Từ bi, bác ái, độ lượng…có ở tất cả các nhà chùa, nhưng ở chùa Phật Minh (ấp Hòa An, Giao Hòa, Châu Thành), lòng từ bi, độ lượng ấy đã thể hiện rõ qua việc nuôi nấng, chăm sóc trẻ em.
Tọa lạc nơi đây từ nhiều thập niên về trước, nhà chùa đã là nhà chung của nhiều số phận trẻ em cơ nhỡ. Trong chùa hiện có 23 em, với những số phận khác nhau. Có em do cha mẹ bỏ rơi, có em mồ côi, nghèo khó, nhưng các em đều được chăm sóc chu đáo. Đứa bé nhất được 3 tuổi, còn em lớn nhất đã thành công dân tuổi đời mười tám. Các em vào chùa chỉ bởi thiếu ăn, khát uống. Nhưng rồi, từ lòng hảo tâm, rộng lượng, Thích nữ Ngộ Mai- Trụ trì chùa đã đùm bọc các em như những người thân của mình. Sư cô Ngộ Mai cho biết, trong những lần đi cứu trợ, hoạt động từ thiện, tôi thấy những cảnh thương tâm của các em. Tôi đem các em về nuôi nấng, dạy dỗ. Đến nay, sau hơn 18 năm, tôi đã nuôi dạy khoảng 40 em; đã có vài ba trường hợp các em được gia đình đến nhận về đoàn tụ.
Các em còn trong tuổi ăn học, Thích nữ Ngộ Mai đã phải dốc tâm tính toán kỹ càng từ cái ăn đến cái mặc cho các em. Bà đã chạy vạy đi vận động nhiều nơi để mong sao các em có cái ăn cái mặc và học hành. Nhiều nhà hảo tâm cũng chung tay chia sẻ với nhà chùa. Ai cho gì sư cô cũng nhận với lòng cảm ơn chân thành. Từ cọng rau đến từng ký gạo đều là những của cải quí giá mà nhà chùa rất cần để có miếng ăn hàng ngày cho các em. Đã vậy, nhà chùa còn cưu mang số phận kém may mắn của bà Nguyễn Thị Hồng Mai. Bà Mai năm nay đã 53 tuổi, bị bệnh tâm thần, lại mang dị tật bẩm sinh. Lúc tỉnh, lúc mê, nhưng mỗi khi ai đó nhắc đến mẹ thì bà Mai lại khóc như một đứa trẻ mồ côi mẹ, bởi đó là sự bất hạnh của bà ngay từ tấm bé.
Trụ trì chùa Phật Minh như một cây cột cái chống đỡ một mái nhà. Vai trò của người trụ trì quá nặng nề, khi nhà chùa có nhiều người như vậy, mà lại có rất ít tiền. Những khi các em bị bệnh, đi bệnh viện để được điều trị, vị sư cô này như cuống quýt lên, bởi thuốc men là những thứ cần phải có tiền mua. Sư cô Ngộ Mai bộc bạch: Có những khi cùng lúc, tới 9 em bị bệnh, tôi phải đi vay mượn tiền để đưa các em đi điều trị. Người có tấm lòng cho tôi vay tiền đã là tốt bụng rồi, miễn sao điều trị lành bệnh cho các em là niềm vui lớn của nhà chùa. Phật tử xa gần biết vậy đã ủng hộ nhà chùa. Hàng ngày, họ đến đây dạy dỗ các em học hành. Thỉnh thoảng, họ lại cùng nhà chùa tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm động viên tinh thần, tình cảm các em.
Trẻ em sống trong chùa được sưởi ấm bởi tấm lòng nhân ái của sư cô, của phật tử và của những anh em cùng chung cảnh ngộ. Các em có nhiều cố gắng học hành để trở thành người tốt, có nghề nghiệp tự nuôi sống mình và gia đình. Em Đặng Thị Như Ý không giấu niềm xúc động: Em cảm thấy vui và hạnh phúc khi được sống trong mái nhà Phật Minh này. Tại đây, em được sự chăm sóc và thương yêu của sư phụ. Em luôn cảm thấy được phát triển như các bạn cùng trang lứa. Điều làm em xúc động nhất là mùa hè năm ngoái, em được sư phụ đưa đi mổ trị bệnh mồ hôi tay. Khi vừa ra khỏi bàn mổ, em đã thấy có sư phụ bên cạnh. Sư phụ là người cha, người mẹ thứ hai của em. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đền đáp công ơn của sư phụ. Hay như em Nguyễn Thành Luân cũng lớn lên từ ngôi chùa này. Em Luân giờ đã ra đời, đã có nghề nghiệp để sống. Một ngày trở về thăm sư phụ, thăm các em, thăm chùa, em Luân cho biết: Tôi ở tận Cần Thơ, gia đình rất khó khăn, nhờ sư cô Ngộ Mai thương tình, đem về chùa Phật Minh nuôi dưỡng. Tôi ở trong chùa được 8 năm. Khi 15 tuổi, tôi xin sư cô cho tôi đi học nghề. Năm 22 tuổi, tôi đã có nghề trang trí nội thất ở TP Hồ Chí Minh. Tôi mong sao các em cố gắng chăm ngoan, khôn lớn, trở thành người tốt để không phụ lòng sư cô, nhà chùa. Em Nguyễn Đình Tiễn hiện đang học Trường Sĩ quan quân khu 9 cũng là em bé ngày xưa từng sống trong chùa Phật Minh. Em Tiễn mong có điều kiện rèn luyện tốt để trở thành người hữu dụng sau này. Em nói: Tôi thành thật cảm ơn sư cô đã nuôi dạy tôi trong 10 năm qua, để tôi có được như ngày hôm nay.Tôi ước mong sau này, tôi trở thành người sĩ quan tốt, sống có ích cho xã hội.
Mười tám năm trôi qua, cũng có nhiều người đến chùa để xin các em về làm con nuôi, nhưng sư cô Ngộ Mai không đồng ý. Sư cô những mong một ngày nào đó, các em còn có thể tìm lại gia đình mình. Trong lòng sư cô luôn lo sợ một điều rằng lỡ…các em lại một lần nữa bị bỏ rơi.
Mười tám năm tu hành, làm việc thiện, Thích nữ Ngộ Mai là một trong những tấm gương điển hình của huyện Châu Thành trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chùa Phật Minh là một mái nhà chung của nhiều hoàn cảnh trẻ em cơ nhỡ, đã cùng xã hội dang rộng vòng tay đỡ lấy những mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Ở đó có tình nhân ái bao la, có cách hành xử tốt đời-đẹp đạo. Như lời nhận xét của Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hòa Nguyễn Minh Hùng: Sư cô rất quan tâm đến các em có hoàn cảnh cơ nhỡ, nuôi dạy các em rất chu đáo. Tôi thấy việc làm của sư cô rất đáng trân trọng.