Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

02/02/2020 - 21:34

BDK - Bà Nguyễn Thị Ấm (Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp đòi tiền vay. Xin hỏi, tôi muốn ủy quyền cho ông N.V.Danh làm đại diện cho tôi tham gia tố tụng được không? Nếu được, thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) trả lời như sau:

- Khoản 1, Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015 quy định: “Người đại diện trong TTDS bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự - BLDS”.

Theo quy định tại Điều 138 BLDS 2015 về căn cứ xác lập quyền đại diện thì cá nhân, pháp nhân (bên đại diện) nhân danh và vì lợi ích của một cá nhân, pháp nhân khác (bên được đại diện) tiến hành xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự thông qua việc ủy quyền hợp pháp.

Người đại diện theo ủy quyền chỉ được phép thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS theo nội dung văn bản được xác lập với sự thỏa thuận thống nhất của hai bên. Nội dung ủy quyền không được trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 141 BLDS 2015.

Về thủ tục ủy quyền: Để thực hiện thủ tục ủy quyền hợp pháp, hai bên phải xác lập văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực; có thể thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền trên cơ sở quy định tại Điều 562 BLDS: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.

Về thời hạn ủy quyền: Điều 563 BLDS quy định: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

Tuy nhiên, về vấn đề làm người đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án, Điều 87 Bộ luật TTDS 2015, có quy định những trường hợp sau đây không được làm người đại diện theo ủy quyền:

“a. Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện.

b. Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong TTDS cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người đại diện trong cùng một vụ việc.

c. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm đại diện trong TTDS, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của bà, nếu vì lý do nào đó, bà không thể tham gia tố tụng tại Tòa án được, thì bà có quyền ủy quyền cho ông N.V.Danh (hoặc người nào khác) để làm người đại diện tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc tranh chấp của bà theo đúng quy định của pháp luật.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN