|
Bác Hồ và chiếc máy đánh chữ được Bác dùng để soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng. Ảnh tư liệu |
Mỗi năm, đến ngày 21-6, cả nước lại có nhiều hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Báo chí Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2010). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội nói chung và báo giới nói riêng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dạy: Nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cây bút, trang giấy là vũ khí trong đấu tranh phò chính, trừ tà, phục vụ lợi ích cách mạng, phục vụ nhân dân.
Học tập và làm theo Bác Hồ, những người làm báo đã ra sức nghiên cứu đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi sát cuộc sống của nhân dân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức và chuyên môn, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm... xứng đáng với lời dạy của Bác.
Là người từng trải trong công việc làm báo, Bác truyền lại cho các thế hệ những người làm báo Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Người thường dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức và được đào tạo nghề nghiệp tinh thông. Những người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác nói với các nhà báo: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm và xem báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền, vận động nhân dân, là vũ khí sắc bén đấu tranh trước mọi thế lực thù địch. Báo chí đã đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp, giai cấp nhân dân trong xã hội, cổ vũ, động viên, góp phần làm cho chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, thành những phong trào hành động cách mạng sôi động. Đồng thời, báo chí đã kịp thời chỉ ra những khiếm khuyết, tồn tại của các quyết sách đã ban hành; đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một. Song, báo chí cũng đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, những hiện tượng tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đời sống xã hội.
Thực tế cho thấy, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí, đội ngũ phóng viên bám sát đưa tin, cập nhật; các vụ án điển hình được báo chí đưa tin như: vụ án Năm Cam, ông Mạc Kim Tôn, PMU 18... hay một số vụ việc xảy ra gần đây đã gây xôn xao và bất bình trong dư luận như: vụ việc em Hào Anh bị hành hạ dã man, đoạn băng ghi lại những hình ảnh bà Quảng Thị Kim Hoa (người trông trẻ không có chuyên môn và giấy phép hành nghề) cho trẻ ăn bằng cách túm tóc, giật ngửa mặt lên rồi trút cơm vào, dùng thước, dùng tay đánh vào mặt...
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã từng khẳng định: Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp đến đâu, cũng khó qua được tai mắt của nhân dân, trong đó có báo chí. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập vào nền kinh tế thế giới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vai trò của báo chí, nhà báo nói chung và tỉnh nhà nói riêng không ngừng được nâng cao. Trong thời gian qua, ngoài việc kịp thời tuyên truyền phổ biến về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ làm báo ở Bến Tre đã phản ánh tiếng nói của người dân thông qua các loại hình báo chí, đáp ứng được nhu cầu cập nhật thông tin thường ngày cho độc giả, khán giả; đồng thời báo chí cũng góp phần cổ vũ các phong trào hành động cách mạng, những điển hình tiên tiến, như: gương người tốt việc tốt, những cá nhân, tập thể làm theo lời Bác...
Theo ông Phạm Công Nghiệp – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre, nhà báo, thông qua tác phẩm báo chí, giúp lãnh đạo nắm, xem xét, thậm chí thay đổi những chủ trương cũ cho phù hợp tình hình thực tế. Còn nhớ cách đây khoảng 5 năm, bản tin ngắn của tác giả Văn Trí đã tác động tích cực đến diêm nghiệp, làm thay đổi số phận của diêm dân; hay nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà cho ra đời những tác phẩm nói về những vấn đề đặc trưng của xứ dừa…
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 85 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo. Họ đã luôn sát cánh cùng với nhân dân, để hiểu và tìm sự đồng cảm nơi họ, là một chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân. Chính từ nền báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ làm báo đã góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tích cực đấu tranh, phòng chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.