Từ đầu năm đến nay, lợi nhuận đánh bắt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng ngư dân vẫn có lãi, đảm bảo việc hoàn vốn vay ngân hàng và nâng dần đời sống kinh tế hộ.
Ở xã An Thủy (Ba Tri), cuộc sống của phần lớn người dân phụ thuộc vào nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã có 947 chiếc tàu đánh bắt, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 590 chiếc. Ông Đào Văn Thảng (ấp 6) cho biết, ông đến với nghề đánh bắt hơn 10 năm, với 4 ghe lưới đèn. Ông thuê 17 lao động thường xuyên đánh bắt trên biển Đông, cách đất liền khoảng 200 hải lý. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài trung bình 20 ngày. Thời điểm thả lưới đánh bắt vào ban đêm, không trăng, đốt đèn tạo ánh sáng để cá gom lại. Bạn tham gia đánh bắt phụ thuộc vào hiệu quả của từng chuyến ra khơi. Sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại chủ tàu và người lao động thỏa thuận ăn chia 50: 50.
Ông Võ Văn Đông (ấp An Thuận) có 2 cặp ghe cào đôi, có 15 bạn cùng ra khơi. Mỗi chuyến đánh bắt kéo dài từ 40 - 50 ngày. Từ đầu năm 2012 đến nay, sản lượng đánh bắt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, giá bán sản phẩm không tăng, chi phí đầu vào tăng, làm giảm lợi nhuận. Để khắc phục khó khăn, ông Đông đã sớm nghĩ đến việc thuê 1 phương tiện, cứ 15 ngày từ đất liền chở các nhu yếu phẩm cần thiết ra bổ sung cho tàu đánh bắt và thu gom sản phẩm đánh bắt về đất liền. Với cách làm này, sản phẩm đánh bắt tươi nên bán được giá. Thời gian các tàu bám biển được kéo dài, giảm một phần chi phí.
Ông Trần Nguyên Phấn - Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, đánh bắt đã trở thành nghề truyền thống, được nhân dân An Thủy tiếp nối qua nhiều thế hệ. Từ đầu năm đến nay, sản phẩm đánh bắt của ngư dân bán giá không cao, trong khi đó giá cả nhiên liệu cũng như các chi phí đầu vào khác đều tăng, làm giảm lợi nhuận đối với chủ tàu và thu nhập của người lao động. Nhưng nhiều hộ ngư dân vẫn bám biển, đầu tư chi phí cải hoán tàu, nâng công suất máy. Dù có khó khăn trong nghề, từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 9 tàu được đóng mới, nâng số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ ngày càng tăng. Mô hình Tổ đội liên kết đánh bắt được nhân rộng.
Ông Phấn cho biết thêm, Cảng cá Ba Tri hiện đã quá tải, gây khó khăn cho các tàu cập bến. Làng nghề sản xuất cá khô Tiệm Tôm từng bước đi vào hoạt động ổn định, nhưng gây ô nhiễm môi trường, do các hộ sản xuất cá khô đan xen trong khu dân cư. Nghiệp đoàn Nghề cá của xã đã được thành lập, nhưng chưa thu hút ngư dân gia nhập. Xã đang kiến nghị cần có một nhà máy chế biến để tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động, khu vực sản xuất biệt lập dành riêng cho làng nghề và giá cả xăng dầu cần được ổn định.
Những năm gần đây, số phương tiện đánh bắt tăng, chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Để tiếp tục bám biển, tôi phải vay vốn ngân hàng cộng với tiền tích lũy, đầu tư cải hoán phương tiện, tăng công suất máy để đánh bắt ở những nơi xa đất liền.
(Ông Đào Văn Thắng - ấp 6, xã An Thủy). |