Người lính năm xưa vẫn chưa ngơi nghỉ

26/06/2011 - 14:23
Ông Phạm Văn Năng, trong giờ làm việc.

Trong cuộc tiếp xúc với cán bộ và người dân xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre) của một đoàn khảo sát, người cán bộ mặt trận địa phương trong màu áo lính đã cũ sờn theo năm tháng, nhiệt tình phát biểu nhiều ý kiến, kiến nghị phản ánh tình hình thực tiễn đời sống của người dân. Hầu hết ý kiến của ông đều sát thực cuộc sống, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của những người có mặt tại đây. Nhân vật chúng tôi muốn đề cập đến là ông Phạm Văn Năng, người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa, hiện nay là Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Hưng (TP. Bến Tre).

Vào năm 1968, chàng thanh niên 19 tuổi Phạm Văn Năng rời ghế nhà trường, xa gia đình, tình nguyện tham gia Đội Biệt động thị xã Bến Tre. Sau Năm Mậu Thân lịch sử ấy, ông trở về đơn vị Đặc công Thị xã, rồi trải qua các nhiệm vụ khác nhau: giai đoạn ở Bộ binh Tiểu đoàn 2 Nhẹ, lúc là cán bộ chính trị của Ban Chỉ huy Quân sự Thị xã… Năm 1982-1988, ông được cử làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Sau đó, về nước, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ cho tới cuối năm 1999 thì về hưu. Với suy nghĩ “còn sức khỏe là còn làm việc, còn cống hiến cho cách mạng”, năm 2000, ông tham gia công tác chính quyền tại địa phương, được giao trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách khối vận kiêm Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Hưng. Ông cho biết: “Trước đi bộ đội, là chính trị viên nên công tác dân vận cũng là một nhiệm vụ thường xuyên. Chính điều đó đã giúp ích cho tôi trong công tác mặt trận hiện giờ”. Với quan niệm người cán bộ dân vận, mặt trận phải là nhịp cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, đến nay, qua 2 nhiệm kỳ, dù tuổi đã cao nhưng người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn hàng ngày đến từng nhà để tuyên truyền, vận động cho dân hiểu, đồng tình, thực hiện đúng. Hỏi thăm những anh chị cùng làm chung với ông Năng, chúng tôi được biết, nhiều bữa, đã quá giờ làm việc mà ông vẫn còn ở cơ quan để lo cho xong công việc. Ông thường bảo: Phải làm cho hết việc chứ không phải chỉ hết giờ. Có vậy mới xứng đáng với sự tin tưởng và trọng trách mà người dân giao cho mình. Xuất thân là người lính, ông Năng đã quen với việc xây dựng kế hoạch làm việc một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo luôn hoàn thành công việc đúng thời gian và chất lượng theo yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, nhiều năm liền, trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa và vận động đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, UBMTTQVN xã Phú Hưng luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2010, xã đã được công nhận là xã văn hóa; toàn xã đã vận động xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, 107 căn nhà tình thương…

Không chỉ tham gia tốt công tác địa phương, ông Năng còn là một nông dân sản xuất giỏi, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Năm 2003, ông tiên phong trồng thử 200 cây cacao xen trong vườn dừa, sau khi tham dự khóa tập huấn nông nghiệp. Sau 3 năm trồng, “chiến lược” cacao xen vườn dừa đã không phụ công ông, nguồn thu nhập từ việc bán trái cacao đã hơn chục triệu đồng mỗi năm. Thấy được hiệu quả, ông chủ động phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trồng cho những người khác. Đến nay, nhiều người đã thoát nghèo bền vững từ mô hình kinh tế này.

Trải qua hơn 30 năm tham gia chiến đấu và làm công tác dân vận - mặt trận, ông Phạm Văn Năng đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, giấy khen, như: 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba… Ông tâm sự, là người lính bộ đội Cụ Hồ, bản thân ông tâm đắc nhất ở Bác là đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong mọi nhiệm vụ, mọi mặt trận, người cán bộ, chiến sĩ thực hành được đức tính đó thì dù là thời bình hay thời chiến, đến đâu ắt cũng sẽ thành công.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN