 |
Ông Mười Giỏi với công việc lúc rảnh rỗi. |
Ông Bùi Minh Long (bí danh Mười Giỏi) đã 47 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có 25 năm trực tiếp tham gia quân đội. Đến nay, ông Mười Giỏi - thương binh (Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng) đã 83 tuổi nhưng vẫn rất nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1952, ông Mười Giỏi tham gia bộ đội và được giao nhiệm vụ quân báo. Sau đó, ông chuyển công tác thuộc đơn vị Trinh sát Trung đoàn 1 miền Tây. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, học nghiệp vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và được tổ chức phân công về miền Nam để gầy dựng cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ thuật tác chiến cho cán bộ khung. Ông Mười Giỏi nhớ lại: “Năm 1960, có nhiều đoàn vượt Trường Sơn về miền Nam. Riêng đoàn của chúng tôi có 12 người, do đồng chí Vũ Khắc Sương làm trưởng đoàn. Trên đường đi, bộ đội ta gặp rất nhiều trở ngại: phục binh của địch, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, thiếu lương thực… nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua. Tuy lực lượng có bị hao hụt, do một số anh em bị bệnh chết, hy sinh, một số người bệnh nặng phải nằm lại điều trị ở các trạm cơ sở nhưng tinh thần chiến đấu, ý chí và ý thức kỷ luật quân đội của anh em rất cao”. Tháng 5-1960, nhận được mệnh lệnh của cấp trên vượt rừng về Nam (từ Đồng Hới về Tây Ninh) với thời gian 6 tháng, đoàn cán bộ (12 người) thuộc nhóm của ông Mười Giỏi phải mất thời gian 8 tháng để hoàn thành chuyến đi.
Ông Mười Giỏi và ông Năm Thành (quê ở Cẩm Sơn, Mỏ Cày Nam) được tổ chức phân công về B 1.000 (Bến Tre); sau đó, được điều động về Thừa Đức (Bình Đại) với nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện lực lượng đặc công của tỉnh. Đến giờ này, ông Mười Giỏi vẫn còn khắc ghi mãi lời dặn dò ân cần của ông Tám Chữ (bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre): “Các đồng chí về tới miền Nam là thắng lợi lớn. Đảng, Nhà nước rất tin tưởng ở các đồng chí. Mong các đồng chí hãy đem hết hiểu biết của mình để xây dựng lực lượng vũ trang Bến Tre”. Nhiệt tình cách mạng cao cùng với sự hiểu biết sâu rộng qua thời gian được đào tạo ở miền Bắc, ông Mười Giỏi (được phân công là Trưởng Ban huấn luyện) cùng ông Năm Thành (Chính trị viên) đã dốc hết tâm huyết, đào tạo được nhiều học viên ở nhiều lớp huấn luyện khác nhau. Từ nguồn cán bộ này, Bến Tre đã thành lập được nhiều đơn vị đặc công; góp phần làm nên những trận đánh và chiến thắng hào hùng của lực lượng quân giải phóng…
Đầu năm 1964, lãnh đạo tỉnh biệt phái ông Mười Giỏi về thị xã Bến Tre với nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện tự vệ mật. Tháng 4-1964, ông Mười Giỏi được điều động về Tiểu đoàn 516 phụ trách Tác huấn (huấn luyện, tác chiến). Ông là một trong những người chỉ huy trận đánh Lộ Thơ ngày 20-8-1964, giành lấy thắng lợi vẻ vang, tô đỏ thêm chiến tích anh hùng của Tiểu đoàn. Trong trận đánh này, ông Mười Giỏi đã được Thủ trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bến Tre tặng bằng khen về thành tích “Tinh thần cao, mưu trí chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi lớn trận Lộ Thơ ngày 20-8-1964”.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Mười Giỏi chuyển sang công tác ở Tòa án nhân dân tỉnh (Thẩm phán), Trường Đảng thị xã Bến Tre (Giám đốc). Năm 1989, ông nghỉ hưu về cư ngụ tại Phường 3 (TP. Bến Tre) và rất nhiệt tình tham gia các phong trào ở phường. Ông Trần Trung Vĩnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 3 cho biết: “Tuy tuổi cao nhưng ông Mười Giỏi luôn tích cực hưởng ứng đóng góp, hỗ trợ xây dựng các công trình tại địa phương và luôn nêu cao đức tính tốt đẹp của người bộ đội Cụ Hồ. Tại Phường 3, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu”. Ông Nguyễn Văn Thương - Bí thư Đảng ủy Phường 3 cho biết: “Dù được miễn sinh hoạt Đảng nhưng ông Mười Giỏi rất nhiệt tình tham gia các cuộc họp Hội Cựu chiến binh phường. Trong các cuộc họp, ông thường có những ý kiến đóng góp xây dựng rất thẳng thắn, chân tình. Ông cũng thường giúp đỡ đồng chí, bạn bè trong những lúc khó khăn. Gia đình ông có 4 đảng viên và đều nêu cao tính gương mẫu”.
Ông Mười Giỏi hay về ấp Mỹ Quới, xã Phước Long (Giồng Trôm) sống cùng với người con trai thứ ba. Khi địa phương phát động xây dựng giao thông nông thôn, con đường này phải đi qua vườn dừa của ông Mười Giỏi (chiều ngang khoảng 3m, dài khoảng 100m), ông đã vui vẻ hiến đất làm đường theo chủ trương chung. “Con lộ cũ cặp theo mé sông bị sạt lở không đi được. Tôi đồng ý hiến đất để làm con lộ mới cho bà con cùng đi. Tôi nghĩ là sẽ có nhiều người cũng đồng tình hưởng ứng”, ông Mười Giỏi cho biết.