Ngày 10-3-2010, Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh do ông Trương Minh Nhựt làm chủ tịch hội đồng đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy lột vỏ trái dừa khô”. Đề tài do Sở Công thương chủ trì, thực hiện trong thời gian 12 tháng với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và công nghệ.
Mục tiêu của đề tài là cơ giới hóa trong khâu lột vỏ dừa nhằm khắc phục được công nghệ lột vỏ bằng thủ công đã tồn tại lâu đời với năng suất thấp, thiếu chủ động trong sản xuất, dễ gây tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Để đạt được mục tiêu trên, nhóm thực hiện đã tiến hành một số nội dung nghiên cứu như: khảo sát thực trạng hoạt động sơ chế dừa; khảo nghiệm để xác định một số thông số cơ bản của trái dừa; khảo nghiệm một số nguyên lý tách vỏ khả thi nhất…. Qua đó, nhóm thực hiện cũng đã chế tạo 3 thiết bị với 3 nguyên lý lột vỏ dừa khác nhau để khảo nghiệm: công nghệ tách múi, công nghệ tách bằng bánh xe răng quay và công nghệ tách bung một lần. Trong 3 công nghệ trên, công nghệ tách bung một lần đạt hiệu quả và phù hợp thực tiễn nhất, được nhóm thực hiện đề tài chọn để thiết kế máy. Máy được thiết kế có khung hình chữ C, sử dụng động cơ điện công suất 2 Hp, năng suất khoảng 360 trái/giờ, kích thước máy gọn, nhẹ, có bánh xe và tay đẩy, kéo, có khả năng di chuyển, kết cấu bền, chắc, ít gây hư hỏng, dễ vận hành, đáp ứng được tất cả các hình dạng và kích thước trái dừa hiện nay ….
Quy trình thao tác đơn giản, sau khi khởi động, gạt cần điều khiển về vị trí nạp liệu, sau đó đặt trái dừa vào vị trí, gạt cần điều khiển về vị trí làm việc. Lúc này đĩa định vị mang trái dừa từ từ đi lên chạm vào đỉnh cụm dao, cụm dao thực hiện động tác tách vỏ, gạt cần điều khiển về vị trí ban đầu, dùng tay tách lấy ruột và vỏ ra khỏi máy. Vỏ sau khi lột có dạng nguyên của một trái, không tách rời từng mảnh. Theo kết quả thử nghiệm, tổng chi phí giá thành khoảng 42,8 đ/trái dừa và giá thiết bị khoảng 15 triệu đồng/thiết bị.
Thông qua kết quả thực hiện đề tài, đa số các thành viên trong hội đồng đều đánh giá cao và cho rằng nhóm thực hiện có bám sát mục tiêu đề ra. Sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giá thành thấp, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có hiệu quả trong xã hội, đồng thời góp phần cho sự phát triển ngành dừa của địa phương.