Người mở đường cho trái chôm chôm xuất khẩu

09/07/2012 - 08:19

Đến nay, tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành) đã có khoảng 60 container chôm chôm “bay” ra thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Cũng từ tổ hợp tác này, lần đầu tiên trái chôm chôm của Bến Tre đã tự hào bay xa và hội nhập. Anh Nguyễn Hữu Tâm là người đã ghi công đầu trong việc mở đường cho mặt hàng này xuất khẩu.

Âm thầm đi tìm giải pháp đầu ra cho trái cây

Anh Nguyễn Hữu Tâm bộc bạch: Tôi biết sử dụng bình xịt thuốc để chăm sóc cây từ nhỏ. Thấy sản phẩm của mình cũng như bao nhà vườn cứ rơi vào vòng lẩn quẩn: được mùa, rớt giá…, tôi đau lòng lắm. Tôi ấp ủ ước mơ làm sao để trái cây của mình được vươn xa, nâng lên tầm vóc mới, với giá trị cao hơn. Có như thế, nhà vườn mới bớt khổ và được đền bù thỏa đáng cho công vun trồng, sự cần cù và sáng tạo của họ.

Năm 2008, anh Tâm là nông dân tiêu biểu được tỉnh chọn dự lớp tập huấn sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Khi đó, anh là nông dân sản xuất giỏi, có nhiều trăn trở với sản phẩm nông nghiệp. Đối với anh, lớp tập huấn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình thực hiện ước mơ. Anh nhớ rất rõ một câu nói mà chính người của Bộ đã nói riêng với anh sau lớp tập huấn: “Anh về chọn vùng trồng cây trái nào có sản lượng lớn, có đủ khả năng xuất khẩu để thành lập tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”. Câu nói này đã trở thành hành động ngay khi anh trở về địa phương.

Đầu tiên, anh Tâm vận động hơn 30 hộ trồng chôm chôm (khoảng 34ha) ở xã Tiên Long để thành lập Tổ sản xuất chôm chôm Tiên Phú. Vấn đề khó khăn là làm sao để người dân tin tưởng và tham gia vào một mô hình mà họ chưa tận mắt chứng kiến hiệu quả? Bắt đầu bằng việc tuyên truyền, vận động, anh Tâm dẫn giải cho mọi người hiểu về giá trị của trái chôm chôm, đặc biệt khi đạt chuẩn xuất khẩu thì hiệu quả mang lại sẽ rấât cao. “Tôi tự nguyện vác gạo đổ thêm vào cho đầy lu của bà con. Không cần bà con trả công!” - anh Tâm nói.

Cứ như vậy, anh âm thầm đi làm, làm từng bước một, làm không lương. Và Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm ra đời. Đến năm 2010, anh trực tiếp đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam xin hỗ trợ Tổ hợp tác để sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó, anh giới thiệu quy trình sản xuất của Tổ với đối tác buôn bán nông sản qua Hoa Kỳ. Tháng 5-2011, Tổ được cơ quan kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ cấp mã code 001 cho phép sản phẩm của Tổ được xuất trực tiếp sang quốc gia này. Ngày 7-11-2011 là mốc thời gian đánh dấu sự kiện trái chôm chôm Bến Tre lần đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ. Như vậy, trải qua một thời gian khá dài, với bao khó khăn, thử thách và những tháng ngày chờ đợi hồi hộp, cuối cùng, trái chôm chôm của Bến Tre cũng đã bay xa được nửa vòng trái đất, mang theo niềm tự hào của người nông dân đất Việt.

Đến nay, Tổ hợp tác đã mở rộng vùng trồng lên đến hơn 300 hộ, với hơn 164ha. Để tránh cảnh trúng mùa rớt giá, người dân đã biết liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phải biết bố trí mùa vụ thích hợp để có sản phẩm tốt, an toàn, chất lượng nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu.

 

Nhà vườn và hành trang hội nhập

Khi một nhà vườn bước vào hội nhập, hành trang cần chuẩn bị là khả năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng nước ngoài. Có thể nói, đây chính là một trở ngại lớn mà phần đông những nông dân ngày nay đều vướng phải trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hữu Tâm đã khắc phục hạn chế này cũng như tạo thuận lợi cho trái chôm chôm chinh phục thị trường ngoài nước, xây dựng uy tín quốc gia.

Một lần, trong vai một nông dân miệt vườn chính hiệu, mặc chiếc áo vest sang trọng, đi xe “Huê Kỳ”, anh đã trực tiếp gặp gỡ đối tác của mình. Không khoa trương, anh chinh phục lòng tin của đối tác bằng chính sự chất phác, chân thành, cởi mở và vốn liếng của người làm vườn. Trước sự thắc mắc của họ về những vết chấm đen trên trái chôm chôm của quê mình, anh thật thà giải thích bằng tiếng Anh: “Đó chỉ là dấu vết bên ngoài vỏ trái. Vết tạo nên do có những cơn gió lớn, khiến cành lá va chạm mạnh vào nhau, không ảnh hưởng đến chất lượng trái”.

Anh Tâm chia sẻ kinh nghiệm, ưu điểm của nhà vườn là am hiểu sâu sắc về sản phẩm của mình hơn ai hết. Đây là thuận lợi để nhà vườn tiếp thị sản phẩm, dễ dàng chinh phục lòng tin của đối tác. Song để có nhiều cơ hội thành công, nhà vườn cũng cần có bản lĩnh, khả năng giao tiếp tốt và vốn ngoại ngữ nhất định.

Qua câu chuyện của anh Tâm hé lộ: Con đường xuất khẩu chính ngạch sẽ không chỉ dừng lại ở trái chôm chôm. Nhiều mặt hàng nông sản khác của Bến Tre cũng sẽ đạt điều kiện xuất khẩu trong thời gian gần. Cần có qui trình sản xuất đạt chuẩn, đảm bảo được sản lượng, chất lượng tốt.

Bài, ảnh: C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN