Người có công giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động

03/03/2013 - 16:44

Với đặc điểm tiện lợi, độ bền lâu, giỏ nhựa đang dần chiếm thị trường, thay thế những chiếc giỏ tre truyền thống. Nghề đan giỏ nhựa đã được rất nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Với 15 năm trong nghề, chị Nghi Thị Ngọc Thu, chủ cơ sở dạy nghề và đan giỏ nhựa ấp Tân Quới Ngoại, xã Tân Thạch (Châu Thành) đã kiên trì tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm để duy trì nghề này.

Từ bài tập thủ công

Chị kể, trước đây, chị từng là một cô thợ may, rồi cái nghề đan giỏ nhựa đến với chị trong một lần chị giúp đứa con gái nhỏ làm bài tập thủ công là cắt dán chiếc giỏ bằng giấy. Chị nảy sinh ý định đan thử chiếc giỏ nhựa nhỏ để có thể sử dụng cho việc đi chợ hàng ngày. Thế là, chị tìm mua dây nhựa về đan thử, cho ra đời sản phẩm đầu tiên. Thấy chiếc giỏ rất tiện lợi và xài rất bền, chị nảy sinh ý định đan giỏ để bán. Ban đầu, chị đan vài ba cái rồi đi chào hàng, khách hàng đầu tiên của chị là những người quen, chuyên mua bán trái cây trong các lò nhãn sấy ở xã. Để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, chị đi đến một số cửa hàng trong tỉnh và lặn lội xuống một số vựa trái cây ở huyện Chợ Lách để giới thiệu sản phẩm. Ban đầu khách hàng cũng ngần ngại chưa dám mua nhiều, nhưng sau đó mọi người thấy sự tiện lợi của chiếc giỏ nhựa nên đã đặt mua rất nhiều. Cứ như thế, tiếng lành đồn xa, số lượng giỏ đặt ngày càng tăng dần. Chị Thu bàn với chồng quyết định kế hoạch mới, gầy dựng cơ sở đan giỏ nhựa. Hiện tại, mặt hàng giỏ nhựa ở cơ sở của chị không những được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được bày bán ở một số cửa hàng ngoài tỉnh, như: Tiền Giang, Vĩnh Long. Trung bình, hàng tháng cơ sở của chị Thu làm ra khoảng 2 - 3 ngàn chiếc giỏ nhựa với đủ loại kích cỡ khác nhau.

Dạy nghề và giải quyết việc làm

Nhận thấy trong ấp đang có nhiều người không có việc làm, chị Thu tập hợp chị em phụ nữ để đan gia công kiếm thêm thu nhập. Ban đầu, chị hướng dẫn theo từng công đoạn đo dây, làm đáy, làm quai… nhưng nếu ai muốn học nghề một cách thuần thục thì chị cũng sẵn lòng chỉ hết chứ không giấu nghề. Trong số những người làm gia công và học nghề ở cơ sở của chị đã có một vài người đã tự mở cơ sở gia công cho riêng mình. Hiện tại, cơ sở đan giỏ của chị Thu đang giải quyết cho khoảng 100 lao động cả nam lẫn nữ ở một số xã của huyện Châu Thành, Bình Đại, TP. Bến Tre. Đa số lao động là hộ nghèo, nhàn rỗi, với tiền công từ năm ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng cho một chiếc giỏ nhựa, mỗi người lao động hàng tháng cũng kiếm thêm được từ vài trăm đến vài ba triệu đồng. Được chị Thu dạy nghề và tạo việc làm, nhiều hộ đã cải thiện cuộc sống gia đình. Điển hình như chị Phạm Thị Huệ, gia đình chị thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, từ ngày học và lãnh đan giỏ gia công ở chỗ chị Thu, thu nhập gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước. Còn chị Trần Thị Thu Thảo chia sẻ, chồng chị làm thợ hồ, con gái đi làm công nhân ở Khu công nghiệp, cuộc sống cũng tương đối ổn định. Chị không đi làm, chỉ ở nhà cơm nước cho chồng con nên tận dụng thời gian rảnh, chị đến chỗ chị Thu học nghề và lãnh dây nhựa về nhà đan giỏ để kiếm thêm thu nhập. Với chị, “nghề đan giỏ nhựa không khó, chỉ cần kiên trì, chịu khó, không cần bỏ vốn, chỉ tốn công”.

Ngoài việc dạy nghề tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, chị Thu còn tìm đến các trại giam để dạy nghề miễn phí cho các phạm nhân. Chị Thu cho biết, hiện tại cơ sở đan giỏ của chị cũng đang rất cần thêm nhiều nhân công nên chị cũng muốn tạo việc làm cho những người thuộc đối tượng trên để sau này khi họ tái hòa nhập với cộng đồng cũng có cái nghề mà tự lo cho cuộc sống.

Hiền Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích