Người con dâu hiếu thảo

29/09/2013 - 16:29
Chị Đẹt bế cụ Biểu đi vệ sinh.

Quan tâm chăm sóc, thương yêu đấng sinh thành không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi mà cuộc sống luôn hối hả, kéo con người theo dòng chảy của công việc thì việc làm này đã trở nên hiếm và rất ít người làm được.

Ở tuổi 91, cụ bà Nguyễn Thị Biểu - xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc) không còn khả năng tự chăm sóc. Mọi sinh hoạt cá nhân bà đều nhờ vào cô con dâu út. Nhiều người truyền tai nhau về sự hiếu thảo của chị. Chúng tôi theo chân anh cán bộ xã đến thăm gia đình chị.

Cơn mưa bay của buổi chiều tà làm cho con đường quê dẫn vào nhà chị sao mà buồn đến lạ. Trước mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ nằm sâu dưới những hàng cây xanh. Điều làm cho mọi người trong đoàn không khỏi ngạc nhiên là hình ảnh chị Đẹt, hình ảnh vừa quen vừa lạ về người phụ nữ Việt Nam tảo tần hôm sớm. Đang loay hoay vệ sinh cá nhân cho bà cụ, đột nhiên chị lại bế xốc bà lên. Chị  bảo “bế bà lên cho không khí lọt vào phía dưới lưng để không làm cho da bị hoại tử”. Dáng người không to cao nhưng bằng đôi bàn tay rắn rỏi, bằng cái tâm của người con dâu hiếu thảo, mỗi ngày chị Đẹt vẫn có thể ẵm, bồng người mẹ chồng thân yêu của mình một cách thật nhẹ nhàng.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc chị chuẩn bị bữa cơm chiều cho cụ Biểu. Vừa cho bà ăn, chị vừa kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Chị sinh năm 1966, trên quê hương Phước Mỹ Trung, trong một gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn. Như bao phụ nữ khác, chị lập gia đình ở tuổi 18, đôi mươi. Về làm dâu trên vùng đất Phú Sơn (Chợ Lách), nay là xã Phú Mỹ, chị đã thể hiện hết vai trò của một người vợ, người dâu hiếu thảo. Gia đình nhà chồng cũng không giàu có gì, lại không đất đai canh tác. Ông bà xưa thường nói “giàu út ăn, khó út chịu”, vậy là “út nghèo” phải cật lực làm việc mới mong có thể lo cho gia đình có đến 7 thành viên. Không nghề nghiệp, không vốn liếng, anh chị đã phải làm đủ mọi nghề. Từ cày mướn, cấy lúa thuê đến bồi vườn, làm cỏ cam, chuyện gì anh chị cũng làm miễn có tiền để trang trải chi phí và lo cho cha mẹ, con cái. Dẫu biết rằng còn lắm khó khăn, vất vả nhưng cuộc sống anh chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười bởi sự đồng thuận, cùng chia sẻ vui buồn của đôi vợ chồng trẻ. “Có những hôm chị phải dậy từ 2, 3 giờ sáng tranh thủ làm cơm nước để nhà cho ông bà rồi lội bộ xuống tận Chợ Xếp cấy mướn cho người ta. Cực mấy chị cũng thấy vui vì gia đình chị luôn có tiếng cười của ba thế hệ”, chị Đẹt tâm sự.

Nhưng sự đời ít ai lường trước chữ ngờ, cuộc sống gia đình đang yên ấm thì bỗng ba chồng chị bị ung thư. “Lúc đó, ba đứa con chị đang đi học, mẹ thì già yếu, anh thì phải đi làm mới có thể lo được cho gia đình. Vậy là chị lại phải ở nhà vừa làm công việc nhà, vừa chăm sóc cha chồng”, chị Đẹt buồn bã kể. Ba chồng chị mất sau đó ba năm. Chồng chị đột nhiên đau đầu dữ dội và thường hay mệt, bác sĩ cho biết chồng chị bị bệnh tim nặng, không còn khả năng lao động. Đến lúc này, chị phải vừa làm vai trò người nội trợ phải vừa đảm nhiệm luôn vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình. Mọi chuyện cứ tưởng vậy đã xong nhưng cách đây khoảng 5 tháng, mẹ chồng chị té ngã và không còn khả năng đi lại được nữa, mọi sinh hoạt đều nhờ vào chị. Nhìn cử chỉ chăm chút, đôi bàn tay chai sần vì công việc đồng áng của chị đút cho cụ Biểu từng muỗng cơm, trong lòng chúng tôi tự nhiên dâng lên niềm cảm phục. Chị kể, có những đêm đau nhức, cụ không ngủ được, vậy là chị cũng phải thức theo. Mỗi ngày của chị được bắt đầu từ 4 giờ sáng, với công việc giặt giũ, vệ sinh cá nhân và chăm sóc mẹ chồng để tranh thủ những lúc rảnh rỗi, nhận lá về chằm kiếm thêm thu nhập. Như để xua đi nỗi vất vả của mình, chị Đẹt nói vui: “Nhờ trời thương không bệnh hoạn gì, chứ chị mà có bề gì, mẹ chị không biết ai lo”. Câu nói bình dị nhưng trong ấy chứa đựng nhiều tình cảm cùng với sự gương mẫu của một người con dâu hiếu thảo.

Bài, ảnh: Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN