Nhà vườn Chợ Lách trăn trở với “GAP”

08/09/2014 - 07:47
Vườn chôm chôm đạt chuẩn GlobalGAP của ông Trần Hoàng Sở.

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

Hiện toàn huyện Chợ Lách có 3 mô hình của nhà vườn được chứng nhận đạt chuẩn GAP, đó là mô hình trồng chôm chôm của hộ ông Võ Văn Hớn, với diện tích 6,4ha; Tổ sản xuất chôm chôm ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng; Tổ sản xuất sầu riêng, ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, với diện tích 14,3ha, của 33 hộ dân. Ngoài ra, còn có 135 tổ hợp tác sản xuất, tổ liên kết sản xuất, tổ nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của  Thường trực HĐND tỉnh, ông Lê Phước Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho rằng các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp… Trong khi đó, các vườn chứng nhận GlobalGAP, VietGAP thì gặp khó khăn do chi phí chứng nhận ban đầu quá cao và thời hạn chỉ 1 năm lại phải tiếp tục tốn chi phí tái chứng nhận nên nông dân không “đủ lực”. Đồng thời, giá bán sản phẩm được tạo ra từ vườn chứng nhận so với vườn chưa chứng nhận chênh lệch không đáng kể, chưa kích thích người sản xuất. Mặt khác, còn quá ít doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân, xảy ra tình trạng doanh nghiệp “độc quyền” trong thu mua, lựa chọn sản phẩm đẹp hoặc mua không hết sản lượng. Bức xúc này đã được nhiều nông dân phản ánh tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo huyện và tỉnh. Ông Trần Hoàng Sở - Tổ phó Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B cho rằng trong năm đầu được chứng nhận, sản phẩm của tổ viên được doanh nghiệp thu mua, với giá cả khá hấp dẫn. Nhưng những vụ thu hoạch sau đó, doanh nghiệp thu mua có sự lựa chọn, chỉ mua sản phẩm đẹp, số còn lại nhà vườn rất khó bán cho các thương lái khác. Tổ viên chỉ có giữ mã số nông trại, còn các mã khác như mã code - mã xuất khẩu, mã hàng hóa, mã vùng… đều do doanh nghiệp nắm giữ. Khi doanh nghiệp khác đến đặt vấn đề thu mua sản phẩm để xuất khẩu thì tổ viên không có đủ thủ tục (các mã này do doanh nghiệp độc quyền thu mua giữ).

Cũng theo ông Sở, có vụ mùa doanh nghiệp không trực tiếp đến nhà vườn để thu mua mà qua trung gian từ các thương lái nhỏ, trái với cam kết ban đầu. Có vụ thu hoạch, doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, tổ viên gặp khó khăn trong tìm thương lái để bán sản phẩm. Cây chôm chôm trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP chi phí đầu vào tăng, trong khi đó giá bán sản phẩm chênh lệch không nhiều. Theo các tổ viên Tổ sản xuất chôm chôm ở ấp Phụng Đức B,  tháng 9-2014,  cây trồng cho trái thu hoạch cũng là lúc phải đề nghị tái cấp chứng nhận GlobalGAP. Nếu huyện, doanh nghiệp không cải thiện được tình hình và hỗ trợ chi phí thì tổ viên không có đủ tiền để đề nghị tái chứng nhận.

Qua khảo sát cho thấy, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP không khó. Nhà vườn từng bước tiếp cận và tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật canh tác, về môi trường, các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; đã thành công trong xử lý để cây ra trái rải vụ, nghịch vụ, chất lượng vẫn đảm bảo. Điều nhà vườn mong mỏi là giá cả hợp lý và thị trường đầu ra phải ổn định. Có như vậy mới đảm bảo lợi nhuận và ổn định cuộc sống cho nhà vườn.

 

Ông Lê Đăng Khánh - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Giai đoạn 2014-2015, Chương trình 300ha vườn cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP của huyện đã xác định vùng sản xuất tại 8 xã, thị trấn từ Phú Phụng đến Hưng Khánh Trung B với 325ha, 26 tổ. Đây mới chỉ là định hướng, xây dựng và vận hành theo chuẩn VietGAP, bởi phải có thời gian và còn phụ thuộc vào chi phí chứng nhận. Chương trình này cũng nằm trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Chợ Lách.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích