng quyền hạn, chức vụ mà tham nhũng, “làm khó” dân để nhận hối lộ. Lại có cả lớp cán bộ trung gian để chạy chức, chạy thành tích, chạy tội. Chính những cá nhân cán bộ có chức, có quyền đó làm giảm lòng tin của nhân dân và sức chiến đấu của Đảng. Quần chúng là tai, mắt của Đảng. Những thông tin do người dân, quần chúng phản ánh, cung cấp giúp nhiều tổ chức cơ sở Đảng phát hiện và xử lý nhiều cán bộ sai phạm, nhất là tại tổ chức Đảng cơ sở.
Những hiện tượng làm giảm uy tín của Đảng, làm dân buồn phiền nêu trên được Trung ương Đảng thẳng thắn chỉ rõ trong NQ TW 4 lần này. Nguyên nhân thì có nhiều như sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, còn thiếu và chưa đồng bộ các chính sách cũng như cơ chế ngăn ngừa, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm… Song nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên. Cán bộ, đảng viên có hiện tượng quan liêu, xa dân, bệnh thành tích, bệnh danh lợi, bệnh lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, trong 7 giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng, NQ TW 4 nhấn mạnh giải pháp: định kỳ tổ chức nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Hiện nay, cùng với việc học tập, triển khai NQTW 4, toàn Đảng, toàn dân sôi nổi thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị. Tư tưởng, đạo đức của Người về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước là những giá trị, cẩm nang cần được quán triệt và làm theo trong tình hình hiện nay. Trước hết, về mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc - tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất, cao nhất của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích thấu đáo: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất, chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Hơn 80 năm qua kể từ khi phong trào yêu nước của dân tộc có Đảng dẫn đường, sự nghiệp cách mạng của cả nước đã đạt được nhiều thành quả vĩ đại, được mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng đi theo con đường mà Đảng, dân tộc, toàn dân đã lựa chọn. Các đoàn thể chính trị - xã hội trong Mặt trận và liên minh công, nông, trí là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Vì vậy, đã từ lâu, phương châm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Việc nước, việc Đảng nhất là những việc liên quan đến quốc gia đại sự rất cần được người dân quan tâm, bàn bạc, đồng thuận và thực hiện. Phát huy tiếng nói, trí tuệ, nhiệt tâm và vai trò giám sát của mọi tầng lớp nhân dân cần có qui trình, diễn đàn và cách thể hiện theo qui định của pháp luật. Đảng của nhân dân tất yếu cần được nhân dân đóng góp. Tinh thần đó đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn qui chế dân chủ ở cơ sở và pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.