Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất và ương nghêu giống nhân tạo

01/11/2012 - 15:55
Kiểm tra độ lớn cua giống nuôi trên vùng cao triều ở Trại Cadet (Bình Đại).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng khan hiếm nghêu giống ngày càng diễn ra gay gắt hơn bởi nhu cầu nghêu giống thả nuôi ngày càng lớn. Mỗi năm, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tới hàng tỷ con giống.

Bến Tre là tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn nhất khu vực, với trên 3.000ha nhưng lượng giống khai thác trong tự nhiên cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu. Mặt khác, nghề nuôi nghêu Bến Tre đang gặp trở ngại là nguồn giống thả nuôi hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khai thác tự nhiên, không ổn định về số lượng.

Từ thực trạng trên, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre đã tiếp nhận Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất nghêu giống từ Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung Bộ, từ tháng 11-2010. Mục tiêu của Dự án là chuyển giao qui trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo nghêu Bến Tre, góp phần chủ động con giống tại chỗ, tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Để triển khai Dự án, Trung tâm đã cải tạo và cho nghêu đẻ nhân tạo ở Trại Thới Thuận. Từ việc đầu tư cải tạo hệ thống ao xử lý trại Thới Thuận, Trung tâm Giống nông nghiệp đã xử lý vệ sinh, nước xung quanh trại và dụng cụ sản xuất. Sau đó, bắt đầu tuyển chọn nghêu bố mẹ, chọn nghêu có kích cỡ từ 40-50 con/kg, nghêu có thành thục sinh dục. Kích thích sinh sản bằng 3 phương pháp như phơi khô trong bóng mát 12 giờ, tạo khoảng lệch nhiệt từ 4-7oC trong 40-60 phút, tăng độ mặn lên 15 phần ngàn, sau đó hạ xuống 15 phần ngàn trong thời gian 30 phút. Ương ấu trùng sống trôi nổi với các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp như nhiệt độ dao động trong khoảng 22-31oC, oxy hòa tan dao động khoảng từ 3 - 5 mg/l, độ mặn dao động từ 10-30 phần ngàn, pH dao động khoảng 7.5 đến 8.5. Cho nghêu bố mẹ sinh sản sau khi kích thích từ 8-12 giờ bắt đầu cho đẻ trong bể có thể tích 4m3. Nghêu sinh sản trong sau 1,5 - 3 giờ, 12 giờ sau khi nghêu sinh sản thu ấu trùng và chuyển sang bể ương với mật độ 20 con/ml. Mỗi ngày cho ăn 2 lần, thức ăn là tảo Nanochlopsis và tảo Chaetocerossp với lượng thức ăn duy trì mật độ 100.000 tế bào tảo/ml. Khoảng 6 - 8 ngày chuyển sang giai đoạn sống đáy với nhiệt độ khoảng 22-31oC, độ mặn khoảng 10 - 30 phần ngàn, pH khoảng 7.5-8.5. Chăm sóc và quản lý, từ ngày thứ 1 - 10 thay nước 2 ngày/lần, mỗi lần thay 70%. Từ ngày thứ 11 trở đi, thay nước hàng ngày, lượng nước thay 100%. Nước cấp vào bể ương phải qua lưới lọc, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường.

Giai đoạn II là ương trên vùng cao triều ở Trại Cadet. Chuẩn bị ao ương, với diện tích khoảng 320m2, vệ sinh chung quanh ao, hút bùn đáy ao, lót bạt, rải cát, bơm nước vào ao qua lưới lọc. Thả giống, giống nhận từ trại thủy sản Thới Thuận, mật độ thả khoảng 40.000 con/m2, kích cỡ giống khi thả khoảng 3.000.000 con/kg và rải đều khắp ao. Duy trì các yếu tố môi trường thích hợp cho nghêu sinh trưởng và phát triển.

Theo đánh giá của KS. Châu Hữu Trị - Chủ nhiệm đề tài, hiện Trung tâm Giống nông nghiệp đang từng bước chủ động công nghệ sản xuất nghêu giống. Qua 11 tháng triển khai, đề tài đã thực hiện 5 đợt sản xuất với 52 triệu nghêu cám cỡ 3 triệu con/kg. Trong đó, đã xuất bán 38,5 triệu con, chuyển lên ương vùng cao triều ở Trại Cadet 13,5 triệu con. Ương trên vùng cao triều thu được 5,1 triệu con khoảng 400.000 - 600.000 con/kg, tỷ lệ sống hơn 42%. Tuy nhiên, sản xuất nghêu giống nhân tạo còn phụ thuộc vào nguồn bố mẹ nên còn mang tính thời vụ. Cần tiếp tục nghiên cứu qui trình nuôi vỗ nghêu bố mẹ, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị cho trại tập trung chuyên sản xuất nghêu giống.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN