Nguyễn Mạnh Cường - Vận động viên chạy bộ phong trào xuất sắc của BIDV: Làm sao để không 'cả thèm chóng chán' khi tập luyện chạy bộ

18/03/2024 - 13:12

Phong trào tập luyện chạy bộ phát triển mạnh mẽ trong nhứng năm vừa qua khi số người tập luyện chạy bộ gia tăng rõ rệt. Rất nhiều câu lạc bộ chạy được ra đời, số giải chạy được tổ chức lên đến cả trăm giải mỗi năm và số vận động viên tham gia các giải chạy lên đến đơn vị vạn người. Tuy nhiên qua quan sát, anh Cường nhận thấy, cùng với việc ngày càng có nhiều người tập luyện mới thì cũng có nhiều người rời bỏ việc tập luyện chỉ sau một thời gian ngắn. Là một chân chạy có kinh nghiệm và bền bỉ trong việc tập luyện nhiều năm, anh Cường có một số lời khuyên cho những người luyện tập phong trào để không gặp phải tình chán chạy, hay mất hứng thú chạy bộ (dân chạy bộ hay gọi với thuật ngữ “Blue”).

Thứ nhất, theo anh Cường chạy bộ là một môn thể thao đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ. Nếu tập luyện với mong muốn sẽ tiến bộ thì cần xác định ngay từ đầu việc tiến bộ nhanh và ngay lập tức trong một thời gian ngắn là không thể đạt được. Với chạy bộ, việc tiến bộ sẽ diễn ra từ từ, theo từng mức độ theo sự thích của cơ thể với cường độ, và khối lượng tập luyện. Do vậy, chúng ta không nên so sánh với những người đã tập lâu năm khi mới tập luyện mà hãy tập luyện và so sánh với chính bản thân theo thời gian thì hàng ngày, hàng tuần bạn sẽ được tận hưởng những niềm vui từ sự tiến bộ nho nhỏ.

Thứ hai, theo anh Cường, ngay cả khi người tập luyện đã xác định được tâm thế tập luyện là để chiến thắng bản thân, để có được kết quả tốt hơn so với chính mình ngày hôm qua thì hiện tại cũng có nhiều vận động viên tập luyện chưa thực sự đúng phương pháp, hoặc áp dụng rập khuôn cách tập của người khác, điều này cũng dễ dẫn đến việc mất hứng thú tập luyện. Qua quan sát anh Cường thấy có hai xu hướng tập luyện, xu hướng thứ nhất là tập luyện thiên về khối lượng với việc vận động nhẹ nhàng trong toàn bộ thời gian tập, tức là chậm chậm và chạy nhiều. Xu hướng thứ hai là chạy quá nhanh, xỏ giày tập là chạy nhanh với suy nghĩ “muốn chạy nhanh được thì phải tập nhanh”, tập bằng tốc độ mong muốn khi tham gia các giải chạy. Theo anh Cường cả hai cách tập luyện này đều chưa thực sự phù hợp với dân phong trào. Đối với cách tập thứ nhất, dân phong trào thường gọi là tập luyện theo phương pháp MAF, do thời gian dành cho việc tập có hạn vì phải đi làm cả ngày, nên mặc dù về cường độ tập luyện đã đảm bảo theo phương pháp MAF, tuy nhiên khối lượng lại chưa đủ dẫn đến không tiến bộ nhiều, dễ gây chán nản. Đối với cách tập thứ hai, do chạy tốc độ quá nhiều dẫn tới khả năng xảy ra chấn thương cao, ngoài ra việc chạy tốc độ quá nhiều trên nền tảng sức bền chưa có cũng không đem lại hiệu quả. Chính vì vậy người tập luyện theo hai cách này thường dễ mất hứng và nhiều khi bỏ tập luyện sau một thời gian vì nghĩ rằng mình không hợp với môn thể thao này. 

Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, dân phong trào, những người thời gian làm việc chiếm phần lớn thời gian cần tập luyện một cách thông minh hơn. Cần kết hợp các phương pháp tập luyện để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều kiện về thời gian tập luyện mà mình có. Theo anh Cường, với những người mới chạy bộ, cần ưu tiên khối lượng tập luyện trong một thời gian, hãy chạy chậm với tốc độ thoải mái, kết hợp tập luyện bổ trợ như tập gym, tập luyện kết hợp với các môn thể thao khác như đạp xe, bơi lội… để giúp cải thiện sức mạnh, sức bền mà không gây quá nhiều áp lực cho đôi chân. Sau một thời gian, khi đã có được thể lực tốt, sức bền đảm bảo thì hãy kết hợp một số bài tập chạy nhanh trong tuần, như vậy việc tập luyện sẽ diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.

Tập luyện chạy bộ có tính cá biệt cao, không nên tập theo cách người khác tập luyện mà cần biết lắng nghe cơ thể, bổ khuyết những điểm mà mình đang thiếu để việc tập luyện hiệu quả và mỗi sự khám phá, chinh phục đó sẽ tạo hứng thú cho bạn trong quá trình tập, anh Cường chia sẻ.

 
Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích