Lao động vận chuyển dừa trái lên bãi lột dừa tại Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam).
Không còn “cho không”
Trong tháng 8-2019, đoàn công tác Viện Khoa học lao động và xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 tại tỉnh. Việc đánh giá được thực hiện từ Bắc chí Nam, riêng đồng bằng sông Cửu Long, đoàn chỉ chọn tỉnh Bến Tre để đến làm việc do “Tỉnh làm công tác giảm nghèo tốt, tỷ lệ giảm nghèo cao và được các cấp chính quyền rất quan tâm”. Thông tin thu thập được sẽ làm cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ trong thay đổi các chính sách về giảm nghèo trong thời gian tới.
Đoàn tham vấn tính hợp lý và cách đánh giá đối với bộ tiêu chí mới do Viện đề xuất. “Bộ chỉ tiêu đánh giá hộ nghèo mới có 6 chiều 12 chỉ tiêu (trước đây là 5 chiều và 10 chỉ tiêu). Cụ thể như, sẽ bỏ chiều thu nhập, đa số các chiều đánh giá còn lại được giữ nguyên; nhưng có thêm chiều việc làm, dinh dưỡng. Các chiều được điều chỉnh, thay đổi là để nâng chất lượng đánh giá (chuẩn hộ nghèo) lên”, bà Lưu Thị Lan Anh - Chánh Văn phòng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ người nghèo, dùng “vốn mồi” để thúc đẩy họ tự vươn lên bằng chính nội lực của mình, nhưng chính sách của nước ta có một đặc điểm là đưa hộ nghèo không thể thoát nghèo vào đối tượng được bảo trợ xã hội. Các chính sách cho không cũng dần cắt giảm thành cho có điều kiện, như cho hộ nghèo vay tiền xây nhà với lãi suất rất thấp, thay vì cho không như trước; hỗ trợ dạy nghề miễn phí trong 3 năm, sau đó là không hỗ trợ học nghề nữa; giảm việc hỗ trợ bằng tiền mặt.
Cũng trong tháng 8-2019, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH dẫn đầu đoàn kiểm tra Trung ương đến làm việc tại tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Thi thông tin: Định hướng của bộ là sẽ bỏ tiêu chí thu nhập trong đánh giá hộ nghèo, chỉ còn một chuẩn nghèo duy nhất theo đánh giá các chiều thiếu hụt.
Tận dụng cơ hội còn lại
Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 30-KL/TU của Tỉnh ủy về Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đến nay có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp, 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp. Đã có 9.652 hộ thoát nghèo, trong đó 6.739 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của đề án.
Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được Trung ương phân bổ về tỉnh với kinh phí gần 25 tỷ đồng đã giúp cho hơn 1.500 hộ phát triển sản xuất. Gần 13.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với kinh phí hơn 353 tỷ đồng.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã giúp cho hơn 30 ngàn lao động học nghề và có việc làm ổn định. Trong đó có 207 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Trong khi tỷ lệ giảm nghèo ở tỉnh giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh còn cao hơn bình quân cả nước. Năm 2018, tỉnh phát sinh mới 1.100 hộ nghèo, nhiều nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy tính bền vững là chưa tốt. Do đó, tỉnh cần phân loại từng đối tượng hộ nghèo để giúp họ thoát nghèo một cách bền vững.
“Hộ nghèo trong độ tuổi lao động thì hỗ trợ học nghề, kiếm việc làm, lao động làm việc ở nước ngoài, hộ nào không đi làm xa được thì hỗ trợ tìm sinh kế tại chỗ. Thậm chí, hộ nghèo có sức lao động mà không chịu làm việc thì trong 2 năm - chính quyền tìm cách giúp đỡ - nhưng không chịu tham gia thì đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, phải như thế thì mới công bằng. Riêng người già neo đơn, khuyết tật được xếp vào một nhóm có chính sách riêng”, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo nói.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ kết thúc vào năm 2020. Trong thời gian còn lại này, các địa phương cần tận dụng triệt để các chính sách hỗ trợ người nghèo. Người nghèo cũng cần nỗ lực để được hưởng các chính sách ưu đãi “cho không” để vươn lên thoát nghèo.
Về phương hướng thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 cho thời gian còn lại, tỉnh đưa ra mục tiêu: thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Các địa phương cần nghiên cứu mô hình mới, hiệu quả để hướng dẫn người nghèo thực hiện. Trong đó, đối với mô hình sản xuất nông nghiệp phải mang tính bền vững, cần xác định những mô hình kết hợp hiệu quả cao như mô hình đa ngành nghề, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Qua đó, người nghèo khai thác tối đa nguồn lực hiện có về đất đai, lao động; đồng thời, đẩy mạnh việc tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài.
“Trong thời gian tới, khi phân loại đối tượng được hỗ trợ thì chính sách Nhà nước chỉ trợ cấp cho không cho đối tượng chịu thiên tai, còn tất cả các chính sách khác (liên quan đến giảm nghèo) thì chuyển sang cho vay hết, cho vay có điều kiện và thời gian thì mới thúc đẩy người nghèo vươn lên được”.
(Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh hôm 27-8-2019)
|
Bài, ảnh: Thạch Thảo