Nguyễn Đình Chiểu “trong con mắt ” của các học giả nước ngoài

30/06/2022 - 12:16

BDK - Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có một vinh dự đặc biệt: Đó là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng nước ngoài. Năm 1864, Aubaret dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, in trên tập san Châu Á (Journal Asiatique). Aubaret là Trung tá Hải quân Pháp, giỏi tiếng Việt, sau làm Lãnh sự Pháp ở Bangkok. 20 năm sau bản dịch Lục Vân Tiên của Aubaret thì Truyện Kiều của Nguyễn Du mới được dịch ra tiếng Pháp qua bản dịch của Abel des Michels (1838 - 1910): Bản Kim Vân Kiều truyện do Nhà xuất bản (NXB) Ernest Leroux ấn hành năm 1884. Trước đó 1 năm, năm 1883, Lục Vân Tiên cũng đã được Abel des Michels dịch ra tiếng Pháp và cũng in ở NXB trên.

Lục Vân Tiên, Aubaret dịch năm 1864 và Lục Vân Tiên, bản tiếng Nhật.

Lục Vân Tiên, Aubaret dịch năm 1864 và Lục Vân Tiên, bản tiếng Nhật.

Các bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng nước ngoài

Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều của Nguyễn Du (Truyện Kiều được dịch ra 21 thứ tiếng với 86 bản dịch) và thơ Hồ Xuân Hương (12 thứ tiếng với 30 bản dịch). Cụ thể: Lục Vân Tiên được dịch ra 5 thứ tiếng với 11 bản dịch:

Tiếng Pháp: (1) Gabriel Aubaret, Luc-Van-Tien, Poème populaire annamite, traduit par Gabriel Aubaret, Consul de France a Bangkok. Extrait No1 de l’année 1964 du Journal asiatique, Sixième Série, Tome III, Paris. Imprimerie Impériale, 1864 (Luc-Van-Tien, truyện thơ phổ biến của người An Nam, Gabriel Aubaret, Lãnh sự Pháp tại Bangkok dịch, Tạp chí Á Châu, loại thứ sáu, tập III, Nhà in Hoàng Gia, Paris, 1864). (2) Les Poèmes de l’Annam (Lục Vân Tiên ca diễn): Texte en caractères figuratifs (văn bản bằng chữ tượng hình), Abel des Michels, Giáo sư Trường Sinh ngữ phương Đông (l’ Ecole des Langues Orientales) dịch,  Ernest Leroux, Paris, 1883, tái bản ở Pháp, 2012. (3) Histoire du Grand lettré Louc Vian Té-ian, poème populaire annamite, Tranduction libre en vers francais par EugèneBajot (Chuyện danh sĩ Lục Vân Tiên, truyện thơ phổ biến của người An Nam, dịch sang thơ tự do tiếng Pháp bởi EugèneBajot), Saigon, Rey et Curiol, 1886, tái bản ở Pháp, 2010. (4) Lục - Vân - Tiên: Poèmeannamite de Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên, truyện thơ An Nam của Nguyễn Đình Chiểu), Nghiêm Liễn (Đỗ Đình Nghiêm và Ngô Vi Liễn) dịch, Impr. Le Van Tan xuất bản, Hà Nội, 1927. (5) Lục Vân Tiên. Tập 1 và 2, Dương Quảng Hàm dịch, Ed. Alexandre de Rhodes xuất bản, Hà Nội, 1944. (6) Lục Vân Tiên, Việt Pháp văn hỗn hợp, Phan Văn Thiết dịch, Sài Gòn 1972.(7) Truyện Lục Vân Tiên, Song ngữ NXB Thế giới, Hà Nội, 1997.

Có một bản Lục Vân Tiên nữa hay được nhắc đến là bản Lục Vân Tiên: Poème populaire annamite (Truyện thơ phổ biến của người An Nam) của Gustave Janneau, Đốc học trường Thông ngôn Saigon/ Collège des Interprètes. Challamel Ainé, Paris, 1873. Nhưng đây là bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ, chú thích bằng Pháp văn chứ không phải bản dịch Pháp ngữ Lục Vân Tiên, cho nên không có trong danh sách trên.

Tiếng Anh: (8) Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên. 2 tập, Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh và École française d’Extrême-Orient, 2016 xuất bản. Sách tam ngữ: Quốc ngữ (bản Trương Vĩnh Ký) - Nôm (Lê Đức Trạch chép), Pháp văn (Abel des Michels, NXB. Ernest Leroux, 1883), Anh văn do Éric Rosencrantz dịch theo bản Lục Vân Tiên Pháp ngữ của Abel des Michels.

Tiếng Nhật: (9) Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Takeuchi Yonosuke/ Trúc Nội Dữ Chi Trợ dịch chú, Đại học thư lâm/ Daigaku shorin xuất bản, Tokyo, 1986.

Tiếng Hàn: (10) Lục Vân Tiên, Jeon Hye Kyeong (Toàn Huệ Khanh) và Lý Xuân Chung dịch ra tiếng Hàn, xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 2022.

Ngoài ra còn có bản Lục Vân Tiên dịch ra tiếng Thái (Tây Bắc Việt Nam).  (11) Quám Lục Vân Tiên phỏng dịch ra tiếng Thái cổ hàng trăm năm trước, hiện văn bản còn lưu Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Nguyễn Đình Chiểu trong con mắt người Pháp

Người đầu tiên dịch và giới thiệu Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp là Gabriel Aubaret (1825-1894). Gabriel Aubaret là Trung tá Hải quân Pháp giỏi tiếng Việt, sau đó chuyển sang ngạch ngoại giao làm Lãnh sự Pháp tại Bangkok. Aubaret từng dịch Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ra tiếng Pháp. Ông dịch và giới thiệu Lục Vân Tiên trên tập san Châu Á (Journal Asiatique), loại thứ sáu, tập III, do Imprimerie Impériale xuất bản năm 1864. Trong lời giới thiệu quyển sách, Aubaret đã ghi nhận sự nổi tiếng đặc biệt của tác phẩm này: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam Kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền, có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến cho những người có học thức không biết đến tác phẩm này, cũng như ở nước Pháp người ta không biết những tác phẩm viết bằng tiếng địa phương. Nhưng người ta không thể bảo truyện Lục Vân Tiên được viết bằng tiếng địa phương, vì không ở nơi nào khác người ta có thể tìm thấy những mẫu mực xứng đáng hơn của tiếng nói dân gian, việc nghiên cứu tác phẩm này là đúng đắn nhất cho những ai muốn hiểu “tiếng An Nam” một cách sâu sắc”. (Aubaret, 1864, tr.320).

Mặc dù Aubaret dịch truyện Lục Vân Tiên có thể chỉ là nhắm đến những mục tiêu chính trị thực dân trước mắt, nhưng ông ta cũng bị thu hút bởi tác phẩm này, ông viết tiếp: “Các bạn sẽ sẵn sàng tha thứ cho chúng tôi về thái độ quá thiên vị đối với tác phẩm nhỏ này mà phải thú thật là chúng tôi rất ưa thích. Chúng tôi đã nhận thấy ở tác phẩm đó những đặc tính căn bản của một dân tộc mà chúng tôi đã từng chung sống rất lâu, khiến chúng tôi đã luôn luôn coi đó là một trong những sản phẩm của trí tuệ con người đạt được cái ưu điểm hiếm có về tình cảm của cả một dân tộc”. (Aubaret, 1864, tr.321-322).

Aubaret là người đầu tiên dịch Lục Vân Tiên, ông dịch tác phẩm ngay khi Nguyễn Đình Chiểu còn khá trẻ, mới 42 tuổi. Aubaret không biết được tác phẩm này sẽ có đời sống rất phong phú, sẽ nổi tiếng ở Việt Nam cũng như thế giới mà ông không thể hình dung được, nhưng những nhận định ban đầu với những lời tốt đẹp ấy cho thấy ông cũng là người có con “mắt xanh” về tác phẩm này. 

EugèneBajot, Đốc học trường Chasseloup Laubat, Saigon trong lời giới thiệu quyển Lục Vân Tiên bản tiếng Pháp (Histoire du Grand lettré Louc Vian Té-ian, poème populaire annamite - Chuyên danh sĩ Lục Vân Tiên, truyện thơ phổ biến của người Annam), Saigon, Rey et Curiol, 1886, ông gọi Cụ Đồ là “người thi sĩ nhân dân của nước Việt Nam” và viết với sự kính trọng nhân cách cao thượng của ông: “Nhưng than ôi, một bệnh tật mới đã đến với nhà thơ mù: dần dần thính giác của ông bị tê liệt, mối quan hệ của ông với ngoại cảnh ngày một trở nên khó khăn. Tin ấy truyền ra trong giới người Nam, rồi không bao lâu người Pháp cũng hay biết. Dư luận báo chí đặt vấn đề cấp tiền dưỡng lão người thi sĩ nhân dân của nước Việt Nam hiện còn đương sống giữa chúng ta. Nhưng khi được hỏi ý kiến về việc này, Nguyễn Đình Chiểu trả lời ngay rằng ông lấy làm cảm kích về sự quan tâm của người Pháp đối với ông và rằng ông đang sống trong sự tôn kính đầy đủ của các môn đệ và sự quý mến của đồng bào ông”. (E.Bajot, 1886, tr.219-220).

Người Pháp biết Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân Nam Kỳ hết sức kính trọng, để lấy cảm tình của dân chúng, họ cũng tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu bên cạnh việc kiểm duyệt xuất bản tác phẩm của ông. E.Heoffel (Hốp-phen), Thống đốc Nam Kỳ 1942 - 1945 từng tham gia hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày mất Nguyễn Đình Chiểu của các nhân sĩ trí thức Nam Kỳ tổ chức ngày 27-6-1943 ở Ba Tri, Bến Tre. Trong ngày ấy ông đọc bài diễn văn sang sảng ngợi ca Nguyễn Đình Chiểu, cố lái các giá trị Nguyễn Đình Chiểu chỉ thu lại trong đạo đức Nho gia. Ông viết: “Hôm nay cuộc lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu, một bậc văn nhân tài hoa đất Việt mà lại là tác giả quyển Lục Vân Tiên. Bổn chức ví như tảng đá trụ cột để giúp vào việc kiến lập nền phục hưng ấy cho quốc dân nhờ.

Thật vậy, cụ soạn ra quyển Lục Vân Tiên cốt ý là để giáo huấn môn sinh, sau nữa để khuyên đời, răn chúng cho nên từ đầu chí cuối, cụ đem cái học thuyết Khổng - Mạnh và cái luật nhân quả báo ứng ra mà phô diễn.

Rồi toàn truyện, cụ dùng những lời lẽ giản dị thông thường, nhưng thanh tao lưu loát mà phu giáo: tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Những vai Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực, Tiểu Đồng, Trịnh Hâm, Võ Thể Loan... mỗi vai đều tiêu biểu, đều làm gương sống riêng cho thuyết trung, hiếu, tiết, nghĩa, liêm sỉ, vô đạo, bất đức, rồi kết cuộc được thăng thưởng hay bị hình phạt, khiến cho mọi người dễ hiểu, dễ cảm, bất luận là thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Nói tóm lại quyển Lục Vân Tiên gồm cả Tứ thư, Ngũ kinh, hay là một quyển “Phong hóa tập giải” rất linh hoạt vậy”. (E.Heoffel, 1943).

Gần đây nhất là trong Từ điển văn học phổ thông (Dictionnaire universel des littératures) bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1994, trong mục từ Nguyễn Đình Chiểu, từ điển này viết như sau: “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhà thơ mù, quê ở Gia Định (Nam Việt Nam), là tác gia tiêu biểu cuối cùng của nền văn học cổ điển Việt Nam. Trong tác phẩm của ông, người ta có thể thấy những đặc tính tiêu biểu của văn học cổ điển: chữ Nôm, đạo đức Nho giáo về lòng trung quân, lòng hiếu thảo, liêm sỉ và chính nghĩa; đồng thời thấm nhuần trong ấy truyền thống yêu nước và nhân văn cao cả. Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông thể hiện hình tượng con người lương thiện của nhà Nho, là một tác phẩm văn học kinh điển đến nay vẫn được đánh giá cao. Trong các lễ tang lớn, Nguyễn Đình Chiểu còn nổi tiếng với các bài văn tế tưởng nhớ những người kháng chiến chống thực dân Pháp như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh trận vong. Các tác phẩm này thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước Việt Nam, đồng thời trong các bài văn tế này, từ thực tế lịch sử chống Pháp nổi lên hình tượng người nông dân, sau này trở thành một nhân vật quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại”.  (Béatrice Didier, 1994. p.4030).

Có thể thấy Pháp là nước biết đến Nguyễn Đình Chiểu đầu tiên và các học giả Pháp là những người đầu tiên giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu đến với công chúng Pháp, rồi từ Pháp mà giới thiệu đến nhiều nước khác trên thế giới. Có thể ban đầu khi dịch tác phẩm này họ làm vì mục đích chính trị trước mắt, nhưng với thời gian, các mục tiêu ấy mờ đi mà các giá trị văn hóa lại nổi lên. Nước Pháp vẫn là quốc gia kiên trì giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu cho độc giả Pháp và thế giới từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay.

Nguyễn Đình Chiểu trong con mắt của các học giả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản

Hoàng Dật Cầu 黄轶球 (1906 - 1990), Giáo sư Đại học Kí Nam, Quảng Châu, thuộc thế hệ các nhà Việt Nam học đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông được biết đến là dịch giả đầu tiên tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959). Năm 1972, ông có đến Việt Nam tham dự hội thảo kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu tổ chức ở Hà Nội. Tại hội thảo, ông trình bày tham luận Lược khảo về hai tên sách “Truyện Tây minh” và “Truyện Tam công”. Hoàng Dật Cầu là người đầu tiên giải thích Truyện Tây minh mà Nguyễn Đình Chiểu nhắc đến trong đoạn mở đầu tác phẩm của mình: “Trước đèn xem truyện Tây minh/ Nực cười hai chữ nhân tình éo le”.

Ông khẳng định “Truyện Tây minh” không phải là một cuốn tiểu thuyết nào của Trung Quốc hay một cuốn sách tưởng tượng như các nhà nghiên cứu đã nói, mà “Truyện Tây minh nên dịch là 西銘?传 mà nói đơn giản là bài Tây minh của Trương Tái, nhà Lý học đời Tống ở Trung Quốc”. Tiếp theo ông giải thích nguồn gốc và giá trị của Tây minh truyện của Trương Tái: Tây minh là đoạn văn chủ chốt trong sách Chính mông, một trước tác triết học của Trương Tái. Chu Hy chú giải cho đoạn văn này, tách riêng ra thành một bài và công nhận mốc cao nhất trong triết học của Trương Tái chính là bài Tây minh. Đương thời Trình Di khen bài này là trước tác quan trọng nhất của nhà Nho sau sách Mạnh Tử. Còn so với Nguyên đạo của Hàn Dũ thì có thể nói bài này là “tổ tông của Nguyên đạo”. Đó là vì lý tưởng nhà Nho được phát huy trong Nguyên đạo còn xa mới đạt tới đỉnh cao như Tây minh. (Viện Văn học, 1973, tr.500-501).

Ông chứng minh Nguyễn Đình Chiểu tiếp thu tinh thần Tây minh truyện của Trương Tái vì lý tưởng của Nguyễn Đình Chiểu giống với Trương Tái, nội dung truyện Lục Vân Tiên cũng nhất trí với tư tưởng của Tây minh truyện: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho. Việc đi thi, dạy học, nghiên cứu kỹ binh lược, chí hướng bình sinh của ông, một phần nào đó khá giống Trương Tái. Còn nội dung những sáng tác của ông có thể nói là hoàn toàn nhất trí với tinh thần nhân, hiếu của nhà Nho mà Tây minh đề xướng. Vả lại trong bài Tây minh Trương Tái đã miêu tả một cách hình tượng một số nhân vật điển hình cho nhân, hiếu của nhà Nho… Ở Lục Vân Tiên, những nhân vật chính diện được xây dựng với cả tấm lòng như ông Quán với lời bộc bạch lý tưởng của ông, đã chẳng khác các bậc thánh triết đời xưa mà Tây minh ca tụng chút nào”. (Viện Văn học, 1973, tr.501-502).

Giải thích “Truyện Tam công” mà Ngư tiều y thuật vấn đáp nhắc đến trong đoạn mở đầu: “Ngày nhàn xem truyện Tam công/ Thương người hiền sĩ sinh không gặp thời”. Hoàng Dật Cầu cho rằng: Truyện Tam công là truyện về ba vị công thần đời Thuấn tài giỏi, có công lớn giúp dân, đó là: Vũ làm chức Tư không, chỉnh đốn việc trị thủy; Khí làm chức Hậu tắc, gieo trồng trăm thứ lúa; Cao Dao làm chức Sĩ, phát triển giáo hóa. Việc này có ghi trong Kinh thư, Nghiêu điển và sau đó được Tư Mã Thiên thuật rõ trong Sử ký. (Viện Văn học, 1973, tr.507).

Đánh giá chung về vị trí và đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu, Hoàng Dật Cầu viết: “Tác giả (Nguyễn Đình Chiểu) đã biết cách tiếp thu những phần nào có thể tham khảo được trong văn học cổ điển Trung Quốc, rồi phát triển có tính sáng tạo, làm phong phú thêm tính tư tưởng và tính nghệ thuật của tác phẩm, để phục vụ hiện thực xã hội đương thời. Đặc sắc nổi bật nhất và thành tựu ưu việt nhất của nền văn học đó là ở chỗ ấy”. (Viện Văn học, 1973, tr.515).

Tiếp theo Hoàng Dật Cầu có nhiều nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục nghiên cứu về văn học cổ điển Việt Nam, trong đó có Lưu Chí Cường. Lưu Chí Cường - Tiến sĩ văn học ở Đại học Bắc Kinh, hiện là Giáo sư (GS), Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Văn hóa phương Đông, Đại học Ngoại thương Quảng Đông. Trong công trình Nghiên cứu danh tác văn học cổ điển Việt Nam, GS Lưu dành mục IV chương IV “Sự phát triển của danh tác văn học cổ điển Việt Nam” để viết về Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên. Đánh giá về giá trị của Lục Vân Tiên, Lưu Chí Cường viết: “Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu lấy tư tưởng trung hiếu tiết nghĩa xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, trong đó có liên quan đến tình phụ tử, mẫu tử, tình nghĩa phu thê, tình bằng hữu, cái mối giao hòa lúc hoạn nạn… Tác phẩm đồng thời còn tôn sùng tinh thần nghĩa hiệp, ví như trong Lục Vân Tiên có anh hùng cứu mỹ nhân, Hán Minh trừng trị bọn nho sinh họ Trịnh… Tác phẩm thể hiện khát vọng về một xã hội công bằng, nhân tính thiện mỹ, chính nghĩa thắng gian tà… Tác phẩm cũng ngầm chế giễu sự hủ bại của xã hội phong kiến như quan phủ bóc lột chúng dân, ỷ mạnh hiếp yếu, kẻ giàu có khinh miệt người nghèo; xã hội rối ren, lừa gạt hoành hành khắp nơi, nước Ô Qua xâm lăng là hình ảnh ẩn dụ cho việc nước Pháp xâm lược, sau đó, Vân Tiên và Hớn Minh lại cùng nhau chống giặc, ngầm ẩn dụ ca ngợi tinh thần yêu nước của chí sĩ Việt Nam”. (Lưu Chí Cường, 2021, tr.227-228).

Nói đến các nhà Việt Nam học của nước Nga không ai không biết đến Giáo sư Nikuline. Nikolai Ivanovich Nikulin - GS. TS Khoa học làm việc tại Viện Văn học thế giới Gorki, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Ông có thâm niên 50 năm nghiên cứu văn học Việt Nam, làm luận án tiến sĩ Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, năm 1976. Năm 1972, ông có tham gia hội thảo kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu với tham luận Nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam, trong bài viết ông đánh giá: “Đặc điểm của thiên truyện là sức mạnh cao cả của sự trong sạch đạo đức: cũng như Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên bị mù trong khi chịu tang mẹ. Điều đó nói rõ lòng hiếu thảo của người con và nỗi đau xót về sự tổn thất rất lớn lao. Cũng như nhà thơ, nhân vật chính của thiên truyện bị bố mẹ của vị hôn thê khước từ sau khi biết tin chàng gặp nỗi bất hạnh đó. Sự giống nhau đến đây chưa phải là hết. Chính hình tượng Lục Vân Tiên là nơi tập trung lại những nguyện vọng chủ quan của nhà thơ. Hình tượng này đã thể hiện những quan điểm và chính kiến của tác giả mà Đồ Chiểu suốt đời đã trung thành...

“Nhưng Lục Vân Tiên không chỉ là hình bóng của tác giả mà là hình tượng nghệ thuật do trí tưởng tượng của nhà thơ dựng lên. Đó là một vị văn nhân uyên bác, một nhà thơ, đồng thời là một trang tráng sĩ đã cứu nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp khỏi tay bọn lục lâm”. (Viện Văn học, 1973, tr.392-393).

Đánh giá về nghệ thuật tác phẩm, Nikulin viết: “Bút pháp của nhà nghệ sĩ không chút đơn điệu. Ông cũng đưa vào thiên truyện những cảnh có tính chất sinh hoạt và mang đậm màu sắc châm biếm”. (Viện Văn học, 1973, tr.394). Về đoạn kết Lục Vân Tiên, GS có cảm nhận khá đặc biệt: “Đoạn kết của truyện thơ là một cảnh tượng huy hoàng. Nó vừa mang tính chất anh hùng ca lại vừa mang tính chất lạc quan: mắt Lục Vân Tiên lại sáng ra (có thể hiểu theo nghĩa bóng vì bây giờ chàng đã hiểu thấu những cái mà trước kia được giấu kín trong lòng người), chàng lại lập công đánh tan giặc ngoại xâm: “Vân Tiên đầu đội kim khôi/ Tay cầm siêu bạc mình ngồi ngựa ô”. Và tìm thấy hạnh phúc trong cảnh sum họp với nàng Kiều Nguyệt Nga, người từng được chàng bảo vệ danh dự và cứu mạng”. (Viện Văn học, 1973, tr.394).

Năm 1977, GS.TS Nikulin hoàn thành công trình Lịch sử văn học Việt Nam (NXB Khoa học, Matxcơva xuất bản). Công trình này được PGS.TS Trần Thị Phương Phương và nhiều người khác dịch ra tiếng Việt và được NXB Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, xuất bản năm 2007. Phần B của công trình: “Văn học Việt Nam sơ khảo”, mục 3: “Văn học cận đại”, đoạn nói về Nguyễn Đình Chiểu, tác giả công trình viết: “Đặc trưng của truyện thơ đó là những nét tự thuật của tác giả - điều đó rõ ràng gắn liền với sự tăng cường nhân tố cá nhân trong văn học. Việc đưa những sự kiện có thật trong cuộc đời của nhà thơ vào thiên trường ca nói lên rằng nhà thơ đã coi những sự kiện đó là đáng kể, đáng chú ý tới. Những hình tượng của thiên trường ca là sự nhân vật hóa cái thiện và cái ác. Nhân vật Lục Vân Tiên là một nhà thông thái, một thi sĩ và một dũng sĩ. Chàng đã đánh tan bọn cướp cứu được Kiều Nguyệt Nga. Sau đó chàng bị mù, nhưng rồi bằng một phép màu nhiệm chàng đã sáng mắt lại, lập được công danh và lấy Kiều Nguyệt Nga”. (I.N.Nikulin, 2007,  tr. 677).

Về văn học nửa cuối thế kỷ XIX, ông viết: “Chính Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng nên hình tượng người dân binh - người nông dân vừa rời tay cày để cầm vũ khí: “Việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy tay vốn quen làm/ Tập khiên tập súng tập mác tập cờ mắt chưa từng ngó”.

Dầu vậy, những người yêu nước Việt Nam cũng không sợ “tàu thiếc tàu đồng súng nổ”. Họ căm thù quân giặc như “nhà nông ghét cỏ”. Sau khi Pháp mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, uy tín của các nhà Nho ở trong nước trở nên lớn mạnh: Tầng lớp sĩ phu phong kiến là một lực lượng xã hội có khả năng tổ chức quần chúng chống bọn xâm lược, còn những khẩu hiệu trung quân của đạo Khổng hồi đó về thực chất đã trở thành những lời hiệu triệu yêu nước được nhân dân hưởng ứng, đối lập với đạo Thiên chúa, bọn thực dân và những người Việt Nam phục vụ cho chúng là những kẻ đại diện. Nho giáo lúc đó là tượng trưng cho tất cả những cái vốn là Việt Nam chân chính. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Đình Chiểu trong những bài văn của mình không chỉ ca ngợi những chiến công hiển hách của nghĩa quân mà còn ca ngợi việc đốt các nhà thờ Thiên chúa giáo: Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia”. (I.N.Nikulin, 2007,  tr.683-685).

Năm 1986, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Takeuchi Yonosuke (Nhật Bản) 竹内与之助 / Trúc Nội Dữ Chi Trợ. Bản Lục Vân Tiên tiếng Nhật là bản dịch sớm thứ hai sau bản dịch tiếng Pháp, trước bản dịch tiếng Anh (The story of Lục Vân Tiên, Éric Rosencrantz dịch, NXB Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2016) và tiếng Hàn (GS Jeon Hye Kyeong dịch xuất bản ở Hàn Quốc, 2022). GS Takeuchi Yonosuke sinh năm 1922, ở tỉnh Yamaguchi (phía nam Nhật Bản), mất năm 1999. Năm 1941, ông tốt nghiệp Khoa Pháp văn Trường Ngoại ngữ Osaka. Năm 1957, ông giảng dạy tại Trường Đại học Kita Kyushu (tỉnh Fukuoka), rồi được điều về Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo để xây dựng bộ môn Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam như: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên… Tất cả những sách này đều được Đại học Thư Lâm (Daigaku shorin) ấn hành.

Năm 1985, ông dịch xong Lục Vân Tiên và cho NXB Đại học Thư Lâm xuất bản. Trong lời nói đầu bản in tiếng Nhật, Takeuchi đánh giá Lục Vân Tiên là một trong ba tác phẩm văn học cổ điển hàng đầu của Việt Nam mà hai quyển kia là Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm khúc. Nhận xét về đặc điểm và giá trị của tác phẩm, GS Takeuchi đã thấy rõ được tính chất đạo lý và ngôn ngữ bình dị của tác phẩm, ông viết: “Sáng tác truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu bộc lộ ý định khuyên nhủ học trò và người nhà giữ gìn đạo lý truyền thống của người Việt Nam trong thời buổi ấy. Để làm điều đó, Cụ Đồ không dùng từ ngữ, văn thể cách điệu cao như trong Kim Vân Kiều tân truyện hay Chinh phụ ngâm khúc mà dùng từ ngữ gần với khẩu ngữ, bình dị, chất phác như lời ăn tiếng nói của người dân quê. Phương ngôn Nam Bộ ấy được dùng khắp trong tác phẩm” (Lời giới thiệu Lục Vân Tiên).

Cũng trong lời giới thiệu trên, khi so sánh nhân vật Thúy Kiều và Lục Vân Tiên, GS Takeuchi có phát hiện thú vị: “Trong Kim Vân Kiều tân truyện, Thúy Kiều - nhân vật chính đã thực hiện báo ân báo oán, không dung thứ với những người đã hãm hại nàng. Điều ấy phải chăng là kết quả của thái độ ứng xử nghiêm khắc của một người làm chính trị như tác giả Nguyễn Du. Trong khi đó, nhân vật chính Lục Vân Tiên lại không hề trừng phạt trực tiếp Võ Thể Loan là người đã bội ước với mình, Trịnh Hâm là bạn học đã hại mình, phải chăng vì Nguyễn Đình Chiểu là nhà yêu nước hiền từ bị khiếm thị?”.

Dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Nhật, GS Takeuchi đã dịch ra văn xuôi khoảng 1.000 câu và chú thích rất kỹ. Văn bản mà ông dựa vào là bản Nôm và tham khảo bản dịch tiếng Pháp Lục Vân Tiên ca diễn của Abel des Michel, bản dịch rất công phu có tính học thuật cao. Bản tiếng Việt ông dựa vào bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản, Hà Nội, 1975), một văn bản rất phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó GS Takeuchi còn tham khảo nhiều bản Nôm và Quốc ngữ khác. Phần phụ lục, bản GS Takeuchi có in nguyên văn bản Nôm Lục Vân Tiên bằng phần mềm tạo chữ của máy tính. Có thể nói bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Nhật là bản dịch công phu, nghiêm cẩn, theo phong cách hàn lâm, rất có giá trị.

GS. TS Đoàn Lê Giang

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

--------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Aubaret (1864), Lời nói đầu bản dịch truyện Lục Vân Tiên của Aubaret, Kỷ yếu châu Á, loại thứ sáu, tập III, 1864, Vũ Đình Liên dịch, in trong Nguyễn Đình Chiểu: Truyện Lục Vân Tiên, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976.

2. Béatrice Didier (1994), Dictionnaire universel des littératures / sous la direction de Béatrice Didier. Paris: Presses universitaires de France, 1994. Tome 3

3. E.Bajot (1886), Histoire du Grand lettré Louc Vian Té-ian (Chuyện danh sĩ Lục Vân Tiên), poème populaire annamite, Tranduction libre en vers francais par Eugène Bajot, Saigon, Rey et Curiol, in trong Thạch Phương chủ biên: Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời, Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh Bến Tre xuất bản, 1982

4. E.Heoffel (1943), Diễn văn của quan Thống đốc Heoffel, trong bài “Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu”, Đại Việt tập chí, số 19 năm 1943

5. I.N.Nikulin (2007), Lịch sử văn học Việt Nam, Trần Thị Phương Phương và nhiều người khác dịch, NXB.Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, TP.Hồ Chí Minh

6. Lưu Chí Cường (2021), Nghiên cứu danh tác văn học cổ điển Việt Nam, Phạm Văn Ánh và nhiều người khác dịch, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Nguyễn Đình Chiểu (1986), Lục Vân Tiên, Takeuchi Yonosuke/ Trúc Nội Dữ Chi Trợ dịch chú, Đại học thư lâm/ Daigaku shorin xuất bản, Tokyo, 1986

8. Nguyễn Thế (2022), Truyện thơ Lục Vân Tiên bằng tiếng Thái cổ ở Sơn La, Tạp chí Sông Hương, số 45 tháng 6 năm 2022

9. Viện Văn học, Uỷ ban KHXH VN (1973), Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, NXB.KHXH, Hà Nội

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN