Người thương binh làm nên cổ tích giữa đời thường

23/09/2013 - 08:17
Ông Tám Ý (bên trái) được nhiều học trò nghèo yêu mến và xem ông như “ông Bụt”.

Đó là thương binh Lê Văn Ý, sinh năm 1940, ở ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc). Mọi người thường gọi ông bằng cái tên thân thương: ông Tám.

Người ta thường kể về ông Bụt là một ông già hiền từ, râu tóc bạc phơ, luôn xuất hiện bất ngờ để an ủi, giúp đỡ người đang lâm nạn, bằng một câu hỏi: “Tại sao con khóc?”. Với các anh Phạm Văn Ẩn, Nguyễn Văn Tài, Bùi Minh Long, ông Tám đã xuất hiện bất ngờ như thế để giúp các anh vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường và công thành danh toại. Đó là ba trong tám người đầu tiên được ông giúp đỡ từ khi còn nhỏ đến khi hoàn thành đại học.

Từng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Ẩn (quê xã Thạnh Ngãi, Mỏ Cày Bắc) nay đã 42 tuổi đang có việc làm và nhà cửa ổn định tại Long An. Bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian cơ hàn vất vả để tìm con chữ, anh nói: “Nếu không có ông Tám thì tôi và cả bầy em nữa chắc đã “tiêu đời”, khỏi được học hành”. Hồi đó, sáng đi học anh chỉ uống nước lã, trưa ăn cơm độn chuối, độn khoai vì nhà nghèo, lại đông anh em. Ông Tám biết được bèn cho tiền để anh mua tập, sách, đóng tiền học. Khi anh Ẩn đi thực tập, ông lại cho tiền mua xe. Khi nhà cửa dần bớt khó khăn, má anh Ẩn ra gửi trả ông Tám một cây vàng, ông từ chối và nói đem về đầu tư cho 9 đứa con còn lại. Nhờ vậy, ngày nay các anh chị em của anh Ẩn đều có công ăn việc làm, nhà cửa đàng hoàng.

Người khiến ông Tám hài lòng nhất là anh Nguyễn Văn Tài, quê ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn (Chợ Lách). Tài học giỏi lắm nhưng vì cuộc sống khó khăn phải đối diện với nguy cơ dở dang việc học. Ông lại vào cuộc tiếp sức cậu học trò nhỏ yên tâm học hành. Ngày Tài thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ (ngành cơ khí), trong túi mẹ anh chỉ có 200.000 đồng. Ông Tám nói: Bây cho nó đi học, đã có ông lo. Ra trường, anh Tài được Trường Đại học Cần Thơ nhận làm giảng viên. Anh cần tiền mua máy vi tính để soạn giáo án, ông Tám lại chạy đi vay mượn anh cho Tài. “Thằng Tài nó giỏi sẽ đào tạo thêm được nhiều hiền tài cho đất nước, vậy là sẽ có thêm nhiều gia đình nữa được hưởng nhờ cái lợi đó, đất nước có nhiều người tài thì sẽ phồn vinh”, ông Tám suy luận. Năm nay 28 tuổi, anh Tài đang học thạc sĩ tại Hàn Quốc.

Ông Tám vẫn âm thầm tiếp tục nuôi 9 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ bậc tiểu học cho đến khi vào đại học dẫu tuổi tác ông đang ngày càng cao.

Một tấm lòng cao thượng

Đất nước hòa bình, người lính cụ Hồ ngày nào trở về với thân mình nhiều thương tích. Tỷ lệ thương tật 83%, ông Lê Văn Ý được xếp loại thương binh 1/4. Thân thể khiếm khuyết, nhưng ông làm xóm giềng thán phục trước cái tài móc mương khéo, giặt đồ chỉ bằng một tay, chèo xuồng, làm thơ, viết và hát vọng cổ. Tâm hồn của ông già ngoài 70 tuổi vẫn rất yêu đời, trẻ trung và thánh thiện.

Tiền trợ cấp thương binh và hoa lợi từ vườn tược, ông dành gần hết vào việc chăm lo cho học sinh nghèo ăn học. “Chỉ có một thân một mình, đâu cần gì nhiều”, ông Tám nói. Thức ăn hàng ngày thường là mớ rau cải trời hái trong vườn luộc chấm với nước mắm. Dì Sáu Tín (ở chung xóm) kể, ông Tám là “chuyên gia” ăn cơm với đậu phộng rang. Được biết, ông Tám đã để lại 2,5 công đất vườn dừa, ao cá, vườn kiểng 49 năm vun trồng cho người anh, còn bản thân ra mé sông Hàm Luông cất chòi ở và thu nhập hàng tháng là tiền trợ cấp. Ấy vậy, nhưng ông Tám vẫn tiếp tục công việc nuôi bọn trẻ học hành. Sau này, ông được địa phương cấp cho nhà tình nghĩa, mãi 3 lần ông mới nhận, vì cho là còn nhiều bạn bè khác cần nhà ở hơn mình.

Ông Tám kể: Tụi nhỏ ở đây ngày trước đi học khổ lắm, nhà xa trường, ba đứa trong xóm chỉ có một chiếc xe đạp, ngặt nỗi cái thằng học giỏi nhất lại khổ nhất, hai bạn nó trên xe đạp chạy trước chầm chậm đợi, nó thì lót tót chạy bộ theo sau. Đêm nằm nhớ lại thấy đau xót, tui vét tiền mua cho nó chiếc xe đạp, nó mừng húm và chở thêm một đứa bạn khác đi học. Thấy cảnh đó tui mừng quá! Có đứa ra trường không có xe, không có máy tính đi làm, tui bèn đi vay của người ta rồi trả trong 8, 9 tháng mới hết.

Cuộc sống giản dị, ông không mong cầu gì cho mình. Nhưng niềm an ủi lớn nhất đối với ông là những khi tụi nhỏ báo tin: Ông Tám ơi con nhất lớp! Ông ơi, con được lãnh 3 phần thưởng! Ông ơi, con đậu dư điểm rồi và đứng đầu trong những bạn giỏi nhất!… Kể tới đây, đôi mắt ông sáng rỡ, hân hoan: Nghe tụi nhỏ học giỏi là tui mừng, có khi không màng chuyện cơm nước.

Hỏi ra mới biết, ông Lê Văn Ý từ nhỏ đã mồ côi, nhà nghèo, học mới tới lớp hai. Vì vậy, ông yêu quí việc học lắm.

Để đáp lại ân nghĩa ngành y đã cứu sống mình trong cơn thập tử nhất sinh, ông Tám đã tình nguyện hiến xác cho Trường Đại học Y dược (TP. Hồ Chí Minh) hơn 10 năm nay. Tháng 9 này, được ra Hà Nội dự ngày hội tuyên dương cùng những gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc khác, ông Tám nói: “Vậy là tui sẽ có cơ hội đi viếng lăng Bác. Đó là niềm vinh hạnh lớn nhất của cuộc đời. Nghĩ tới đó, tui thấy tâm hồn mình lâng lâng…”.

Bài, ảnh: THẠCH THẢO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN