Nhà báo trẻ xứ Dừa với “thuận và khó”

19/06/2012 - 17:38
Chọn góc trước khi chụp ảnh báo chí. Ảnh: Hoàng Vũ

Tháng 6 - người làm báo lại có dịp nghĩ về nghề báo. Trong lực lượng đông đảo nhà báo đang hoạt động trong ngành báo chí tỉnh Bến Tre hiện nay, đội ngũ nhà báo trẻ chiếm một số lượng đáng kể. Theo nhận xét của nhiều bậc “tiền bối”, đây được xem là đội ngũ “tràn đầy năng lượng”, thể hiện sự năng nổ, nhiệt huyết, là thế hệ kế thừa cho “làng báo” xứ Dừa.

Nhà báo trẻ trong giai đoạn mới có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các bậc cha, chú ngày xưa, nhưng bên cạnh đó, thách thức cũng không phải là ít. Với sức trẻ và niềm tin, họ vẫn đang ngày ngày phấn đấu...

 

Nhà báo trẻ nghe…

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghề báo cũng là một ngành nghề lao động để góp phần xây dựng xã hội ngày thêm tiến bộ. Nhưng nghề báo có những đặc thù riêng (là nghề tuyên truyền) và những người làm báo đòi hỏi phải “tôi luyện” rất nhiều để làm nghề báo. Người cầm bút (phóng viên) được xem là đội ngũ nòng cốt, kết hợp với nhiều bộ phận khác trong ngành báo để làm nên một sản phẩm báo chí phục vụ công chúng. Đi và tư duy là hai đặc điểm nổi bật của người cầm bút. Nhưng đó chỉ là phần cơ bản; thật ra, nhà báo còn phải rèn luyện nhiều yếu tố khác: cầu tiến, kiên trì, nhạy bén, cảm xúc trước các vấn đề diễn ra trong cuộc sống, bản lĩnh, kinh nghiệm... Rèn luyện để có những yếu tố trên là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với những cây bút trẻ, dù hiện nay, họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi hơn xưa. Đó cũng là nhìn nhận chung của những người làm báo “thâm niên”.

Theo quan điểm của nhà báo Hoàng Lê - nguyên Phó Tổng  Biên tập Báo Đồng Khởi, nguyên Giám đốc Đài PTTH Bến Tre, nhà báo trẻ có nhiều cơ hội tốt để thể hiện tài năng. Đó là điều kiện làm việc rất tốt so với giai đoạn trước kia: được học qua trường lớp hẳn hoi, phương tiện tác nghiệp hiện đại, đường sá đi lại dễ dàng... Vấn đề còn lại là tinh thần làm việc và hiệu quả công việc. Có điều kiện tốt như vậy, nên phải làm hết mình; phải có trách nhiệm với từng bản tin, bài viết của mình, phản ánh các vấn đề đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng... Ông Hoàng Lê cũng nhìn nhận, đội ngũ nhà báo trẻ tỉnh nhà hiện nay nhìn chung rất nhiệt huyết, xông xáo, nhạy bén, tuy nhiên, không nên đặt nặng về “số lượng” và cần phải chú trọng về “chất lượng” trong từng bản tin, bài viết…

Nhà báo lão thành cách mạng Thanh Hải cũng đồng quan điểm trên. Bà cho rằng, nhà báo trẻ không chỉ có thuận lợi về điều kiện làm việc mà cả trong việc tiếp cận thông tin. Theo bà, một vấn đề hết sức quan trọng mà có thể nói, nhà báo trẻ hiện nay rất cần phải chú ý là việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, cầm bút thật vững vàng để đấu tranh với cái xấu nhưng phải đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Muốn đạt được điều đó, không có gì khác hơn là nhà báo trẻ phải rèn luyện, luôn trau dồi nghề nghiệp và học hỏi. Ngoài ra, sự cẩn thận, chính xác, trung thực cũng là những yếu tố “bất di bất dịch” đối với nhà báo nói chung, đặc biệt là nhà báo trẻ nói riêng.

                       

Nhà báo trẻ nói…

Nhìn từ thực tế, nhà báo trẻ trong “làng báo xứ Dừa” hiện nay (kể cả báo in, báo nói, báo hình) rất thuận lợi về điều kiện làm việc, phương tiện tác nghiệp và chế độ… Nhưng bên cạnh đó, họ cũng có những trăn trở, những thách thức trong quá trình tác nghiệp, chặng đường đi cùng nghề báo.

Theo số đông nhà báo trẻ, một trong những khó khăn họ gặp phải là việc xây dựng lòng tin đối với các nhân vật là lãnh đạo các cơ quan chủ lực. Dù luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các vị lãnh đạo để phóng viên hoàn thành nội dung tác phẩm báo chí, nhưng vì lý do thời gian của các vị lãnh đạo không nhiều và vì những lý do khác nữa, nên đôi khi nhà báo trẻ cũng phải “chật vật” lắm mới có thể tiếp cận, thu thập thông tin. Đối với việc cung cấp thông tin, hầu hết các cơ quan trong tỉnh đều rất nhiệt tình hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ nhà báo hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi cơ quan chủ quản đồng ý cung cấp thông tin mà nhân viên văn phòng “không vui”, thì cũng là nỗi lo cho nhà báo.

Đối với việc trau dồi nghề nghiệp, nhà báo trẻ S.T (Đài Truyền thanh Bình Đại) đã bày tỏ mong mỏi có cơ hội được học tập thêm thông qua các lớp tập huấn nghề nghiệp, vì hiện nay, việc tổ chức các lớp tập huấn cũng còn quá ít so với nhu cầu. Nhà báo trẻ T.T (Đài PTTH Bến Tre) cho rằng, nội dung các lớp tập huấn dành cho báo hình còn ít, chủ yếu tập trung nhiều ở báo in. Số đông các nhà báo trẻ cho rằng, điều kiện gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà báo trẻ còn quá… hiếm hoi. Vậy có gì trở ngại khi các nhà báo trẻ mong muốn thành lập một câu lạc bộ dành riêng cho mình. Tuy được đánh giá là nhiệt huyết, xông xáo nhưng nhà báo trẻ lại còn rất “non” về bản lĩnh chính trị,  không nhạy cảm các vấn đề xã hội. Theo nhà báo C.T (Báo Đồng Khởi) để nâng cao tầm nhìn, năng lực của nhà báo trẻ thì ngoài việc tự rèn luyện, nhà báo trẻ cũng rất cần sự dìu dắt, định hướng, chia sẻ của những người đi trước.

Tháng 6 về, mừng “sinh nhật” nghề, nhà báo trẻ lại có dịp nhìn lại chặng đường làm báo “chưa dài lắm” của mình để suy nghĩ, để vui cùng nghề và cũng để tự nhủ lòng phấn đấu nhiều hơn.

Anh Luân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN