 |
Nhiều xe bồn liên tục chở nước đi đổi tại khu vực bến ghe (Phường 1, TP. Bến Tre). |
Hiện nay, mặn dường như đã bao trùm lên toàn bộ địa bàn tỉnh. Trong khi đó, nguồn nước máy từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre bị nhiễm mặn từ trước Tết Nguyên đán (dao động từ 1 - 4%o). Các cơ sở sản xuất nước ngọt đóng bình bằng dụng cụ thẩm thấu ngược RO đến nay cũng đã “bó tay” nên dẫn đến tình trạng một số hộ dân TP. Bến Tre lần đầu tiên phải mua nước sông với giá cao dùng cho việc sản xuất và uống…
Khoảng 2 tuần qua, chủ của nhiều sà lan, ghe
chuyên dùng chở cát, vật liệu xây dựng, hàng hóa đã chuyển sang nghề lên thượng
nguồn bơm nước chở về bán. Mỗi phương tiện đều có trang bị thiết bị đo độ mặn
có giá từ 2,5 triệu đồng trở lên. Người dân khu vực TP. Bến Tre phải trả đến
200 ngàn đồng/m3 nếu muốn nước về tận các dụng cụ chứa trong nhà.
“Qua tận kênh Vịnh Cậu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền
Giang mới bơm được nước ngọt này (ngay khu vực thượng nguồn ở Chợ Lách như Phú
Phụng, Vĩnh Bình đều mặn hết) mỗi chuyến đi về mất khoảng 18 tiếng đồng hồ. Ghe
tôi có trọng tải 90 tấn cũng chỉ chở nhiều nhất 60m3/chuyến (tương đương 6 tấn),
vì nếu chở nhiều nước, ghe sẽ bị lật. Tôi đổi lại cho người có nhu cầu ở TP. Bến
Tre với giá 100 ngàn đồng/m3, 5 ngàn đồng/can 20 lít. Còn việc vận chuyển về
nhà do người mua tự túc” - chủ ghe Lương Văn Trung quê ở xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ
Cày Bắc cho biết.
Hiện dịch vụ chở xe bồn và can loại 20 lít đã
nở rộ. Theo đó, trong khu vực TP. Bến Tre, mỗi chuyến xe bồn chở 1m3 nước đến tận
nhà người đổi có giá cước 100 ngàn đồng và mỗi can nước 20 lít có giá xe honda
ôm 10 ngàn đồng.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn ngụ Phường 1, TP. Bến
Tre, một trong những người mới chuyển sang nghề chở nước bằng xe bồn cho biết:
“Thấy cũng “thơm” nên tui nghỉ chạy xe ôm, đi thuê xe lôi kéo Hoa Lâm giá 300
ngàn/ngày và mua cái thùng phuy thể tích
1m3 giá 2,4 triệu đồng để hành nghề. Do việc bơm nước từ xe vào nhà cho khách
khó khăn nên mỗi ngày chỉ chở được từ 8 - 10 chuyến, trừ chi phí hết, tui được
lãi khoảng 400 ngàn đồng/ngày”.
Cũng như anh Tuấn, ông Sáu Tạc ngụ Phường 5,
TP. Bến Tre, đã không bán vé số hơn tuần qua để chạy xe ôm chở mỗi chuyến 2 can
nước đi đổi cho khách hàng. “Lội muốn rã cặp giò mới bán hết 200 tờ vé số, giờ
chạy mỗi ngày 20 cuốc xe đã kiếm được 400 ngàn đồng, mặc dù vốn chỉ có 70 ngàn
đồng mua 2 cái can” - ông Tạc hồn nhiên nói.
Theo một số người chở nước, khách hàng chủ yếu
của họ là chủ quán cà phê, chủ vườn kiểng hoặc các xưởng sản xuất nhỏ, hay một
vài gia đình khá giả. Tuy nhiên, ở các gia đình đổi nước đều thiếu dụng cụ chứa
nước nên việc bơm nước vào từng thau, từng xô mất nhiều thời gian hơn. Trong
khi đó cũng có khá nhiều người dân bỏ tiền ra mua can nhựa, tự đến chở nước về
để uống. Chị Lách ở Phường 7 cho biết, bản thân chị không rõ nước này uống có
an toàn không nhưng giờ “bí quá đành làm liều” chứ nước đóng bình “lớ lớ” không
thể uống được nữa. Ông Hải, cán bộ hưu trí xã Mỹ Thạnh An, tâm sự: “Già rồi, ở
nhà cũng buồn nên chơi kiểng cho vui, ai ngờ đợt mặn này mỗi ngày phải tốn 60
ngàn đồng tiền nước tưới. Thiệt xót nhưng không tưới bằng nước này thì không được”.
“Mấy ngày qua, gia đình tôi không xài nước
đóng bình nữa vì đã bị mặn rồi. Tôi làm tàu hũ bán nên buộc lòng phải dùng nước
ngọt mới không bị vữa. Muốn tự chở về để tiết kiệm cũng không được do mình
không có can nhựa, trong khi mỗi cái can nhựa có giá 35 ngàn đồng/cái, cái phuy
cũng mấy triệu đồng nên bấm bụng thuê xe chở về” - một chủ cơ sở sản xuất tàu
hũ ở phường Phú Khương cho biết.
Được biết, người dân ở nhiều địa phương khác
còn phải đổi nước loại này với giá cao hơn, đặc biệt là những vùng hẻo lánh,
khó vận chuyển nước tới được. Và đáng nói hơn, trong số những người mua nước tại
các địa phương này, phần đông thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sẽ khẩn trương thực hiện trợ giá nướccho người dân
Ông Bùi Trang Thuận - Phó
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, nếu sau khi hoàn thành các công trình ngăn các
dòng nước mặn vào Trạm bơm Cái Cỏ mà nước trên sông Tiền vẫn ở độ mặn cao thì
chỉ còn vận động sà lan lên thượng nguồn chở nước thô về xử lý tại Nhà máy của
Công ty cổ phần Cấp thoát nước. Tuy nhiên, phương án này cũng thực hiện tối
đa chỉ chuyển được khoảng 5.000 m3/ngày đêm - khó có thể phục vụ đủ nhu cầu.
Mặt khác, giá nước thô từ thượng nguồn chở bằng sà lan về tới Nhà máy nước An
Hiệp sẽ có giá khoảng 35.000 đồng/m3. Đó là chưa kể đến phải đầu tư đường ống
dài khoảng 1km để dẫn nước từ bờ sông vào nhà máy nước.
“Phân tích như vậy không có
nghĩa là chúng tôi đang bế tắc. Dự kiến ngay trong những ngày tiếp theo,
chúng tôi sẽ thực hiện phương án sử dụng các phương tiện khác để chở nước về
phục vụ cho người dân với giá thấp để cạnh tranh công bằng nhằm kéo giảm giá
nước trên thị trường cho người dân” - ông Bùi Trang Thuận khẳng định. |