Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.
Sáng 17-2-1859, chúng đã dàn binh cách thành 800m đồng loạt nã đạn vào thành, đến trưa đã tung hết lực lượng đánh chiếm thành. Ta ra lệnh rút quân, giặc đã thu toàn bộ vũ khí, thuốc nổ, thóc gạo và lương thực, sau đó giặc đã cho nổ tung thành và pháo đài.
Giặc Sài Gòn đánh xuống
Binh ngoài Huế không vô
Anh biểu em đứng đợi, đứng chờ
Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng mà về tế cờ nghĩa quân.
Vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, nghĩa khí hào hiệp của người Bến Tre trào dâng như phong ba lớp lớp của nghĩa sĩ ấy mà tiêu biểu là anh hùng Nguyễn Ngọc Thăng.
Nguyễn Ngọc Thăng sinh ra tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An, nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cha là Nguyễn Công, mẹ là Trần Thị Kiêm, có 3 anh em, Nguyễn Ngọc Thăng là anh cả vốn hoạt bát thông minh, thời nhỏ học chữ nho của thầy đồ và cùng bạn bè đến các lò võ luyện tập. Lớn lên ông chiêu mộ dân tổ chức và điều khiển việc khai khẩn đất đai lập đồn điền và sau đó đăng lính triều đình thời Thiệu Trị được thăng cai cơ, đến năm 1848, thời Tự Đức thì được thăng chức lãnh binh.
10 giờ ngày 17-2-1859, thành Gia Định thất thủ, Hộ đốc Võ Duy Ninh tự tử, Nguyễn Ngọc Thăng được lệnh đóng giữ đồn cây mai. Tại đây ông đã tổ chức phòng thủ chặn đứng nhiều cuộc tấn công của giặc. Trong dân gian còn truyền tụng giặc “mù u” do lực lượng và binh khí quá chênh lệch sau một thời gian cầm cự phải rút quân.
Khi về Gò Công, ông tiếp tục cùng nghĩa quân chiến đấu chống Pháp dưới quyền của Trương Định, nghĩa quân Nam kỳ đã đánh thắng nhiều trận vang dội.
Do Pháp mua chuộc, sáng ngày 20-8-1864, một tên phản quốc đã bí mật chỉ điểm bao vây một căn nhà ở xóm rạch già, Tân Phước, Gò Công. Trận chiến diễn ra ác liệt, Trương Định bị một phát đạn ghim vào xương sống, một tên nhảy vào hòng bắt sống ông, tình thế trên ông biết không thể nào thoát khỏi nanh vuốt của kẻ lòng lang dạ sói, Trương Định dùng gươm đâm vào cổ tự sát. Sự hy sinh của Trương Định mãi mãi là vết son lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.
Sau khi Trương Định mất, Nguyễn Ngọc Thăng vẫn kiên cường cùng nghĩa quân chiến đấu oanh liệt như Thiên Hộ Dương ở vùng Đồng Tháp Mười, Trương Quyền con Trương Định ở vùng Tây Ninh.
Ngày 27-6-1866, trong một trận giao chiến với Pháp tại Đám lá tối trời ở Gò Công, Nguyễn Ngọc Thăng trúng đạn và tử thương, thi hài của ông được nghĩa quân đồng hương Bến Tre đưa về tới quê hương Mỹ Lồng và được quàng tại đình để dân chúng trong làng phúng điếu, mộ ông được chôn tại Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Sau khi ông mất, vua Tự Đức có phong sắc áo mão và một thanh gươm.
Là thế hệ tham gia khai khẩn đất đai lập đồn điền và là người tham gia chống Pháp đầu tiên, lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng là một tấm gương sáng, là ngọn lửa rực cháy trên ba đảo dừa, thế hệ anh hùng ấy được tiếp nối như: Trịnh Viết Bằng, Huỳnh Ngọc Thiệu, Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Ngọc Tòng, Tán Kế, Nhiêu Đấu, Nhiêu Cương...
Nguyễn Ngọc Thăng là liệt sĩ đầu tiên của Bến Tre theo ý niệm của tác giả Lê Minh Quốc khởi thảo quyển sách Người Bến Tre.
Vũ Hoàng