|
Hiện trường vụ cháy tại chợ Bình Đại tháng 12-2014. |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 3 - 4 vụ cháy tại các chợ, trung tâm thương mại. Tuy số vụ cháy không cao nhưng tài sản thiệt hại rất lớn, vì chợ là nơi tập trung nhiều hàng hóa rất dễ cháy, chỉ cần một bất cẩn nhỏ thì sự cố cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy công tác phòng, chống cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại cần phải được quan tâm đúng mức.
Hiện toàn tỉnh có trên 170 chợ lớn, nhỏ nằm đều khắp các địa phương trong tỉnh, bên cạnh một số chợ có sự đầu tư về các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, hàng năm có lập kế hoạch và tổ chức thực tập chữa cháy, thì vẫn còn nhiều chợ, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại.
Vào đêm 5-7-2015, ngọn lửa đã bất ngờ bùng phát mạnh tại một ki-ốt bán quần áo nằm trong chợ Mỹ Chánh, huyện Ba Tri. Do hàng hóa toàn là các vật liệu dễ cháy như: quần áo, vải, giày dép... nên ngọn lửa đã nhanh chóng bùng phát thành đám cháy lớn, sau đó lan rộng ra các gian hàng còn lại. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã điều động 3 xe chữa cháy và gần 40 cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai lực lượng, phương tiện, phối hợp với chính quyền và người dân địa phương khẩn trương dập lửa; đến rạng sáng hôm sau, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy đã thiêu rụi hoàn toàn 9 ki-ốt bán quần áo, giày dép, tài sản thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Theo Ban quản lý chợ, do đặc trưng của chợ Mỹ Chánh chỉ hoạt động vào buổi sáng, đến khoảng 13 giờ chiều thì các tiểu thương thu dọn hàng hóa cất vào kho rồi về nhà, không có cử người trông coi, nên khi xảy ra sự cố cháy thì không kịp trở tay.
Nằm trong kế hoạch kiểm tra an toàn phòng, chống cháy nổ, tuần qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh đã đến kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Tại chợ Mỹ Chánh, sau hơn 3 tháng xảy ra vụ cháy, các tiểu thương tại đây đã có ý thức hơn trong việc đề phòng giặc lửa; ở một số quầy hàng, dây dẫn điện đã được thay mới và được luồn vào ống nhựa cách điện an toàn, mỗi gian hàng có trang bị bình chữa cháy tại chỗ. Hàng đêm, có người kiểm tra để đề phòng sự cố cháy. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp mất an toàn về PCCC; ở một số quầy hàng, tiểu thương tự ý câu, mắc điện sai quy cách, không đảm bảo an toàn về PCCC như: dây dẫn điện còn để tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu dễ cháy như vải, túi nilon; táp-lô điện để rất gần với nơi treo quần áo; cá biệt có trường hợp tiểu thương còn treo quần áo lên dây dẫn điện, điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần xảy ra việc phóng điện từ ổ cắm với chuôi điện, hay chập dây dẫn điện thì sẽ gây cháy. Nguy hiểm hơn, tại một số ki-ốt, nhiều tiểu thương còn mắc bóng đèn chiếu sáng tiếp xúc trực tiếp với quần áo.
Tại chợ Ba Tri, hàng hóa được các tiểu thương bày bán tràn lan, che chắn hầu hết các lối đi, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy cục bộ thì sẽ rất dễ dẫn đến cháy lan sang các dãy quầy hàng khác; đồng thời việc lấn chiếm các lối đi sẽ gây khó khăn trong việc dập lửa, cứu người bị nạn và tài sản khi có cháy xảy ra.
Những thực trạng trên cho thấy nguy cơ cháy tại các chợ vẫn còn ở mức rất cao. Trong khi đó, các biện pháp đề phòng giặc lửa tại các chợ vẫn còn nhiều vấn đề bất cập rất đáng lo ngại; nhiều chợ chưa có phương án PCCC, dụng cụ chữa cháy vừa thiếu vừa rất cũ kỹ, không đảm bảo an toàn.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy tại các chợ, trung tâm thương mại có thể xảy ra, Ban quản lý các chợ cùng bà con tiểu thương cần lưu ý một số vấn đề sau: “Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC đến các hộ kinh doanh trong chợ để nâng cao kiến thức và ý thức của mọi người trong hoạt động PCCC, không để cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên tổ chức tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện các thiếu sót, khắc phục ngay những yếu tố không đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, bố trí, sắp xếp hàng hóa. Chú trọng trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định. Củng cố, tổ chức lực lượng PCCC cơ sở đảm bảo và được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định, tổ chức tốt công tác thường trực chữa cháy để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ đầy đủ và tổ chức học tập, thực tập định kỳ hàng năm theo quy định. Khi có cháy xảy ra, song song với việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải điện thoại ngay số 114 để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ kịp thời dập tắt đám cháy.