Người thượng Quốc kỳ trong lễ Quốc khánh 2-9

01/09/2011 - 18:52
Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan - hai người phụ nữ thượng Quốc kỳ trong ngày Quốc khánh. Ảnh tư liệu

Cách nay 66 năm, hai thiếu nữ tuổi đời khoảng mười chín, đôi mươi đã nhận nhiệm vụ thượng Quốc kỳ trong giờ phút thiêng liêng của lịch sử dân tộc: Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Khi thực hiện xong nhiệm vụ vinh dự đó, hai thiếu nữ trở về hàng ngũ, xúc động nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập…, không ai biết tên ai…

Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên

Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên cách nay 71 năm, vào ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940. Theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ mẫu cờ đỏ sao vàng. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, là giáo viên, sinh ngày 5-3-1901 tại xã Yên Bắc, huyện Duy Niên, tỉnh Hà Nam. Đồng chí tham gia Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927, vào đảng năm 1930, bị mật Pháp bắt đày đi Côn Đảo năm 1931. Năm 1935 đồng chí cùng một số tù chính trị khác tổ chức vượt ngục, về hoạt động cách mạng tại Cần Thơ.

Mẫu cờ theo ý tưởng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến: màu đỏ và vàng tượng trưng cho máu đỏ, da vàng Việt Nam, ngôi sao năm cánh tượng trưng cho khối đoàn kết dân tộc: sĩ, nông, công, thương, binh. Khởi nghĩa Nam kỳ không thành công, đồng chí bị địch bắt và xử tử hình cùng nhiều đồng chí khác vào ngày 28-8-1941. Trước khi hy sinh, đồng chí đã gởi lại bài thơ trong đó có 2 câu: “Anh em đi trọn con đường nhé/ Cờ đỏ sao vàng soi sáng tương lai”. Năm 1945 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh qui định mẫu Quốc kỳ Việt Nam như mẫu vẽ của Nguyễn Hữu Tiến, Quốc hội khóa I họp ngày 2-3-1946 quy định cụ thể thêm, ngôi sao vàng 5 cánh đặt ở giữa nền đỏ hình chữ nhật, có chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài.

Người treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn Huế

Trong khí thế sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa, tại Huế đã có một sự kiện làm sôi động cả thành phố. Đó là vào ngày 21-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên kỳ đài trước Ngọ môn Huế.

Người vinh dự và dũng cảm nhận nhiệm vụ đầy khó khăn, nguy hiểm đó là một sinh viên Trường Y. Chàng trai xứ Nghệ Đặng Văn Việt, 25 tuổi, sau khi thi đỗ trung học ở Huế, ra Hà Nội học Trường Y, chưa tốt nghiệp, Nhật đảo chánh Pháp, Đặng Văn Việt về Huế, tham gia phong trào Việt Minh tại đây và được dự học lớp “Thanh niên tiền tuyến” do Việt Minh tổ chức.

Sáng ngày 20-8, Đặng Văn Việt được đồng chí Trần Hữu Dực - Thường vụ Tỉnh ủy, giao lá cờ đỏ sao vàng và chỉ đạo trong ngày 21-8 phải tìm mọi cách treo lên kỳ đài trước Ngọ môn Huế. Trọng trách nặng nề, nguy hiểm, vì tại kỳ đài có một tiểu đội lính canh giữ và xung quanh còn có 120 lính cận vệ hoàng gia, trong khi Đặng Văn Việt chỉ đi cùng một đồng chí khác là Nguyễn Thế Lương (Cao Pha). Trước khí thế hừng hực của quần chúng cách mạng, bọn lính phải chấp nhận hạ cờ quẻ ly xuống để Đặng Văn Việt thượng Quốc kỳ lên đúng ngày 21-8.

Lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên kỳ đài, trước Ngọ môn Huế, đã góp phần cổ vũ quần chúng nổi dậy khởi nghĩa với khí thế như triều dâng thác lũ và đến ngày 23-8 khởi nghĩa đã thành công tại Huế.

Hai thiếu nữ thượng quốc kỳ trong lễ Tuyên ngôn độc lập

Cách nay 66 năm, hai thiếu nữ tuổi đời khoảng 19, đôi mươi đã được giao nhiệm vụ thượng Quốc kỳ trong giờ phút thiêng liêng của lịch sử dân tộc: Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Khi thực hiện xong nhiệm vụ vinh dự đó, hai thiếu nữ trở về hàng ngũ, xúc động nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập…, không ai biết tên ai…

 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mỗi người một nhiệm vụ, cho đến 44 năm sau, năm 1989 trong buổi họp mặt của Trung đoàn thủ đô tại Viện bảo tàng quân đội họ mới biết tên nhau.

Hai thiếu nữ ngày xưa ấy chính là Lê Thi (tên thật là Dương Thi Thoa) sinh năm 1927, quê ở xã Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tham gia cách mạng từ khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh, nay là trường Trưng Vương - Hà Nội, bà Lê Thi tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc năm 17 tuổi. Sau ngày vinh dự ấy, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà chiến đấu tại Trung đoàn Thủ đô. Lên căn cứ Việt Bắc làm cán bộ phụ nữ. Năm 1950, bà trở về Hà Nội hoạt động bí mật. Hòa bình lập lại bà được cử học lý luận tại trường Nguyễn Ái Quốc, được giữ lại trường giảng dạy, năm 1981 bà giữ chức quyền Viện trưởng Viện Triết học, được nhà nước phong học vị Phó Giáo sư năm 1985.

Nay tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi năm đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bà Lê Thi vẫn bồi hồi xúc động, nhớ như in những giờ phút năm xưa.

Người thiếu nữ thứ hai cùng tham gia thượng Quốc kỳ là Đàm Thị Loan, sinh năm 1926, tại Cao Bằng. Năm 14 tuổi đã tham gia Hội Việt Minh tại quê nhà (xã Bình Long, huyện Hòa An). Người con gái trẻ dân tộc Tày Đàm Thị Loan đã từng là một thành viên trong 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, là Trung đội Trưởng Đội Tự vệ thành Hoàng Diệu. Kháng chiến bùng nổ, bà trở về công tác ở Chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại bà công tác ở bộ phận cơ yếu của Bộ Tổng tham mưu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ bà từng có mặt ở chiến trường Tây Ninh. Hiện nay bà Đàm Thị Loan đã 85 tuổi, đang sống với người con tại Hà Nội.

Hồng hải

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN